Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhân lực – chìa khóa chuyển đổi số thành công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhân lực – chìa khóa chuyển đổi số thành công

Vũ Tuấn Anh (*)

(TBKTSG) – Qua tham khảo nhiều tài liệu nghiên cứu về chuyển đổi số, có thể nhận ra rằng nhân lực là nhân tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình này. Trên thực tế, phần cứng cũng như giải pháp công nghệ có thể triển khai rất nhanh, nhưng quy trình, con người và cơ cấu – các hệ thống “mềm” – chính là phần khó thay đổi nhất. Một khi công nghệ mới, giải pháp mới được áp dụng sẽ đòi hỏi nhân lực phải thay đổi tư duy, thái độ, kỹ năng, phương pháp, quy trình làm việc. Doanh nghiệp cần đảm bảo toàn bộ nhân lực trong doanh nghiệp chấp nhận và thực hiện triệt để những yêu cầu thay đổi này.

Yêu cầu thay đổi bắt đầu từ cấp cao nhất, đó là các chủ doanh nghiệp. Không đợi đến khi nắm vững kiến thức về chuyển đổi số rồi mới tiến hành, mà người chủ doanh nghiệp cần chấp nhận thực nghiệm. Chỉ có hành động, có thể bắt đầu từ các dự án chuyển đổi số nhỏ, từ đó chủ doanh nghiệp hiểu sâu sắc và thấu đáo chuyển đổi số trong hoàn cảnh, điều kiện phù hợp của doanh nghiệp mình. Thực tiễn tại nhiều nước cho thấy các chương trình đào tạo về chuyển đổi số luôn đề nghị chủ doanh nghiệp tiến hành ngay những dự án chuyển đổi số nhỏ để kiểm nghiệm những giá trị cụ thể mà chuyển đổi số mang lại.

Động lực giúp người chủ doanh nghiệp thay đổi chính là sức ép từ bên ngoài thông qua các câu hỏi: 1. Nếu chủ doanh nghiệp không chuyển đổi số thì có những nguy cơ nào sẽ xảy ra với doanh nghiệp? 2. Trong bối cảnh doanh nghiệp đối tác hay doanh nghiệp đối thủ tích cực chuyển đổi số thì doanh nghiệp mình sẽ hợp tác hay cạnh tranh ra sao? 3. Chủ doanh nghiệp có bỏ lỡ các cơ hội khi chuyển đổi số đang trở thành một chương trình quốc gia, đang kiến tạo một nền kinh tế số? Đặt ra các câu hỏi này để thấy điều quan trọng đối với người chủ doanh nghiệp là sự mạnh dạn thay đổi cho dù hiện tại doanh nghiệp mình đang rất thành công. Việc thực hiện chuyển đổi giúp doanh nghiệp bắt đầu một chu kỳ phát triển mới khi mà thế giới đã khác trước, để từ đó thích nghi và duy trì sự bền vững của doanh nghiệp mình.

Yêu cầu thay đổi ở cấp thứ hai là các giám đốc chuyển đổi số (CXO – Chief digital transformation officer). Các CXO có bốn nhiệm vụ quan trọng. Một, đánh giá năng lực sẵn sàng cho chuyển đổi số của doanh nghiệp và kế hoạch phát triển các năng lực nếu chưa đạt đủ điều kiện đặc biệt về nhân lực và công nghệ. Hai, xây dựng chiến lược chuyển đổi số tích hợp/song hành với chiến lược kinh doanh. CXO là người sẽ giải các đề bài chuyển đổi từ kinh doanh và xác lập các giải pháp phần cứng cũng như công nghệ cho lộ trình chuyển đổi và triển khai số hóa tại doanh nghiệp. Thứ ba là xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai chuyển đổi số phù hợp bối cảnh và nguồn lực doanh nghiệp. CXO quyết định các phương án triển khai phối hợp giữa nguồn lực bên trong công ty và các đối tác cung cấp, triển khai các giải pháp công nghệ từ bên ngoài. Thứ tư, cùng với các giám đốc khối/ trưởng phòng triển khai và vận hành thành công dự án chuyển đổi số. Trong phần việc này, CXO đóng vai trò là nhạc trưởng quản lý dự án chuyển đổi số. Hiểu rõ bốn nhiệm vụ này sẽ giúp chủ doanh nghiệp tuyển dụng hoặc đào tạo từ bên trong đáp ứng đòi hỏi toàn diện và chuyên sâu đối với CXO.

Yêu cầu thay đổi ở cấp thứ ba về nhân lực là quản lý cấp trung ở các bộ phận như nhân sự, bán hàng, tài chính, marketing… Các nhân sự này có trách nhiệm cùng với CXO xác lập yêu cầu chuyển đổi số, chiến lược chuyển đổi số, kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn lập kế hoạch. Họ là người chủ trì các dự án (Project Owner), triển khai các dự án số hóa tại bộ phận của mình. Chuyển đổi số đòi hỏi quản lý cấp trung kiến tạo những hệ thống, quy trình, cách thức, nguyên tắc mới, khác hẳn với việc vận hành hệ thống họ đang làm hàng ngày. Do vậy, chủ doanh nghiệp cần thực hiện các chương trình đào tạo nhằm dịch chuyển từ tâm thế vận hành sang kiến tạo cho đội ngũ này.

Để thực hiện điều nói trên, các chủ doanh nghiệp cần triển khai các chương trình đào tạo tập trung: 1. Mô hình Lean – công cụ như tư duy thiết kế, trải nghiệm người dùng, MVP- sản phẩm tối giản, đổi mới sáng tạo; 2. Phương thức Agile, Scrum, Kaizen; 3. Growth Mindset – tâm thế phát triển không ngừng, Life-long Learning – học tập cả đời; 4. Lãnh đạo số trong môi trường VUCAH.

Mục tiêu các chương trình đào tạo trên là thúc đẩy họ thành những hạt nhân chuyển đổi số, vận dụng đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ số, nhằm thực hiện chuyển đổi số thành công tại từng phòng ban trong doanh nghiệp.

Yêu cầu thay đổi ở cấp sau cùng là toàn bộ nhân viên trong doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ chuyển đổi toàn bộ phương thức, nền tảng làm việc, thái độ, kỹ năng, văn hóa và kiến thức.

Nhân lực cần được chuyển đổi sang số hóa triệt để song hành với triển khai công nghệ và giải pháp. Trong đó, phương thức làm việc số dựa trên sáu cột trụ quan trọng: 1. Dữ liệu: mọi quyết định kinh doanh đều dựa trên các dữ liệu khách quan trên nền tảng số; 2. Khách hàng: tất cả các hoạt động đều hướng tới giá trị cho khách hàng; 3. Phối hợp: dựa trên các nền tảng số hóa, các nhân viên cần phối hợp với các bộ phận ngay cả bên ngoài như nhà cung cấp để có được giải pháp xử lý tốt nhất từ nhiều góc độ khác nhau; 4. Thời gian thực: thông qua số hóa, tất cả các vị trí trong doanh nghiệp cần giải quyết các vấn đề ngay khi xảy ra; 5. Chia sẻ: các thông tin và vấn đề của mỗi cá nhân cần được trao đổi, giúp cho doanh nghiệp kịp thời xử lý; 6. Ra quyết định: tương tác thời gian thực tạo ra thách thức cho nhân viên phải ra quyết định để thúc đẩy công việc.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một vòng tròn khép kín, bắt đầu từ ý chí của lãnh đạo, việc lập kế hoạch của CXO, tới sự thực thi của quản lý cấp trung và cuối cùng là sự tuân thủ của toàn thể nhân viên.

(*) Chuyên gia đào tạo – tư vấn đổi mới sáng tạo và chuyển đổi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới