Thứ ba, 15/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhân lực Việt làm nghề gì tại Nhật?

Dương Văn Bình (*) - Trần Hương Giang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Khi nhắc đến Nhật Bản, người ta dễ dàng nghĩ đến những ngành công nghiệp đòi hỏi trình độ công nghệ kỹ thuật cao với đội ngũ lao động tinh hoa, lành nghề. Đặc biệt, khi nhắc đến đất nước mặt trời mọc, thế giới không thể không đề cập đến việc đây là quốc gia có số lần đạt giải Nobel cho các công trình nghiên cứu nhiều nhất châu Á.

Tuy nhiên, liệu các lợi thế này có thực sự tạo cơ hội cho lao động Việt Nam học tập và phát triển khi đặt chân đến Nhật Bản làm việc? Điều này còn tùy thuộc vào ngành nghề mà người Việt có cơ hội đảm nhận.

Một lao động Việt tại Nhật Bản. Nguồn: Eastasiaforum.org

Ngành nghề nào tại Nhật Bản đang cần lao động nhập cư đảm nhận?

Trên thực tế, những ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, có tính chất phức tạp thì lại đòi hỏi trình độ cao và ít thâm dụng lao động. Đối với các nước phát triển như Nhật Bản, hệ thống giáo dục vững mạnh đủ sức đào tạo ra được nguồn nhân lực có khả năng tham gia nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và nắm giữ các kỹ thuật công nghệ hiện đại. Do đó, thường các hoạt động này do các chuyên gia trong nước thực hiện và ít phải chuyển giao cho nhóm lao động nhập cư dù có thiếu hụt lao động trong nước. Nhưng nếu phải để lao động nhập cư tham gia các công việc này, thường họ sẽ tuyển chọn những người rất giỏi và sẵn sàng trả mức lương còn cao hơn cả người bản xứ.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Nhật Bản cho giai đoạn 2018-2023, các ngành nghề trong lĩnh vực sản xuất có mức lương tương đối cao, nhưng tỷ lệ việc làm đang giảm. Xu hướng tiết kiệm lao động cũng đang được đẩy mạnh ở nhiều khâu thông qua tự động hóa, ngoại trừ một số lĩnh vực vẫn đang trong quá trình phát triển. Ngược lại, ở lĩnh vực phi sản xuất, mặc dù có sự khác biệt giữa các ngành, việc làm đang mở rộng để đáp ứng nhu cầu xã hội tăng cao nhưng một số việc làm thông dụng lại có mức lương tương đối thấp, đặc biệt ở lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng, dịch vụ lưu trú và thực phẩm.

Mặc dù có thể lao động Việt Nam khi sang Nhật Bản sẽ không có nhiều đối tượng được làm các công việc liên quan đến kỹ thuật công nghệ ở những vị trí có thể học tập sâu các hoạt động chuyên môn hay đổi mới sáng tạo, nhưng việc đẩy mạnh tham gia các công việc trong ngành dịch vụ như nhà hàng - khách sạn, logistics, dịch vụ chăm sóc sức khỏe... cũng giúp nhân lực Việt có thể nắm bắt được quy trình và tác phong làm việc. Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại - dịch vụ, đội ngũ nhân lực sau khi kết thúc thời gian làm việc tại Nhật Bản và quay về Việt Nam sẽ có thể tham gia làm việc để phát triển ngành thương mại - dịch vụ nước nhà.

Người lao động khi tham gia các chương trình làm việc tại Nhật Bản, bên cạnh mục tiêu cải thiện thu nhập, cần phải được định hướng phát triển sự nghiệp trong tương lai để có những nỗ lực học tập phù hợp, hướng đến nâng cao năng lực của bản thân nhằm xác lập được vị trí công việc của mình tại thị trường lao động trong nước khi họ quay về quê hương.

Giao thông vận tải và chăm sóc điều dưỡng (Kaigo) là hai ngành đang có nhu cầu lao động lớn theo chương trình “Kỹ năng đặc định”. Cả hai ngành này đều đòi hỏi nhân lực phải có bằng lái xe và bằng cấp ngành điều dưỡng, y tá. Mức lương ngành vận tải khá cạnh tranh, tài xế có thể lái được các xe tải trọng lớn thì lương sẽ càng cao. Công việc chăm sóc y tế chủ yếu làm việc tại các cơ sở y tế và viện dưỡng lão để chăm sóc người lớn tuổi có mức lương ít hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, cả hai ngành này đều được dự báo là tương lai của Việt Nam, khi hệ thống giao thông và cảng phát triển mạnh đi cùng dịch vụ logistics có tính hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả, nhu cầu giao thông vận tải sẽ rất lớn, đòi hỏi nhân sự trong ngành cũng nhiều. Trong khi đó, khát vọng trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực và thực trạng dân số đang dần già hóa cũng đòi hỏi phải quy hoạch những trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe quy mô lớn rất cần thu hút một lượng lớn nhân lực phục vụ trong các cơ sở này.

Việt Nam cần làm gì để chuyển dịch nhân lực theo ngành nghề?

Nhu cầu nhân lực dưới góc độ ngành nghề cho thấy hai bức tranh có đặc điểm khác biệt nhưng khá tương thích ở hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản. Ở Nhật Bản, thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng nhưng chủ yếu cần nhân lực cho các hoạt động phi sản xuất và ít hàm lượng kỹ thuật công nghệ. Trong khi đó, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào nhưng khoảng 70% là chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật(1), phù hợp với nhóm công việc thô sơ, thủ công.

Ngoài ra, Nhật Bản đang có nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực phi sản xuất, cụ thể là các ngành thương mại - dịch vụ để hướng đến các cụm ngành mang tính chất hỗ trợ hoạt động sản xuất chính và dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi. Về phía Việt Nam, với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và đang dần tái cấu trúc theo hướng phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ, thì logistics và y tế là hai ngành chắc chắn phải được thúc đẩy để đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội.

Một chiến thuật trao đổi nguồn lực có vẻ phù hợp với việc chuyển dịch nhân lực trong mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Việt Nam có thể thúc đẩy số lượng lớn nhân lực chưa có trình độ chuyên môn trong nước đến Nhật Bản tham gia các công việc giản đơn trong ngành logistics và chăm sóc sức khỏe để được học tập từ thực tiễn, chuẩn bị cho việc phát triển các lĩnh vực này trong tương lai, khi họ quay trở về quê hương. Đổi lại, Nhật Bản cần chấp thuận để số ít nhân lực trình độ cao của Việt Nam được tham gia các công việc có chuyên môn sâu trong những lĩnh vực như kỹ thuật công nghệ là thế mạnh của Nhật Bản.

Để nhóm nhân lực sơ cấp có thể học tập tốt hơn khi đảm nhận các công việc giản đơn ở các ngành thương mại - dịch vụ tại Nhật Bản, và để nhóm nhân lực cao cấp có thể tiếp nhận tri thức công nghệ hiệu quả khi tham gia vào các công việc chuyên môn sâu, các chương trình đào tạo đặc thù trước khi lên đường đến Nhật Bản cần được thiết kế và thực hiện thường xuyên. Người lao động khi tham gia các chương trình làm việc tại Nhật Bản, bên cạnh mục tiêu cải thiện thu nhập, cần phải được định hướng phát triển sự nghiệp trong tương lai để có những nỗ lực học tập phù hợp, hướng đến nâng cao năng lực của bản thân nhằm xác lập được vị trí công việc của mình tại thị trường lao động trong nước khi họ quay về quê hương.

(*) Tổng giám đốc Tâm Việt Education
(1) Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê giữa năm 2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới