Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhân vật ảo nổi tiếng cạnh tranh với ngôi sao thật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhân vật ảo nổi tiếng cạnh tranh với ngôi sao thật

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Sự trỗi dậy của các nhân vật ảo nổi tiếng trên mạng xã hội YouTube (VTuber) đang tạo ra sự cạnh tranh mới với những ngôi sao ở Nhật Bản, bao gồm các nghệ sĩ giải trí trên thị trường quảng cáo.

Nhân vật ảo nổi tiếng cạnh tranh với ngôi sao thật
Kizuna AI, nhân vật ảo YouTube nổi tiếng nhất Nhật Bản, quảng cáo cho một sản phẩm mì ly. Ảnh: geekandgear.com

Bùng nổ nhân vật ảo nổi tiếng trên YouTube

Ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản có thể đã tìm ra những người nổi tiếng hoàn hảo. Họ không bao giờ đòi hỏi phải trả những khoản cát-xê quảng cáo cao ngất ngưỡng như những diễn viên hay ca sĩ nổi tiếng. Họ cũng miễn nhiễm với những bê bối ma túy hay các vụ việc ồn ào khác. Nhưng họ có thể mang về hàng triệu đô la cho những người quản lý.

Họ chính là những nhân vật hoạt hình được dựng bằng kỹ thuật số trên mạng chia sẻ video YouTube. Họ có thể đảm nhận nhiều vai trò của người nổi tiếng bằng da bằng thịt ngoài đời từ trình diễn trong các chương trình hòa nhạc cho đến quảng bá sản phẩm. Họ đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ ngành giải trí và quảng cáo của Nhật Bản.
Nhật Bản chứng kiến sự trỗi dậy của “những nghệ sĩ giải trí ảo” này trong hai năm vừa qua với quân số đã vượt 9.000 so với mức chỉ 200 vào đầu năm 2018, theo Công ty phân tích web User Local ở Tokyo.

Norikazu Hayashi, Giám đốc điều hành của Công ty sản xuất nội dung thực tế ảo tăng cường Balus, ước tính tại Nhật Bản, thị trường nhân vật ảo nổi tiếng đạt giá trị khoảng 5-10 tỉ yen (46-92 triệu đô la Mỹ) mỗi năm. Ông dự báo thị trường này sẽ đạt giá trị 50 tỉ yen (gần 460 triệu đô la) trong những năm tới.

Nhân vật ảo YouTube nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là Kizuna AI, một “cô gái” xinh đẹp với chiếc băng-đô duyên dáng trên mái tóc. Kizuna AI có khoảng 6 triệu người hâm mộ đăng ký theo dõi trên các mạng xã hội YouTube, TikTok, Twitter và Instagram của cô. “Cô” tham gia biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc, đăng các bài bình luận game video, ra mắt các cuốn sách ảnh và xuất hiện trong các show truyền hình và các chương trình quảng cáo.

Activ8 là công ty khởi nghiệp đã khai sinh ra Kizuna AI. Chữ AI trong tên cô gái ảo này là viết tắt của từ artificial intelligence (trí tuệ nhân tạo). Công ty Activ8 đã xây dựng khoảng 50 nhân vật ảo trên YouTube và kiếm tiền bằng cách thu phí cấp phép sử dụng các nhân vật ảo này trong hoạt động quảng cáo cũng như các sự kiện .

Gree, công ty sản xuất game di động nổi tiếng ở Nhật Bản, cũng là một nhà sản xuất các tài năng ảo. Người phát ngôn của Gree nói: “Công việc của chúng tôi về cơ bản giống như một công ty đào tạo và quản lý tài năng: xây dựng sự nổi tiếng cho các tài năng”.

Tuy nhiên, không giống như những người nổi tiếng thật ngoài đời, các ngôi sao ảo là tài sản sở hữu trí tuệ, cho phép các công ty có nhiều cách kiếm tiền từ chúng. “Nhờ sự nổi tiếng của văn hóa anime (hoạt hình mang phong cách Nhật Bản), chúng tôi sẽ có thể xuất khẩu nội dung về tài năng ảo của chúng tôi và mở rộng kinh doanh”, người phát ngôn của Gree nói.

Các thương hiệu bắt đầu chú ý

Một diễn viên mặc bộ trang phục có gắn nhiều cảm biến để điều khiển chuyển động của một nghệ sĩ ảo tại xưởng phim của Công ty Gree ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asian Review

Những VTuber nổi tiếng là một hiện tượng còn khá mới nhưng chuyển động công nghệ đằng sau chúng thì không. Hollywood từng sử dụng công nghệ trong nhiều năm qua. Tại xưởng phim của Gree ở quận Roppongi, Tokyo, các diễn viên con người mang bộ trang phục được gắn hơn 50 cảm biến thực hiện những thao tác điều khiển chuyển động của nhân vật ảo trên màn hình. Dữ liệu chuyển động được thu thập bởi các cảm biến được chuyển thành hình ảnh đồ họa trên máy tính và được truyền theo thời gian thực.

Hình ảnh nhân vật ảo được tạo ra trong xưởng phim có thể truyền đến bất kỳ nơi đầu nhờ kết nối internet tốc độ cao.

Sự phổ cập của mạng 5G trong thời gian tới ở Nhật Bản hứa hẹn sản sinh nhiều VTuber hơn.

Cover, một công ty quản lý nhân vật ảo nổi tiếng khác ở Nhật Bản, đang thu hút sự chú ý bên ngoài Nhật Bản. “Chúng tôi có nhiều người mến mộ ở Trung Quốc và chứng kiến lượng người mến mộ đang tăng lên ở phương Tây cũng như Indonesia”, Motoaki Tanigo, Giám đốc điều hành của Cover, nói. “Tùy thuộc vào nhu cầu trong tương lai, chúng tôi sẽ lên kế hoạch phát triển kinh doanh ra nước ngoài”, Tanigo nói.

Cluster, một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ sự kiện bằng VTuber, chứng kiến số lượng các sự kiện có sự tham của “các nghệ sĩ ảo” nổi tiếng trên nền tảng của Cluster đã tăng vọt lên con số hơn 100 trong năm 2019, so với 2 sự kiện vào năm 2018.

Để xem một sự kiện của Cluster, người hâm mộ chỉ cần ngồi ở nhà và mang thiết bị thực tế ảo rồi đặt hình đại diện của họ vào một địa điểm ảo để thưởng thức các sự kiện, chủ yếu là các chương trình hòa nhạc.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng bắt đầu nhận thấy sức mạnh tiếp thị của những VTuber nổi tiếng. Hãng bia Suntory Beer, hãng dược phẩm và hàng tiêu dùng nhanh Rohto Pharmaceutical và Công ty internet và thương mại điện tử DMM.com đều phát triển những VTuber riêng để trình diễn trên các chương trình truyền hình và xuất hiện trong các chương trình quảng cáo của họ cũng như phát sóng trực tiếp trên YouTube.

TV Tokyo, một trong những đài truyền hình lớn ở Nhật Bản, thậm chí tạo ra một biên tập viên ảo tên là Yuuka Aiuchi. “Nữ biên tập viên” này xuất hiện trong nhiều chương trình tin tức của TV Tokyo. Đây có thể là cách để các đài truyền hình thu hút sự quan tâm của khán giả khi ngày càng có ít người trẻ xem tivi, khiến doanh thu quảng cáo của họ suy giảm.

Theo Công ty quảng cáo Dentsu, quảng cáo trên internet đang tăng trưởng nhanh hơn so với quảng cáo trên truyền hình. Tại Nhật Bản, chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tăng 16% lên mức 1.750 tỉ yen trong năm 2018, thúc đẩy tổng doanh thu quảng cáo ở tăng thêm 2% lên mức 6.530 tỉ yen.

Tuy nhiên, quảng cáo truyền hình lại giảm 1,8% về mức 1.780 tỉ yen. Ngành công nghiệp truyền hình Nhật Bản gần đây rúng động vì một loạt vụ bê bối của người nổi tiếng bao gồm vụ nữ diễn viên Erika Sawajiri bị bắt giữ vào cuối năm ngoái với cáo buộc tàng trữ ma túy tổng hợp.

Phát sóng nội dung của nhân vật ảo nổi tiếng trên YouTube và trên các nền tảng mạng xã hội có thể giúp các đài truyền hình kết nối với những khán giả suốt ngày dán mắt vào smartphone. Hơn nữa, các nhân vật ảo này cũng không có rủi ro trở thành chủ đề để báo lá cải khai thác trong các vụ bê bối.

Theo Nikkei Asian Review

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới