(KTSG Online) - Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) hôm 16-1 đã yêu cầu toàn bộ khoảng 1600 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường hàng đầu Prime phải công bố thông tin quan trọng bằng tiếng Anh từ tháng 3-2025. Trước đó một ngày, TSE đã tăng áp lực lên CEO các công ty niêm yết khi công bố danh sách những công ty đáp ứng yêu cầu của TSE về cải thiện chỉ số hiệu quả vốn và giá cổ phiếu.
Đây là loạt động thái mới nhất của Nhật Bản nhằm thu hút hơn nữa nguồn vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán nước này.
- Nhật Bản ra tối hậu thư, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải cải tổ
- Doanh nghiệp niêm yết Nhật Bản đương đầu áp lực bình đẳng giới
- Chưa tới một nửa doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin
Lo ngại vốn nước ngoài chạy về các thị trường công bố bằng tiếng Anh
Từ tháng 4-2022, TSE khuyến khích công ty đại chúng phải công bố đồng thời kết quả tài chính bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, nhằm tăng tính minh bạch. Theo TSE, tính đến tháng 8-2023, chỉ 97% công ty niêm yết trên thị trường Prime đã xuất bản một số tài liệu bằng tiếng Anh. Nhưng thông tin chủ yếu chỉ giới hạn ở báo cáo tài chính. Chỉ có khoảng 40% công ty công bố kết quả tài chính bằng tiếng Anh và tiếng Nhật cùng lúc.
Công ty niêm yết cũng sẽ được yêu cầu tiết lộ thông tin có thể ảnh hưởng lớn đến các quyết định đầu tư, chẳng hạn như sửa đổi dự báo thu nhập, các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) cũng như thay đổi giám đốc đại diện. Công ty không thể đáp ứng các yêu cầu này trước thời hạn phải đưa ra ngày cụ thể mà họ có thể bắt đầu tiết lộ thông tin, bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.
TSE sẽ chính thức sửa đổi các quy tắc niêm yết sau cuộc thảo luận của một ủy ban chuyên gia có nhiệm vụ lượng giá hoạt động của thị trường Prime. Các thông tin chi tiết, chẳng hạn như phạm vi dịch tiếng Anh cho từng tài liệu, sẽ được công bố trong tương lai. Ủy ban này sẽ xem xét liệu có nên mở rộng phạm vi công bố thông tin dựa trên tiến độ của công ty hay không.
Tại châu Á, Singapore, Malaysia và Hồng Kông vốn sử dụng tiếng Anh gần như ngôn ngữ chính thức. Trong khi đó, việc công bố bằng tiếng Anh ngày càng phổ biến trên các sàn giao dịch ở các quốc gia không xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức.
Sàn giao dịch Đài Loan yêu cầu các báo cáo tiếng Hoa và tiếng Anh, từ tháng 6-2021 có thêm báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Hàn Quốc sẽ tăng dần số công ty phải tuân thủ yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh trong năm nay. Theo TSE, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đổ vào các thị trường công bố bằng tiếng Anh. Vì thế, Nhật Bản có thể gặp nguy cơ mất cơ hội đón dòng vốn nước ngoài nếu không kịp đưa ra những quy định tương ứng.
Thúc giục doanh nghiệp quản lý vốn hiệu quả
Tháng 4-2022, TSE đã cải tổ cách phân loại doanh nghiệp lên sàn, từ bốn còn ba phân nhóm là Prime (chủ chốt, nhóm blue chip), Standard (tiêu chuẩn) và Growth (tăng trưởng). Động thái này mở đầu đợt cải cách quan trọng đầu tiên từ năm 1973 trong lịch sử 145 tuổi của TSE (thành lập năm 1878).
Một trong số các tiêu chí quan trọng để đủ điều kiện tham gia thị trường cấp cao Prime là công ty phải có 35% cổ phiếu thả nổi và trị giá ít nhất 10 tỉ yen (tỷ giá lúc đó là 77 triệu đô la Mỹ), tăng từ mức 4 tỉ yen trước đó. Thị trường Standard và Growth đòi hỏi 25% cổ phiếu thả nổi với giá trị ít nhất trên hoặc dưới 1 tỉ yen. Doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết cập nhật của TSE sẽ có thời hạn ba năm để thay đổi. Đến năm 2026, nếu vẫn chưa đáp ứng điều kiện, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết.
Tháng 3-2023, TSE thúc giục các công ty “thực hiện quản lý có ý thức về chi phí vốn và giá cổ phiếu”.
Hôm 15-1-2024, TSE đã công bố danh sách các công ty đáp ứng yêu cầu cải thiện các chỉ số hiệu quả vốn và giá cổ phiếu. Ngay lập tức, thị trường có tín hiệu tốt. Chỉ số chứng khoán Nikkei tăng 6%, ở mức cao nhất trong 34 năm.
“Câu hỏi dành cho hầu hết các nhà đầu tư, bao gồm cả tôi, là có bao giờ người ta đủ dũng cảm, công bố danh sách này hay không. Điều này không chỉ quan trọng với chính doanh nghiệp đó, mà còn với nhà đầu tư. Từ góc độ nhà đầu tư, từ giờ tôi biết công ty nào nghiêm túc thực hiện thay đổi”, theo lời Shrikant Kale, chiến lược gia định lượng cấp cao tại hãng chứng khoán Jefferies.
Theo TSE, 660 công ty niêm yết trên thị trường Prime, tức 40% trong tổng số 1.656 công ty trên Prime, đã công bố quy trình đáp ứng các yêu cầu của TSE. 155 công ty khác, khoảng 9%, đang xem xét kế hoạch thực thi. Con số này thể hiện sự gia tăng so với tháng 7-2023 khi TSE cho biết khoảng 20% công ty đã công bố các bước đi và 11% đang xem xét một số biện pháp.
Theo Nikkei Asia, The TSEconomist, TWSE