Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản đẩy mạnh bán khí đốt sang ASEAN

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các công ty năng lượng lớn của Nhật Bản đang tăng tốc vươn ra nước ngoài, đặc biệt là Đông Nam Á để kinh doanh khí đốt hóa lỏng (LNG) cũng như xây dựng hạ tầng khí đốt. Sự chuyển hướng đáng chú ý này diễn ra do nhu cầu nhu cầu nội địa suy yếu.

Tàu chở LNG tiến vào một kho cảng LNG của Tokyo Gas ở thành phố Yokohama, Nhật Bản. Tokyo Gas đang tìm cách bán lại LNG sang các nước ASEAN do nhu cầu trong nước suy giảm. Ảnh: Bloomberg

Trong những năm tới, nhu cầu khí đốt dự kiến tăng vọt ở các nước Đông Nam Á, nơi đang trong quá trình chuyển tiếp từ điện than sang điện khí. Vì vậy, các công ty năng lượng của Nhật Bản tìm mở rộng mảng kinh doanh LNG ở khu vực này trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy giảm.

Nguồn cung khí đốt thiếu ở Đông Nam Á, dư thừa ở Nhật Bản

Theo Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (IEEFA), có trụ ở Mỹ, nhập khẩu LNG của Nhật Bản giảm 20% kể từ năm 2018, xuống còn 67 triệu tấn hàng năm, mức thấp nhất trong một thập niên. Tuy nhiên, nước này vẫn là khách hàng lớn, chỉ xếp sau Trung Quốc về khối lượng LNG nhập khẩu trong năm 2023. Kể từ năm 2022, các công ty Nhật Bản đã đạt được các thỏa thuận dài hạn để hơn 5 triệu tấn LNG mỗi năm từ các nhà cung cấp của Mỹ và Úc.

Báo cáo của IEEFA cho biết, các công ty năng lượng nhất của Nhật Bản có thể dư 11 triệu tấn LNG mỗi năm so với mức cần thiết vào năm 2030. Điều này do nhiều yếu tố gồm quy mô sản xuất điện hạt nhân và tái tạo tăng lên, dân số giảm và tăng trưởng kinh tế chậm.

Tuy nhiên, khí đốt tự nhiên đang trở thành nguồn tài nguyên quan trọng đối với 10 nước thành viên ASEAN. Việt Nam và Philippines bắt đầu nhập khẩu LNG vào năm 2023 để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện khí. Hiện tại, khoảng 1/3 công suất phát điện của Đông Nam Á, tương đương 100 GW hàng năm, đến từ các nhà máy điện khí.

“Ở Đông Nam Á, một giải pháp năng lượng thực tế để giảm khí thải carbon là giảm sản xuất điện than và chuyển sang sản xuất điện khí cùng với năng lượng tái tạo”, Michiaki Hirose, cựu Chủ tịch của Tokyo Gas, một công ty kinh doanh khí đốt lớn của Nhật Bản nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn.

Tokyo Gas và Công ty năng lượng First Gen của Philippines dự kiến bắt đầu vận hành một kho cảng LNG ở Philippines ngay khi được chính phủ cấp phép. Những công ty này có kế hoạch cung cấp LNG cho một nhà máy điện khí địa phương. Tokyo Gas nhập khẩu LNG và vận hành các kho cảng LNG tại Nhật Bản từ năm 1969.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Philippines, Raphael Lotilla, ông hoan nghênh các khoản đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực LNG ở Philippines để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

Tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản, Úc và các nước thành viên ASEAN tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Cộng đồng châu Á không phát thải (AZEC) tại Tokyo. AZEC là sáng kiến hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các thành viên ASEAN chuyển đổi sang các nguồn năng lượng ít ô nhiễm hơn.

“Nhật Bản đã trở thành cường quốc LNG trong hơn nửa thế kỷ. Kỷ nguyên LNG cũng sẽ xuất hiện ở Đông Nam Á thông qua chiến lược năng lượng tái tạo của mỗi nước thành viên”, ông Hirose, người cũng là cựu Chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Nhật Bản nói và dự đoán, quá trình chuyển tiếp từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo ở ASEAN sẽ kéo dài đến năm 2050 hoặc 2060.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt tự nhiên ở ASEAN sẽ tăng lên 332,73 tỉ mét khối (bcm) vào năm 2050 từ mức 163,7 tỉ bcm vào năm 2020.

Đầu tư mạnh vào trạm tái hóa khí và nhà máy điện khí ở ASEAN

Theo Hitoshi Kaguchi, Phó Chủ tịch của Mitsubishi Heavy Industries (MHI), công ty nắm giữ thị phần hàng đầu trên thị trường tuốc-bin khí sử dụng ở các nhà máy điện khí, đơn đặt hàng tuốc-bin khí của MHI từ Đông Nam Á tăng hơn 50% tính theo công suất MW vào năm 2023, với nhu cầu đặc biệt mạnh mẽ từ Singapore.

“Các công ty dầu khí thượng nguồn trước đây lo lắng về phương hướng tồn tại trong kỷ nguyên xanh nhưng giờ lại tin rằng nhiên liệu hóa thạch vẫn cần thiết xét từ góc độ an ninh năng lượng. Phần quan trọng nhất trong nỗ lực khử cacbon của châu Á là chuyển tiếp từ than sang năng lượng khí đốt, rồi cuối cùng mới đến năng lượng tái tạo”, Kaguchi nói và cho rằng, các hạn chế về địa lý đang cản trở nỗ lực của châu Á trong việc khai thác năng lượng mặt trời và gió.

“Để thúc đẩy nhu cầu ở nước ngoài, các công ty năng lượng của Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng khí đốt và LNG mới tại các thị trường tiềm năng như Philippines”, Sam Reynolds, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khí đốt tự nhiên và LNG châu Á của IEEFA nói.

Theo báo cáo của IEEFA, các công ty năng lượng lớn Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư vào các dự án như trạm tái hóa khí và nhà máy điện khí, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Nam Á.

Dữ liệu của IEEFA cho thấy, 4 công ty năng lượng của Nhật Bản gồm JERA, Tokyo Gas, Kansai Electric và Osaka Gas đã ký hợp đồng mua LNG nhiều hơn mức cần thiết trong hầu hết các năm từ 2019 đến 2030. Mức dư thừa LNG vào năm 2022 và 2023 là khoảng 2-3 triệu tấn mỗi năm. Xuất khẩu LNG của những công ty này cũng tăng gấp nhiều lần từ mức thấp trong năm 2017.

IEEFA lưu ý, JERA và Tokyo Gas liên quan đến hàng chục dự án nhà máy điện khí, kho cảng nhập khẩu LNG và các dự án hạ tầng khí đốt khác ở Đông Nam Á, Bangladesh và Đài Loan. Trong khi đó, Osaka Gas tham gia phân phối khí đốt và dịch vụ kỹ thuật trong khu vực. Kansai Electric có một công ty thương mại ở Singapore cùng với cổ phần thiểu số trong các nhà máy điện khí trong khu vực.

Nguồn cung LNG lớn hơn từ Nhật Bản có thể giúp nhiên liệu này giảm giá ở phần còn lại của châu Á nhưng xu hướng thị trường vẫn có thể thay đổi nhanh chóng. Lượng khí thải mêtan từ các cơ sở khí đốt có thể có tác động lớn đến khí hậu và làm tăng nguy cơ mắc kẹt tài sản khi áp lực khử cacbon tăng lên.

Theo Nikkei Asia, Eco- Business

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới