Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản hậu thuẫn lớn cho ngành chip để lấy lại chu kỳ tăng trưởng tích cực

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong chưa đầy 3 năm, chính phủ Nhật Bản đã phân bổ khoản trợ cấp khổng lồ 4.000 tỉ yen (gần 27 tỉ đô la Mỹ) nhằm khôi phục sức mạnh ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Fumio Kishida nhằm tái định hướng nền kinh tế trở về chu kỳ tăng tưởng tích cực.

Nhà máy chip trị giá 7 tỉ đô la của của TSMC ở Kumamoto, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Luồng sinh khí mới cho kinh tế địa phương

Dữ liệu từ hòn đảo Hokkaido ở phía bắc và từ thành phố Kumamoto ở phía nam Nhật Bản cho thấy các dự án nhà máy chip mới ở đây đang bắt đầu tác động tích cực đến nền kinh tế địa phương. Điều này góp phần ngăn chặn làn sóng người lao động đổ xô đến Tokyo để tìm kiếm việc làm và học tập.

Yuto Oikawa, nhà môi giới bất động sản ở Hokkaido cho rằng, không thể nghe hết các cuộc gọi khi thành phố chuyển đổi từ một nơi bị coi là “vùng nước tù đọng” trở thành một trong những thị trường bất động sản nóng nhất đất nước.

Đây có thể tác động lan tỏa từ dự án nhà máy chip trị giá 2.000 tỉ yen (13,3 tỉ đô la Mỹ) mới được xây dựng. Nhà máy này là một phần trong kế hoạch của hãng chip Rapidus Corp sau khi nhận được sự hậu thuẫn đầu tư từ chính phủ nhằm tạo ra bước nhảy vọt trong công nghệ chip và tái lập vị trí dẫn đầu toàn cầu của Nhật Bản về chuyên môn bán dẫn.

Được biết Rapidus là một công ty liên doanh giữa Toyota, Sony và sáu công ty khác gồm hãng chip Kioxia, hãng điện tử và bán dẫn Tokyo Electron, Tập đoàn đầu tư SoftBank, Công ty phụ tùng ô tô Denso, hãng viễn thông NTT, Tập đoàn công nghệ thông tin và điện tử NEC. Liên doanh này được thành lập nhằm phát triển những sản phẩm chip cao cấp thế hệ tiếp theo có kích cỡ 2 nanometer.

Thủ tướng Fumio Kishida gọi ngành công nghiệp chip là “động lực” giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng tăng trưởng trì trệ do giảm phát. Việc các doanh nghiệp tăng lương được xem là yếu tố quan trọng để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) loại bỏ lãi suất âm vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới như dự đoán.

“Tôi hy vọng ngành công nghiệp chip sẽ dẫn đầu trong nỗ lực tăng lương ở các nền kinh tế vùng. Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ cho hoạt động đầu tư vào việc sản xuất chip hàng loạt ở đất nước chúng ta”, ông Kishida nói trong một cuộc triển lãm chip hồi tháng 12.

Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản hy vọng chiến lược chip mới nhất sẽ giúp lấp đầy khoảng trống kinh tế do hàng loạt công ty chuyển sản xuất ra nước ngoài vì đồng yen giảm giá.

Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm sản xuất công nghiệp làm cạn kiệt khả năng chi tiêu và cơ hội việc làm của cộng đồng. Điều này khiến nhiều người trẻ phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội ở các thành phố lớn.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của nhà nước không bảo đảm mang lại thành công cho ngành công nghiệp chip. Vụ phá sản năm 2012 của Elpida Memory, một nhà sản xuất chip nhớ DRAM được chính phủ hậu thuẫn cho thấy sự can thiệp ban đầu từ khu vực công vẫn có thể dẫn đến thất bại.

Hideo Kumano, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life cảnh báo, với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán dẫn toàn cầu, chiến lược chip mới nhất của Nhật Bản không chắc chắn thành công. “Những khoản trợ cấp của chính phủ  dành cho ngành chip là rất lớn. Nhưng chúng chỉ được xem các biện pháp kích thích tài khóa và có thể không mang lại hiệu quả trong dài hạn”, Kumano nói.

Làn sóng người dân đổ về các thành phố đã hình thành 4 khu đô thị trọng điểm xung quanh Tokyo, Nagoya, Osaka và Fukuoka chiếm khoảng 54% dân số và 60% GDP của đất nước. Từ năm 2000 đến năm 2020, số người sinh sống ở Tokyo đã tăng 16%, dù dân số cả nước giảm. Tổng số cư dân ở Hokkaido và Kumamoto giảm 7,7% trong thời gian đó, trong khi quy mô nền kinh tế của địa phương giảm 2,9%.

Công trường xây dựng nhà máy chip của Rapidus ở thành phố Chitose, Hokkaido, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Lập hệ sinh thái bán dẫn ở “Thung lũng Hokkaido”

Mục tiêu chính trong chiến lược chip của chính phủ Nhật Bản tăng gấp ba lần doanh số chip sản xuất trong nước hiện nay. Cụ thể, giá trị ngành này tăng lên 15.000 tỉ yen (100 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2030 và giành lại thị phần đã rơi vào tay các đối thủ ở Đài Loan và Hàn Quốc.

Việc chính phủ Nhật Bản chi tiêu hào phóng để trợ cấp cho các dự án chip trên khắp Nhật Bản đã thu hút các công ty bên ngoài, chẳng hạn như nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC (Đài Loan). Hiện TSMC có hai dự án nhà máy chip ở Kumamoto và đang có thông tin hãng này sẽ triển khai thêm một dự án sản xuất chip khác ở Nhật Bản.

Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, sự hiện diện của TSMC đã tác động tích cực đến cộng đồng địa phương khi hãng ấn định mức lương khởi điểm cao hơn 20% so với mức trung bình toàn quốc của Nhật Bản.

Theo Kyushu Financial Group,  nhà máy chip đầu tiên của TSMC ở Kumamoto sẽ tạo ra tác động kinh tế tổng thể là 7.000 tỉ yen và hơn 10.000 việc làm. Tác động kinh tế từ nhà máy chip thứ hai của hãng này ở Kumamoto dự kiến còn lớn hơn.

Các khoản trợ cấp dành cho các công ty nước ngoài là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đã thay đổi quan điểm phát triển. Giới chức nước này nhìn nhận ngành công nghiệp chip trong nước cũng cần dựa vào chuyên môn của các đồng minh ở nước ngoài.

Micron Technology, hãng chip nhớ lớn nhất của Mỹ là một trong những công ty nước ngoài được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp mới nhất để sản xuất chip ở thành phố Hiroshima.

Ở phía bắc của Nhật Bản, hy vọng đang được đặt vào nhà máy chip của Rapidus dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027. Rapidus đặt tầm nhìn tạo ra một hệ sinh thái với các nhà cung cấp trải dài từ thành phố ven biển Ishikari ở phía bắc đến thành phố cảng Tomakomai ở phía nam và thành phố Chitose ở miền trung. Atsuo Shimizu, CEO của Rapidus đã chia sẻ ý tưởng đó tại một sự kiện tổ chức  tòa thị chính ở Eniwa, một thành phố gần Chitose vào cuối tháng 12.

“Chúng tôi muốn Thung lũng Hokkaido được xây dựng giống như Thung lũng Silicon ở Mỹ”, Shimizu nói.

Các nhà nghiên cứu địa phương ước tính tác động kinh tế từ nhà máy chip của Rapidus có thể lên tới 18.800 tỉ yen vào năm 2036 với thêm 70 công ty chuyển đến cùng với 3.600 công nhân.

Triển vọng sẽ tươi sáng hơn cho Rena Okuno, sinh viên 21 tuổi của Viện Khoa học và Công nghệ Chitose, nằm gần công trường xây dựng nhà máy của Rapidus. Cô quyết định phá bỏ chuẩn mực văn hóa ngăn cản phụ nữ theo đuổi ngành kỹ thuật để tìm việc tại một công ty sản xuất chip địa phương.

“Tôi muốn chỉ ra một con đường cho các nữ sinh viên nữ vì lao động nữ rất khan hiếm trong các lĩnh vực công nghiệp”, cô nói.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là các kỹ sư trong lĩnh vực chip, kết hợp với cơ sở hạ tầng lạc hậu ở các địa phương và các dịch vụ chuyên môn hạn chế có thể dễ dàng làm hỏng tham vọng của Rapidus.

Ryuichi Yokota, thị trưởng Chitose đang cố gắng đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng và nhà ở ngày càng gia tăng nhờ tác động lan tỏa từ dự án nhà máy chip của Rapidus.

“Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời đối với chúng tôi. Tôi muốn nhà máy chip của Rapidus tạo bước ngoặt cho thế hệ tiếp theo”, Yokota chia sẻ.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới