Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản: Ngân hàng số gây áp lực lên ngân hàng truyền thống

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các ngân hàng truyền thống lâu đời của Nhật Bản buộc phải tăng tốc chuyển đổi số trước sự cạnh tranh gia tăng từ các đối thủ mới, chỉ phục vụ trực tuyến với mô hình gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí và tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Neobank trỗi dậy

Với mô hình gọn nhẹ, chỉ phục vụ trực tuyến, hai ngân hàng số lớn nhất Nhật Bản ,SBI Sumishin Net Bank và Rakuten Bank, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn đáng kể so với các ngân hàng truyền thống. Ảnh: Nikkei Asia

Tại một diễn đàn của Nikkei hồi tháng 10, khi được hỏi về những thay đổi trong ngành ngân hàng, Hironori Kamezawa, Chủ tịch Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG), ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, thừa nhận: “Covid-19 đã đưa tương lai tiến lên bằng cách đẩy nhanh 5 năm trong tiến trình chuyển đổi số. Đà tiến triển này không chậm lại mà sẽ tăng tốc hơn nữa”.

Khoảng hai năm sau, khi các ngân hàng số đầu tiên hay còn gọi là neobank xuất hiện ở Nhật Bản, không còn ai nghi ngờ vai trò của những ngân hàng này trong nền kinh tế. Dù các neobank chỉ nắm giữ dưới 3% lượng tiền gửi trong nước nhưng tỷ lệ này đã cải thiện từ 1,6% cách đây 5 năm. Tất cả các chuyên gia và lãnh đạo trong ngành ngân hàng truyền thống đều cho rằng, sự cạnh tranh đó sẽ chỉ tăng lên và đang chuẩn bị chiến lược để ứng phó.

Chỉ trong vài tháng qua, hai trong số các ngân hàng đầy đủ dịch vụ lớn của Nhật Bản đã công bố đầu tư vào các dịch vụ ngân hàng số.

Trong khi đó, hai ngân hàng số lớn nhất Nhật Bản là SBI Sumishin Net Bank và Rakuten Bank đang chuẩn bị chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sớm nhất là cuối năm nay. Điều này giúp ngân hàng có thêm hỏa lực tài chính để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc cạnh tranh. IPO của SBI Sumishin liên quan đến việc phát hành cổ phiếu cũng như huy động vốn để tài trợ cho kế hoạch phát triển hệ thống máy tính.

Các nhà phân tích ước tính, mức định giá của cả hai ngân hàng này trong khoảng từ 300- 400 tỉ yen (khoảng 2,2 -2,9 tỉ đô la Mỹ). Hai thương vụ này sẽ trở thành những thương vụ IPO lớn nhất tại Nhật Bản trong năm nay. Cả SBI Sumishin và Rakuten Bank đều được định giá cao hơn hai lần giá trị sổ sách hoặc giá trị ròng của doanh nghiệp trong khi tỷ lệ này đối với hầu hết các ngân hàng truyền thống là nhỏ hơn 1.

Lâu nay, hệ thống ngân hàng của Nhật Bản nằm dưới sự chi phối bởi một số ít ngân hàng lớn, tập trung ở các trung tâm đô thị lớn và các ngân hàng khu vực, tập trung vào các quận.

Tuy nhiên, các ngân hàng số và ngân hàng không chi nhánh liên kết với nhà bán lẻ như Seven Bank đang phát triển nhanh và sẵn sàng vượt qua một số đối thủ lâu đời.

“Cả thế giới ngân hàng đang ngày càng chuyển qua môi trường dịch vụ trực tuyến nhiều hơn. Việc khách hàng sử dụng các chi nhánh ngân hàng đang giảm xuống. Giao diện ảo và bảo mật đang trở nên quan trọng hơn. Trở thành một ngân hàng ảo sẽ tốt hơn là là một ngân hàng khu vực nhỏ với thị trường đang bị thu hẹp”, Michael Makdad, nhà phân tích cao cấp của Morningstar nói.

Tỷ suất lợi nhuận vượt trội nhờ mô hình gọn nhẹ

Khả năng sinh lời và xu hướng dân số ở Nhật Bản cũng đang có lợi cho các đối thủ trực tuyến. Cả SBI Sumishin và Rakuten Bank đều có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 12% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2022. Không có ngân hàng truyền thống nào khác của Nhật Bản có được tỷ suất lợi nhuận như vậy.

Những tân binh khác trong lĩnh vực ngân hàng số ở Nhật Bản như Orix Bank cũng đạt ROE 8,6% và Seven Bank là 8,7%. ROE của ba ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản chỉ là 6%, trong khi tỷ suất này ở các ngân hàng khu vực dao động từ 3-5%.

Theo Hironari Nozaki, giáo sư tài chính tại Đại học Tokyo, các ngân hàng số có thể giữ chi phí thấp vì không có sự hiện diện vật lý tốn kém, chẳng hạn như các chi nhánh có nhân viên hoặc máy chủ lớn tại chỗ để hỗ trợ hoạt động của họ.

Tỷ lệ chi phí hoạt động trên lợi nhuận gộp ở mức 48% đối với ngân hàng Rakuten Bank và 51% tại SBI Sumishin tính đến cuối tháng 6. Tỷ lệ này ở 3 ngân hàng truyền thống lớn Mizuho, Sumitomo Mitsui  và MUFG là từ 60-62% và ở các ngân hàng khu vực lên đến 70- 80%.

"Các ngân hàng số rõ ràng có khả năng sinh lời cao hơn. Sự khác biệt này sẽ còn rõ ràng hơn trong tương lai. Ngày càng có ít người thực hiện các giao dịch tài chính tại các chi nhánh ngân hàng”, Nozaki nói.

Xu hướng nhân khẩu học đang ủng hộ các ngân hàng số. Nozaki cho biết giới trẻ Nhật Bản có xu hướng sử dụng dịch vụ của các nhà môi giới trực tuyến như SBI, công ty mẹ của SBI Sumishin và mở tài khoản với các ngân hàng số có dịch vụ được chèn nhúng trong các trang nền tảng web giao dịch chứng khoán trực tuyến. Các ngân hàng số đã chứng tỏ khả năng tạo ra lợi nhuận ổn định, ngay cả trong thời kỳ đại dịch và trong những biến động kinh tế gần đây.

“Cuộc khủng hoảng Ukraine không thực sự ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Và thậm chí một số thay đổi tiêu cực trong nền kinh tế Nhật Bản như lạm phát, cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh. Đại dịch Covid-19 thực sự tạo ra tác động tích cực về số lượng tài khoản còn số dư chưa thanh toán và tăng trưởng tiền gửi ở các ngân hàng số”,  Makdad nói.

Ryoji Yoshizawa, giám đốc cấp cao về xếp hạng các tổ chức tài chính tại S&P Global, cho biết ngành ngân hàng của Nhật Bản rất khó kiếm thu nhập từ lãi. Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã cố định lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở mức 0% kể từ năm 2016 khiến các ngân hàng khó kiếm được lợi nhuận từ mức chênh lệch giữa lãi suất  phải trả để vay tiền và lãi suất mà họ có thể tính cho các khoản cho vay.

Các ngân hàng số sử dụng tính quy mô để bù đắp cho tỷ suất lợi nhuận cho vay thấp. Hãy lấy ví dụ SBI Sumishin. Đây là liên doanh giữa nhà môi giới trực tuyến lớn nhất Nhật Bản, SBI Holdings và nhà quản lý tài sản lớn nhất đất nước Sumitomo Mitsui Trust Bank (SMTB), SBI Sumishin có khối lượng cho vay lớn nhất trong số các ngân hàng số của Nhật Bản. Sử dụng thế mạnh của Sumitomo Mitsui Trust trong lĩnh vực quản lý bất động sản, SBI Sumishin đã trở thành nhà cung cấp khoản vay mua nhà hàng đầu tại Nhật Bản.

Ngân hàng Rakuten Bank, đang dẫn đầu trong số các ngân hàng số về cả khối lượng tiền gửi và số lượng tài khoản (hơn 13 triệu). Để phát triển, ngân hàng này đã sử dụng các kết nối với công ty mẹ là Rakuten Group để cung cấp dịch vụ tài chính cho các mảng kinh doanh của Rakuten như mua sắm trực tuyến, đầu tư và đặt tour du lịch.

Với việc IPO sắp diễn ra, ngân hàng này đang cố gắng phát triển vượt ra ngoài hệ sinh thái Rakuten. Theo Yoshizawa của S&P, trong vài năm gần đây, Rakuten Bank đã mở rộng các khoản cho vay đối với bất động sản đầu tư thông qua quan hệ đối tác với các nhà phát triển bất động sản, một hoạt động kinh doanh có rủi ro tín dụng cao hơn.

Ngân hàng truyền thống bừng tỉnh

Các ngân hàng truyền thống của Nhật Bản buộc phải tăng tốc chuyển đổi số để tránh bị các đối thủ neobank vượt lên. Ảnh: Nikkei Asia

Khi các ngân hàng số lấn sân sang các lĩnh vực mới, ngân hàng truyền thống cũng không thể ngồi yên. Hồi tháng 6, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG), ngân hàng lớn thứ hai của Nhật Bản tính theo giá trị tài sản, đã thông báo là sẽ mua 10% cổ phần của SBI Holdings trong nỗ lực tăng cường cung cấp dịch vụ ngân hàng di động.

Hồi tháng 8, SMFG cũng đã công bố kế hoạch thành lập một ngân hàng số ở Mỹ. Đây được xem là một nỗ lực của SMFG nhằm không chỉ tham gia vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Mỹ mà còn để tích lũy kinh nghiệm về ngân hàng số.

Các ông lớn ngân hàng truyền thống khác của Nhật Bản cũng đang chuyển nguồn lực sang kỹ thuật số. Tập đoàn tài chính Mizuho, ngân hàng lớn thứ 3 Nhật Bản sẽ đầu tư 100 tỉ yen vào hệ thống ngân hàng bán lẻ trong giai đoạn 2022-2026 để mở rộng các dịch vụ trực tuyến, bao gồm cả chuyển kiều hối. Con số đó cao gấp bảy lần so với chi tiêu trong 5 trước của Mizuho.

Trong khi đó, MUFG cho biết sẽ giảm số lượng chi nhánh hoạt động trong nước từ 425 vào tháng 3-2021 xuống còn khoảng 320 vào tháng 3-2024. Ngân hàng này đang chạy đua để chuyển các dịch vụ bán lẻ lên không gian trực tuyến càng nhiều càng tốt sau khi nhận thấy số lượt khách hàng đến các chi nhánh bán lẻ của họ giảm 50% trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, giáo sư Nozak cho rằng, các ngân hàng truyền thống của Nhật Bản vẫn chưa chấp nhận những thay đổi triệt để hơn để thay đổi cấu trúc chi phí của họ. Yoshizawa của S&P cho rằng, thay đổi chỉ diễn ra dần dần vì các ngân hàng ở nước này rất khó để sa thải nhân sự đã làm việc lâu năm.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới