Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản và Hàn Quốc đưa ra thị trường các loại thuốc trị Covid tự sản xuất

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các phương pháp hay thuốc viên điều trị Covid do các hãng dược nội địa sản xuất đã được phê duyệt và sử dụng từ tuần rồi tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngành y tế hai nước này có thêm lựa chọn trong điều trị số bệnh nhân đang tăng vọt do sự lây lan của chủng Omicron.

Trên thực tế, các hãng dược châu Á đã chậm chân hơn nhiều so với các hãng phương Tây trong việc phát triển vaccine và thuốc điều trị Covid.

Các loại thuốc viên trị Covid trong giai đoạn thử nghiệm được phát cho bệnh nhân trong tại một hiệu thuốc ở Incheon tại Hàn Quốc hôm 12-1. Ảnh: EPA/Jiji

Chìa khóa mở cửa các nền kinh tế trong năm 2022

Hôm 21-1, Nhật Bản đã phê duyệt thuốc trị viêm khớp Actemra của hãng dược Chugai Pharmaceutical để điều trị các triệu chứng Covid nghiêm trọng. Actemra giúp giảm viêm ở bệnh nhân Covid bằng cách ngăn chặn interleukin-6, một loại protein kích hoạt hệ thống miễn dịch. Actemra sau đó đã được cơ quan quản lý dược Mỹ và châu Âu phê duyệt sử dụng trong điều trị Covid.

Trong khi đó, theo Reuters, hãng dược sinh học Celltrion của Hàn Quốc từ năm ngoái đã phát triển một kháng thể đơn dòng - một loại protein được sản xuất trong phòng thí nghiệm có thể “bẫy dính” virus và cảnh báo hệ thống miễn dịch.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy phương pháp này đã giảm 72% các ca nhiễm Covid phát triển các triệu chứng nặng và giảm thời gian hồi phục trung bình của người bệnh còn 4,12 ngày.

Có tên là Regkirona, phương pháp này đã được Bộ An toàn dược phẩm và thực phẩm Hàn Quốc phê duyệt sử dụng hôm 14-1. Sau đó, cơ quan quản lý dược châu Âu cũng cấp phép sử dụng. Tuần rồi, Celltrion tuyên bố rằng loại thuốc có hiệu quả chống lại biến thể Omicron trong phòng thí nghiệm.

Nhiều loại thuốc điều trị Covid khác của các hãng dược châu Á sẽ sớm được công bố hay phê duyệt trong thời gian tới.

Cụ thể, hãng dược Shionogi có trụ sở tại Osaka đang phát triển loại thuốc viên trị Covid. Hãng này đã dành một nhà máy chuyên sản xuất loại thuốc này, có thể đủ để điều trị 1 triệu người bệnh vào cuối tháng 3-2022 sắp tới. Shinogi cũng đang nghiên cứu vaccine ngừa Covid và hy vọng sẽ được phê duyệt vào cuối tháng 3.

Chuyên gia phân tích ngành dược phẩm Beau Noafshar thuộc hãng Fitch Solutions nói: “Chúng tôi nghĩ rằng các phương pháp điều trị Covid-19 sẽ tạo ra sự phát triển vượt bậc vào năm 2022”. Ông cũng cho rằng, thay vì phong tỏa, chính phủ các nước sẽ có xu hướng nghiêng về sử dụng vaccine và thuốc điều trị Covid nhiều hơn để mở cửa nền kinh tế. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu với các loại thuốc trị Covid.

Hãng dược châu Á chậm chân trong cuộc đua thuốc điều trị Covid

Các nhà phân tích cho rằng thị trường vaccine và thuốc điều trị Covid cuối cùng sẽ dành sự vinh danh cho một vài loại thuốc tốt nhất. Những tập đoàn dược khổng lồ của phương Tây đã phủ bóng mờ lên các hãng dược châu Á. Hay nói cách khác các hãng dược châu Á đã chậm châm hơn trong phát triển vaccine và thuốc điều trị Covid.

Loại thuốc uống Molnupiravir của Merck đã được phê duyệt ở Nhật Bản vào tháng 12 năm ngoái. Pfizer đã nộp đơn đăng ký cho Paxlovid vào giữa tháng 1-2022. Trong khi đó, Shionogi đã nộp dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 cho cơ quan quản lý Nhật Bản chỉ vào tuần trước. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đã được tiến hành tại Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Nikkei Asia cho biết ban đầu Shionogi dự định nộp đơn xin phê duyệt vào cuối tháng 12, nhưng không được vì khó tìm đủ tình nguyện viên cho thử nghiệm lâm sàng ở Nhật Bản.

“Nếu hãng dược muốn thành công thì phải là hãng đầu tiên sản xuất ra loại thuốc đó hoặc có được loại thuốc tốt nhất”, một nhà phân tích nhận định.

Tuy vậy, bất chấp khủng hoảng Covid lên đỉnh với số ca tăng vọt, Nhật Bản đã chậm phê duyệt các loại thuốc vì bộ máy hành chính không muốn chấp nhận rủi ro. Chính phủ hỗ trợ tài chính, nếu có, chỉ trong một năm. Trong khi đó, Mỹ đã nhanh hơn nhiều. Trong Chiến dịch Warp Speed, cựu Tổng thống Donald Trump đã trả trước cho các hãng dược số tiền khổng lồ để giảm thiểu rủi ro cho các hãng khi phát triển vaccine. "Nếu chỉ có một năm, tại sao phải tạo ra một loại vaccine, và nếu chính phủ không phê duyệt?", một nhà phân tích đặt câu hỏi.

Nhật Bản hiện đang cố gắng thay đổi tình hình. Trong cuộc họp với các hãng dược sinh học vào giữa tháng này, Thủ tướng Fumio Kishida cam kết sẽ đầu tư 500 tỉ yên Nhật (4,4 tỉ đô la Mỹ) vào việc phát triển và sản xuất vaccine và sinh phẩm nội địa như là một phần trong nỗ lực tăng cường an ninh kinh tế quốc gia.

Công cuộc đầu tư quá mạo hiểm

Trên thực tế, phát triển các phương pháp điều trị Covid không là công việc đơn giản và rất ít các hãng dược muốn tham gia. Cần hàng trăm triệu đô la đầu tư và không có gì đảm bảo rằng chi phí đó có thể được bù đắp. Hơn nữa, thuốc có thể có tác dụng phụ không như mong muốn và có thể xem như “vất đi” nếu có biến thể Covid mới kháng vaccine, kháng thuốc xuất hiện. Trong khi đó, thị trường thường chỉ tập trung chú ý những loại thuốc hiệu quả nhất hay tốt nhất, chứ không phải các loại thuốc rẻ tiền.

Hãng Chugai đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Nhật Bản một loại thuốc viên trị Covid do hãng Atea Pharmaceuticals có trụ sở tại Boston, Mỹ phát triển. Nhưng tháng 12 rồi, hãng dược Nhật Bản đã quyết định ngừng phát triển loại thuốc này sau khi một thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ không đưa ra bằng chứng rằng thuốc có hiệu quả.

Ronapreve – loại kháng thể đơn dòng của Chugai – được phát hiện là kém hiệu quả hơn đối với biến thể Omicron. Ban đầu do hãng Regeneron của Mỹ và Roche của Phát phát triển, Ronapreve được phê duyệt tại Nhật Bản vào tháng 7 năm ngoái.

Tháng 2-2020, loại thuốc cảm cúm Avigan của Fujifilm đã được chính phủ Nhật Bản phê duyệt để điều trị Covid-19. Cả thế giới đã đổ xô đặt hàng.

Tuy nhiên, gần hai năm qua, Avigan vẫn chưa thể chứng minh hiệu quả của thuốc dù rằng hãng sản xuất nói rằng cần thêm thời gian để nghiên cứu.

Tương tự như các loại thuốc viên của Merck và Atea, Avigan được thiết kế để ức chế virus sao chép thông tin di truyền RNA của nó.

Các chuyên gia cho rằng phương pháp “thử và sai” (trial & error, nghĩa là hoàn thành một việc bằng cách thử dùng những biện pháp khác nhau cho đến khi tìm được biện pháp đúng) là cần thiết trong quá trình phát triển thuốc. Do đó, hãng dược cần có sự hỗ trợ của chính phủ nếu các nước muốn phát triển năng lực sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid.

Giáo sư Kazuhiro Tateda thuộc Đại học Toho, cựu chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, cho rằng cách duy nhất để xác minh hiệu quả của một loại thuốc phải phát triển được loại thuốc này.

"Có luận điểm cho rằng Nhật Bản không cần phải phát triển năng lực sản xuất vaccine hoặc phương pháp điều trị Covid của riêng mình. Nhưng Nhật Bản có thể phát triển một loại thuốc hiệu quả hơn và ít tác dụng phụ hơn.

Nhưng các loại virus mới sẽ tiếp tục xuất hiện và Covid chưa phải là đại dịch cuối cùng. “Từ quan điểm quản lý khủng hoảng, tôi cho rằng Nhật Bản cần đầu tư đúng mức để các hãng dược có thể tiếp tục nghiên cứu và phát triển các loại vaccine và thuốc đặc trị”, Giáo sư Tateda kết luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới