(KTSG Online) - Hợp đồng tiêu chuẩn sẽ giúp các startup, vốn thiếu kinh nghiệm và nguồn lực pháp lý, có thể thảo luận các điều kiện hợp tác công bằng hơn với các tập đoàn hơn. Dự kiến, bộ hợp đồng chuẩn sẽ được ban hành cuối năm nay. Chính phủ tin rằng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sẽ giúp các startup sớm vươn vai phát triển thành kỳ lân - startup chưa niêm yết được định giá từ 1 tỉ đô la.
- Masan và Mitsubishi Materials Corporation Group ký kết Hợp đồng mua bán
- 65% hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa đạt yêu cầu
Thiết lập sân chơi bình đẳng
Trong tháng 6 này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ ra mắt một hội đồng chuyên gia bao gồm luật sư, giám đốc điều hành công ty và giới học giả. Nội dung hợp đồng chuẩn sẽ được hoàn thiện vào cuối năm. Hợp đồng chuẩn sẽ bao gồm các lĩnh vực như quyền đối với sản phẩm do các startup phát triển, cũng như xác định mức bồi thường công bằng. Các hợp đồng được tiêu chuẩn hóa sẽ đóng vai trò như rào cản chống lại hành vi “cá lớn nuốt cá bé”, chiếm đoạt quyền sản phẩm của startup.
Sau khi hợp đồng được ký kết, startup có thể nâng cấp sản phẩm hoặc dịch vụ trước khi bắt đầu cung cấp 100% sản phẩm và dịch vụ cho đối tác lớn
METI cũng sẽ xem xét các hợp đồng đề cập đến cách thức phân bổ quyền hạn trong khi cả hai bên cùng hợp tác để hoàn thiện sản phẩm hoặc dịch vụ.
METI để mắt đến mô hình “khách hàng mạo hiểm”, trong đó tập đoàn lớn đóng vai trò nhà đầu tư vốn mạo hiểm, đăng ký đưa vào ứng dụng sớm công nghệ tiên tiến mới do startup tiềm năng phát minh. Đây là mô hình mà hãng xe BMW của Đức đã tiên phong áp dụng vào năm 2015. Từ đó, BMW đã thực hiện lượng giá công nghệ của hơn 1.000 startup mỗi năm.
Các startup không thể phát triển đúng tiềm năng hay thực lực vì thường đóng vai trò là nhà thầu phụ cho các công ty lớn hơn với những điều kiện không thuận lợi, theo một khảo sát của METI.
Startup công nghệ mới không giống như nhà thầu phụ thông thường, do đó các quyền sở hữu trí tuệ phải được giải quyết rạch ròi ngay từ ban đầu khi bắt tay với ông lớn. Nhưng 75% hợp đồng được ký giữa các công ty lớn và startup được xem “giống như hợp đồng dành cho các nhà thầu phụ”, theo khảo sát mùa hè năm 2023 của Tổ chức Phát triển công nghiệp và năng lượng mới của Nhật Bản.
Kế hoạch “100 kỳ lân mới”
Tính đến hết năm 2022, theo dữ liệu của Japan Dev, Nhật Bản có hơn 10.000 startup lớn nhỏ, trong các lĩnh vực như AI (trí thông minh nhân tạo), chất bán dẫn, pin nhiên liệu và chăm sóc y tế...
Đầu tư cho starup ở Nhật Bản ước tính đạt 850 tỉ yen (5,4 tỉ đô la) trong năm 2023 – gần gấp 10 lần con số của thập niên trước đó. Nhưng Nhật Bản đang tụt lại phía sau bởi mức độ đầu tư chỉ bằng khoảng 1-2% số vốn mạo hiểm ở Mỹ.
Theo CB Insights, Nhật Bản chỉ có 7 kỳ lân tính đến tháng 3 vừa rồi. Còn Japan Dev nói số kỳ lân tại xứ Phù Tang là 10. Tuy vậy, cả hai con số này trở nên mờ nhạt, khi đặt bên cạnh số lượng 656 kỳ lân ở Mỹ, 168 ở Trung Quốc và 114 ở Ấn Độ. Nikkei Asia nói cơ sở đầu tư mỏng và thiếu các mô hình kinh doanh tập trung ở nước ngoài được xem là các nguyên nhân chính khiến công ty khởi nghiệp Nhật Bản khó thành kỳ lân.
Tháng 11-2022, chính phủ đã công bố kế hoạch phát triển 5 năm dành cho startup, nhằm khuyến khích quá trình hợp tác “đổi mới sáng tạo mở” giữa các startup và các tập đoàn lớn. Thủ tướng Kishida Fumio đã dành ngân sách 10.000 tỉ yen, tức 70 tỉ đô la theo tỷ giá thời điểm công bố kế hoạch, để có hơn 100 kỳ lân vào năm 2027.
Trong hai năm 2023-2024, chính phủ đã sửa đổi các quy định về sở hữu vốn, chuyển nguồn tiền tiết kiệm gia đình từ ngân hàng đổ vào các công ty khởi nghiệp, chăm chút cho các startup đang trên đà tiến tới mức định giá 1 tỉ đô la…
Chính phủ đang nghiên cứu các quy định nhằm giúp các startup trên 10 tuổi có thể mở rộng quy mô hơn, nhờ vào nguồn vốn ngân hàng và vốn cổ phần tư nhân (private equity). Theo JVCA, vốn mạo hiểm chiếm 41% số vốn các startup Nhật Bản huy động được trong năm 2022, trong khi vốn từ các định chế ngân hàng chiếm 3,5%. Các công ty đầu tư mạo hiểm chưa phát triển đủ mạnh ở Nhật Bản, nơi vốn tư nhân thường được gửi tại ngân hàng là chủ yếu.
Các startup nghiên cứu và phát triển (R&D) thường mất nhiều thời gian hơn để đưa sản phẩm ra thị trường và thời gian cần thiết để tạo ra lợi nhuận từ đầu tư thường vượt quá khung thời gian quy định 10 năm. Theo METI, hơn 60% startup tập trung vào R&D phải mất hơn 10 năm mới có thể thực hiện niêm yết lần đầu (IPO).
Lĩnh vực phát triển thuốc gặp nhiều khó khăn do thời gian phát triển đặc biệt dài. Thương mại hóa cũng là một thách thức vì startup không thể bán hàng nếu chưa được cơ quan chính phủ cấp phép. Các startup ngành dược phẩm thường không thể vay vốn hay gọi vốn từ ngân hàng nếu tuổi đời vượt quá 10.
Về nguyên tắc, chính phủ Nhật Bản cho phép ngân hàng sở hữu 100% các startup dưới 10 tuổi thông qua hãng con chuyên về đầu tư thuộc ngân hàng. Với các công ty trên 10 tuổi, các ngân hàng không được phép nắm giữ quá 5% quyền biểu quyết tại các công ty này nhằm bảo đảm tính minh bạch tài chính và phòng ngừa tình trạng tập trung quyền sở hữu.
Trong tháng 6 này, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) sẽ sửa đổi Đạo luật Ngân hàng vào tháng 6-2024 sau khi lấy ý kiến công chúng. Các hạn chế đối với các ngân hàng đầu tư vào các công ty đã hơn 10 năm tuổi sẽ được gỡ bỏ.
Trước đó, tháng 10-2023 FSA đã thay đổi chính sách để thu hút tiền tiết kiệm của hộ gia đình chuyển vào kênh đầu tư và nuôi dưỡng các startup. FSA cho phép nhà đầu tư cá nhân tăng gấp đôi vốn góp cho các nền tảng gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) từ 500.000 yen lên 1 triệu yen và các startup chưa niêm yết được huy động gấp năm lần vốn đến 500 triệu yen trong mỗi năm tài chính.
Chính sách di trú cũng được nới lỏng nhằm thu hút nhân tài khắp thế giới. Chính phủ cho phép nhà sáng lập nước ngoài có thể lưu trú đến hai năm ở Nhật Bản mà không cần đầu tư hoặc cam kết vốn đầu tư.
Theo Nikkei Asia, Statista, JETRO, Asahi Shimbun, Disrupting Japan