Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhật chính thức áp dụng lãi suất âm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhật chính thức áp dụng lãi suất âm

Phúc Minh

Nhật chính thức áp dụng lãi suất âm
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 16-2 áp dụng chính sách lãi suất âm lần đầu tiên trong nỗ lực chống giảm phát. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 16-2 áp dụng chính sách lãi suất âm lần đầu tiên trong nỗ lực chống giảm phát, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và kinh tế toàn cầu bất ổn.

Lãi suất hàng năm được ấn định ở mức – 0,1% đối với một số tài khoản do các thể chế tài chính nắm giữ tại BoJ nhằm khuyến khích đưa lượng tiền này trở lại nền kinh tế thông qua chi tiêu hoặc tái đầu tư. Khoảng 10.000 tỉ yen (88 tỉ đô la Mỹ) bị áp dụng lãi suất trên, chiếm khoảng 4% tổng số tiền trong các tài khoản ngân hàng.

Trong khi đó, BoJ tiếp tục áp dụng mức lãi suất 0,1% đối với 210.000 tỉ yen tiền gửi trong năm 2015 thông qua việc mua trái phiếu chính phủ theo chính sách nới lỏng tiền tệ.

Ngoài ra, mức lãi suất 0% được áp dụng với 40.000 tỉ yen tiền dự trữ bắt buộc cũng như các khoản tiền cung cấp cho các thể chế tài chính theo chương trình của BoJ nhằm thúc đẩy cho vay đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng và các dự án phục hồi sau thiên tai.

Hàng tháng, BoJ sẽ tăng lượng tiền được hưởng lãi suất 0% nhằm tránh các tác động ngược thái quá lên các ngân hàng khi áp dụng lãi suất âm quy mô lớn.

BoJ thông báo chính sách trên từ ngày 29-1 như một biện pháp thúc đẩy cho vay và hỗ trợ hoạt động kinh tế. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho rằng chính sách lãi suất âm sẽ tác động tích cực đến tiêu dùng và đầu tư, mang lại những thay đổi trong cách quản lý quỹ, vốn đang theo một chiều là tiền gửi và tiết kiệm, sang hướng sử dụng tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Aso cho biết cần có thời gian mới thấy được hiệu quả.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor cho rằng việc áp dụng lãi suất âm có thể làm giảm 15% lợi nhuận hoạt động của các ngân hàng khu vực và 8% lợi nhuận của các ngân hàng lớn trong năm tài khóa 2016. Về điểm này, Bộ trưởng chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản Nobuteru Ishihara cho biết chính phủ cần thêm thời gian để phân tích các tác động, đồng thời nhấn mạnh biện pháp lãi suất âm sẽ củng cố một chu kỳ tích cực của nền kinh tế thông qua tăng lương và tạo việc làm.

Trước đó vào ngày 15-2, Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 4-2015 của nước này suy giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2014 do chi tiêu tiêu dùng cá nhân giảm. Trong quí 4-2015, chi tiêu tiêu dùng cá nhân – lĩnh vực chiếm tới 60% GDP của nước này – giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014. Thêm vào đó, xuất khẩu bất ngờ giảm 0,9%, trong khi nhập khẩu giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2014. Theo Viện nghiên cứu Norinchukin, triển vọng kinh tế Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục bất ổn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

* Sau khi BoJ công bố quyết định áp dụng lãi suất âm, đồng yen giảm mạnh, có lúc giảm đến 2,2% so với đô la Mỹ – mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10-2014. Lúc 14 giờ 27 phút ngày 16-2, 1 đô la Mỹ đổi được 120,38 yen. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh 1,9%. Giá vàng thế giới cũng giảm thêm gần 3% so với hôm qua và rơi xuống ngưỡng 1.205 đô la Mỹ/ounce.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh nhất 3 tháng rưỡi

Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) đóng cửa ngày 16-2 tăng 3,29% – mức tăng trong ngày lớn nhất trong 3 tháng rưỡi qua – lên 2.836,57 điểm. Chỉ số CSI300 đóng cửa ngày 16-2 cũng tăng 3,07%, lên 3.037,04 điểm,

Nhà phân tích chiến lược Điền Vị Đông của Công ty chứng khoán Khai Nguyên (Trung Quốc) cho rằng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong ngắn hạn đã giảm xuống và nhân dân tệ tăng giá đáng kể đã loại bỏ lo ngại của thị trường về việc dòng vốn chảy ra ngoài. Trong hai ngày qua, giá hàng hóa tăng trở lại cũng khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư.

Hiện, giá dầu thô Brent tại châu Á đã tăng vượt mức 34 đô la Mỹ/thùng sau khi có thông tin các cường quốc dầu mỏ, trong đó có Nga và Ả-rập Saudi, có thể đạt thỏa thuận chung nhằm ổn định thị trường dầu tại cuộc gặp ở thủ đô Doha (Qatar).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới