Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhạt nhòa những viên ngọc trời ban

Đoàn Khắc Xuyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ở thời đại mà trên thế giới người ta đề cao những giá trị bản địa riêng có, độc đáo không nơi nào khác có được thì nhiều địa phương, nhiều khu du lịch của ta lại chỉ biết sao chép những thứ đâu cũng giống nhau, đâu cũng “đồng phục” bê tông nhàm chán. Đà Lạt, Phú Quốc, Hạ Long, Sapa... những viên ngọc quý mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, tiếc thay, đang phải mặc loại đồng phục này, mất dần những hồn cốt riêng quý hiếm.

Đặc sản sương Đà Lạt đang dần tan. Ảnh: Thành Hoa

Trong bài thơ Đà Lạt trăng mờ sáng tác năm 1933 và về sau được Phạm Duy phổ nhạc, thi sĩ Hàn Mặc Tử viết:

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,

Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ.

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,

Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,

Để nghe dưới đáy nước hồ reo.

Để nghe tơ liễu run trong gió,

Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im,

Cành lá in như đã lặng chìm.

Hư thực làm sao phân biệt được?

Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm (…)

Một “Đà Lạt hư thực làm sao phân biệt được” vô cùng ấn tượng của Hàn Mặc Tử non một thế kỷ trước, giờ liệu có còn, có dễ tìm khi những đồi thông ngút ngàn, những cảnh quan, kiến trúc trước đây đã dần biến mất? Đà Lạt, một thành phố cao nguyên nép mình dưới rừng thông, hiện đã và đang bị “đô thị hóa”, bê tông hóa đến nghẹt thở. Trên hầu hết các trục đường chính của khu vực trung tâm, việc sử dụng đất chạy theo kinh doanh bất động sản kiểu phân lô bán nền manh mún đã “giết chết” một Đà Lạt mộng mơ như nhiều người từng biết.

Hơn 90 năm trước, Đà Lạt với diện tích khoảng 393 ki lô mét vuông, khi người Pháp lập quy hoạch đã cảnh báo nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho khoảng 120.000 người. Nhưng đến năm 2020, dân số Đà Lạt đã là 620.000-650.000 người. Quá trình đô thị hóa, tập trung dân số dự báo sẽ càng tăng cao.

Tình trạng bê tông hóa tràn lan, đặc biệt các công trình xây dựng, nhà cao tầng, khách sạn nén chặt trong khu vực trung tâm càng khiến Đà Lạt trông chẳng khác gì những thành phố khác. Giao thông hỗn loạn, ùn tắc trên nhiều con đường trung tâm, tiếng còi xe inh ỏi và khói thải từ những phương tiện giao thông cũ, nhất là trong các kỳ nghỉ lễ, càng làm Đà Lạt không còn là Đà Lạt. Nhìn chung không còn cảm giác yên bình lãng mạn mà nhờ nó Đà Lạt quyến rũ du khách.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn, một người nặng lòng với Đà Lạt, kể về cha ông, KTS. Ngô Viết Thụ với Đà Lạt: Sau khi du học Pháp về, một trong những nơi đầu tiên mà KTS. Ngô Viết Thụ quay lại để giúp xây dựng chính là Đà Lạt. Theo KTS. Ngô Viết Thụ, Đà Lạt là một trong những nơi rất khó làm quy hoạch, vì giá trị cốt lõi của thành phố không phải công trình, mà là thiên nhiên.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn nói: Một trong những điều làm tôi lo lắng là dự án quy hoạch lại trung tâm Đà Lạt sẽ biến cô gái má hồng e thẹn thành cô gái thành thị lạnh lùng. Đề án quy hoạch Đà Lạt, theo ông, chưa giải quyết được các vấn đề quan trọng nhất của Đà Lạt: lợi ích về kinh tế, văn hóa lịch sử và môi trường.

Điều quan trọng nhất với Đà Lạt, bản sắc và đặc sản của Đà Lạt chính là khí hậu mát mẻ và sương mù. Cả hai thứ đó chỉ có được nếu giảm mật độ bê tông và tăng thêm cây xanh. Một phần giá trị của đô thị du lịch nghỉ dưỡng đã bị mất bởi sương mù như thời Hàn Mặc Tử đến thăm, bây giờ rất hiếm. Triết lý phát triển của Đà Lạt phải là một thành phố ở trong rừng, đi theo hướng môi trường, cảnh quan, văn hóa, lịch sử chứ không cần là bản sao chép của các thành phố khác.

Bê tông hóa: tư duy sao chép và ăn xổi

Nhưng không chỉ có Đà Lạt bị bê tông hóa, đánh mất hồn cốt riêng của một thành phố cao nguyên, thành phố giữa rừng. Nhiều địa phương khác cũng đã mắc sai lầm trong hoạch định phát triển: xây dựng tràn lan, đánh đổi cả cảnh quan, môi trường tự nhiên, các di sản quý giá, tính bản địa độc đáo, mà để khắc phục luôn hết sức khó khăn và tốn kém. Ngập nước xảy ra ngay cả ở những vùng cao như Hà Giang, Sapa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), thậm chí là trên đảo ngoài khơi như Phú Quốc (Kiên Giang) cho thấy vấn nạn phát triển thời gian qua.

Báo chí cho biết, vài năm trở lại đây, tại Sapa, Tam Đảo, mọc lên dày đặc những dãy khách sạn và một số công trình cao tầng. Du khách đứng ngay trên khu nghỉ dưỡng nhưng chẳng thể nào ngắm được khung cảnh như xưa.

Đến Tam Đảo vào dịp cuối tuần hay các dịp nghỉ lễ, điều ấn tượng với du khách trước tiên có lẽ không phải bởi cảnh quan mà là những đoạn đường tắc hàng tiếng đồng hồ không thể di chuyển và những “khối bê tông” khổng lồ bên chân đỉnh núi.

Khách du lịch tìm đến Đà Lạt không phải để ngắm những khối bê tông hiện đại, mà tìm đến các di tích, thắng cảnh, văn hóa, bản sắc địa phương và cả không khí trong lành. Ảnh: Thành Hoa

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng khách du lịch tìm đến Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt không phải để ngắm những khối bê tông hiện đại, mà họ tìm về những nơi ấy bởi các thị trấn cổ, các di tích, thắng cảnh được hình thành trong lịch sử, những văn hóa, bản sắc địa phương và cả không khí trong lành, thiên nhiên hùng vĩ.

Cho đến vùng biển, với các đồ án quy hoạch chung cho phép xây dựng cao ốc 50-60 tầng dọc bờ biển đã biến các trục đường ven biển thành một “bức tường cao ốc” ngăn thành phố với biển. Việc xẻ núi làm khách sạn hay xây cao ốc “chắn” biển đã để lại nhiều hệ lụy. Tại Phú Quốc, hòn đảo giữa biển khơi, đã xảy ra tình trạng ngập do mưa lớn bởi các hệ thống nước tự nhiên bị chắn lại. Câu chuyện mất nước ở Sapa là một minh chứng cụ thể của bài toán phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Với “đảo ngọc” Phú Quốc, quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc, Kiên Giang đến năm 2030 đã được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt theo hướng tăng hàng trăm héc ta đất ở, tăng dân số, đồng thời giảm diện tích đất rừng phòng hộ, đất trồng cây xanh, công cộng. Trong đó, đáng lưu ý là đất ở điều chỉnh tăng 168 héc ta, đất tái định cư tăng 54 héc ta, đất công trình công cộng giảm 23 héc ta, đất giao thông tăng 6,7 héc ta, đất du lịch hỗn hợp giảm 178 héc ta, đất nông nghiệp giảm 129 héc ta, đất rừng phòng hộ giảm 71,9 héc ta…

Trong làn sóng phát triển nóng tại Phú Quốc thời gian qua, có hàng trăm dự án đã được cấp phép và phần lớn bờ biển khu vực trung tâm đã bị các nhà hàng, khách sạn lấn chiếm hoặc xây dựng kiên cố với chiều cao che lấp toàn bộ không gian biển.

Cần luật lệ chính sách rõ ràng hơn, doanh nghiệp có tâm và tầm hơn, và người dân bớt dễ dãi

Từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ rừng xuống biển, từ miền ngược về miền xuôi, với sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, dân tộc và văn hóa, Việt Nam được thiên nhiên ban tặng cho những viên ngọc quý mà không phải quốc gia nào cũng có được: Đà Lạt, Sapa, Hạ Long, Phú Quốc… là những viên ngọc quý như thế.

Tiếc rằng, thay vì định hướng phát triển du lịch bền vững, tôn trọng thiên nhiên, đề cao những giá trị bản địa độc đáo thì người ta lại đua nhau xây resort băm nát bờ biển, xây khách sạn phá nát rừng, đồi. Để rồi những điểm đến du lịch nổi tiếng giờ ở đâu cũng na ná nhau, cũng bê tông hóa chẳng thua gì thành phố lớn. Hồn cốt của từng vùng, từng điểm đến ngày càng nhạt nhòa.

Chính sự thiếu quy hoạch, cộng với tư duy làm du lịch ăn xổi, manh mún đã khiến chúng ta tự phá đi những thế mạnh tạo dấu ấn riêng của mình. Nhiều địa phương đã sai lầm trong phát triển, rơi vào thảm họa xây dựng tràn lan kiểu phân lô bán nền manh mún; đánh đổi cảnh quan, môi trường tự nhiên, di sản quý giá, gây ra hệ lụy vô cùng khó khăn và tốn kém để khắc phục.

Câu hỏi không thể không đặt ra: liệu du khách nước ngoài sau khi đến Phú Quốc, Đà Lạt, Sapa có còn muốn quay lại lần nữa không khi điểm đến nào cũng na ná nhau, cũng bê tông hóa đến nghẹt thở? Những tiếng kêu gọi giải cứu từ Đà Lạt, từ Phú Quốc gần đây vì ế khách phải chăng chính là câu trả lời đến sớm cho câu hỏi trên?

Nguyên nhân của việc đánh mất bản sắc riêng của từng điểm đến, tình trạng bê tông hóa các khu du lịch, chủ yếu là do sự thiếu quy hoạch, quản lý và kiểm soát việc thực hiện quy hoạch của các cơ quan chức năng, cùng với sự tham lam, vô trách nhiệm, tầm nhìn hạn hẹp của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp du lịch. Nhiều khu du lịch xây dựng trái phép, không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản. Ngoài ra, sự thiếu nhận thức, ý thức, sự dễ dãi của người dân và du khách cũng là một nguyên nhân góp phần làm cho các khu du lịch bị bê tông hóa và đánh mất bản sắc.

Bê tông hóa các khu du lịch gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, không chỉ đối với môi trường, mà còn đối với kinh tế, xã hội và văn hóa. Bê tông hóa làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo, hấp dẫn của các khu du lịch, làm giảm chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của du khách. Bê tông hóa cũng làm suy giảm nguồn nước, đất đai, sinh khí, gây ô nhiễm, nóng lên, xói mòn, sạt lở, lũ lụt. Bê tông hóa còn ảnh hưởng đến sự sống còn của các loài động, thực vật, đe dọa đến sự đa dạng sinh học. Bê tông hóa cũng làm mất đi bản sắc, giá trị văn hóa, lịch sử của các khu du lịch, làm phai nhạt, biến dạng các nét đặc trưng vùng miền.

Ở thời đại mà trên thế giới người ta đề cao những giá trị bản địa riêng có, độc đáo không nơi nào khác có được thì nhiều địa phương, nhiều khu du lịch của ta lại chỉ biết sao chép những thứ đâu cũng giống nhau, đâu cũng “đồng phục” bê tông nhàm chán.

Để giải quyết vấn nạn này, cần có sự phối hợp của nhiều bên, từ nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp, đến người dân và du khách. Nhà nước cần đề ra luật lệ, có những chính sách, quy hoạch rõ ràng, khoa học, hợp lý, đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản, tính bản địa độc đáo của các điểm đến.

Nhà nước cũng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các khu du lịch trái phép, không phép. Doanh nghiệp cần có cả tâm và tầm văn hóa trong kinh doanh chứ không chỉ biết theo đuổi lợi nhuận trước mắt; cần có trách nhiệm xã hội, biết tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản trong hoạt động kinh doanh du lịch; biết đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa. Về phía người dân và du khách, cần có ý thức, nhận thức cao về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản trong du lịch; không chỉ biết hái quả cho hôm nay mà còn biết nuôi quả cho thế hệ sau.

Chỉ khi có sự hợp tác, đồng lòng của tất cả các bên liên quan, mới có thể phát triển du lịch bền vững, gìn giữ được vẻ đẹp, giá trị riêng có, tính bản địa độc đáo và hồn cốt của các điểm đến, các khu du lịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới