Nhiệt điện than thoái trào ở Đông Nam Á
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Các hoạt động xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở Đông Nam Á, một trung tâm tăng trưởng năng động của thế giới, đã giảm mạnh kể từ năm 2016.
Nhật Bản bắt đầu “ngán” nhiệt điện than
Các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm khủng khiếp đến mức nào?
![]() |
Trong 6 tháng đầu năm nay, tại Đông Nam Á, chỉ có 1.500 MW công suất nhiệt điện than được xây dựng, thấp hơn rất nhiều so với con số 12.920 MW vào năm 2016. Ảnh: Global Energy Monitor |
Đông Nam Á là khu vực duy nhất trên thế giới chứng kiến than ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu năng lượng. Đốt than để sản xuất điện đóng góp mức lớn nhất trong lượng thải nhà kính do con người gây ra nhưng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch này được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên mức 40% cơ cấu năng lượng ở Đông Nam Á vào năm 2040.
Song theo báo cáo mới công bố của tổ chức Giám sát Năng lượng toàn cầu (GEM), có trụ sở ở San Francisco (Mỹ), các hoạt động phát triển nhiệt điện than mới ở khu vực này đang thoái trào.
Trong sáu tháng đầu năm nay, tại Đông Nam Á, chỉ có duy nhất Indonesia, nước sản xuất than lớn thứ năm thế giới, khởi công xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới với tổng công suất 1.500 MW. Vì vậy, năm 2019 sẽ là năm thứ hai chứng kiến công suất nhiệt điện than phát triển chậm lại ở Đông Nam Á sau khi chỉ có 2.775 MW công suất nhiệt điện than được lắp đặt trong năm 2018.
Hoạt động xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở Đông Nam Á đạt đỉnh cao vào năm 2016 với 12.920 MW công suất được triển khai.
Theo báo cáo, Đông Nam Á là nơi có ba nước nằm trong danh sách 10 nước có công suất nhiệt điện than ở giai đoạn tiền xây dựng lớn nhất thế giới. Ba nước này là Việt Nam, Indonesia và Philippines với các dự án nhiệt than lần lượt có tổng công suất 22.910 MW, 16.570 MW và 9.444 MW.
Tuy nhiên, báo cáo của GEM kết luận rằng tốc độ xây dựng các nhà máy nhiệt điện than đang giảm ở Đông Nam Á cho thấy phần lớn các dự án nhiệt điện than ở đây có thể không thành hiện thực. Số nhà máy nhiệt điện than ở giai đoạn tiền xây dựng cũng tiếp tục giảm và đang giảm 52% trong giai đoạn 2015-2019.
Khi mà ngày càng có ít dự án nhiệt điện than được triển khai, các tác giả báo cáo của GEM tin rằng phần lớn 53.520 MW công suất nhiệt điện than ở giai đoạn tiền xây dựng tại đây có khả năng cao bị hủy bỏ hơn là xây dựng.
![]() |
Một nhà máy nhiệt điện than ở Indonesia. Ảnh: Global Voices Indonesia |
Ted Nace, Giám đốc điều hành GEM, nói: “Để triển khai xây dựng một nhà máy nhiệt điện than, bạn cần phải có ai đó cam kết hàng trăm triệu đô la. Tại Đông Nam Á, dường như ngày càng khó thuyết phục mọi người cam kết số tiền lớn như vậy”.
Thái độ chùng xuống với nhiệt điên than ở Đông Nam Á phản ánh sự ngần ngại của các ngân hàng trong khu vực về việc tài trợ vốn cho các dự án nhiệt điện than mới. Hồi tháng 5, ba ngân hàng lớn nhất của Singapore OCBC, DBS và UOB tuyên bố sẽ ngưng cho vay vốn đầu tư vào các dự án nhiệt điện than sau một thời gian dài chịu áp lực chỉ trích từ các tổ chức bảo vệ môi trường.
OCBC khẳng định hai nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam: Nghi Sơn 2 và Vân Phong 1 là những dự án nhiệt điện than cuối cùng mà OCBC cung cấp vốn vay.
Các ngân hàng ở Đông Nam Á đang đi theo xu hướng chung trên toàn cầu: ngưng cho vay vốn ở dự án nhiệt điện than trên toàn cầu. Với hơn 100 tổ chức tài chính nói không với các dự án nhiệt điện than, số lượng nhà máy nhiệt điện than xây dựng mới trên thế giới giảm 20% vào năm ngoái.
Dù Indonesia là nước duy nhất ở Đông Nam Á triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trong năm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tỏ ý rằng nước này có thể chuyển đổi từ năng lượng than sang năng lượng tái tạo.
“Năng lượng than đang đối mặt với cơn bão. Các cộng đồng người dân đang phản đối vì mức độ ô nhiễm quá cao trong khi công nghệ năng lượng tái tạo đang có chất lượng tốt hơn và chi phí rẻ hơn. Các tổ chức tài chính cũng rời bỏ nó rất nhanh”, Christine Shearer, Giám đốc chương trình than của GEM, nói.
Theo Eco Business