Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều băn khoăn trước đợt IPO Vietcombank

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều băn khoăn trước đợt IPO Vietcombank

Đợt IPO Vietcombank đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong ảnh là giao dịch tại Vetcombank – Ảnh: Tư liệu

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) sẽ có buổi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 26-12-2007. Mức giá đấu khởi điểm là 100.000 đồng/cổ phần. Theo giới đầu tư, việc giá đấu thành công ở mức nào so với giá khởi điểm sẽ có tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán.

Sở dĩ như vậy vì hiện trong tâm lý nhà đầu tư, cổ phiếu của ngân hàng được xem là hàng đầu Việt Nam này có sức kéo thị trường đi lên hoặc càng làm cho thị trường kéo dài giai đoạn đi xuống đang diễn ra hiện nay.

>> Phân tích cổ phiếu Vietcombank của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

>> Đắn đo cơ hội đầu tư Vietcombank

Tại buổi giới thiệu thông tin về Vietcombank hôm nay (11-12) tại Hà Nội, giới đầu tư có vẻ lo ngại trong trường hợp IPO không thành công. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ngân hàng sẽ có hai phương án cho trường hợp này. 

Thứ nhất, nếu phần vốn cổ phần đưa ra đấu giá được đặt mua hết nhưng nhà đầu tư từ chối không mua (bỏ tiền đặt cọc) tương ứng với tỉ lệ dưới 30% tổng lượng chào bán thì Vietcombank sẽ tiến hành đấu giá tiếp để bán nốt; còn bằng hoặc trên 30% thì sẽ tiến hành đấu giá lại.

Thứ hai, nếu bán dưới 50% số chào bán thì Vietcombank sẽ điều chỉnh lại quy mô vốn điều lệ, còn bằng hoặc trên 50% thì sẽ trình Bộ Tài chính cho giảm giá khởi điểm.

Nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm đến các khoản nợ và nguồn vốn kinh doanh chứng khoán của Vietcombank hiện tại cũng như các biện pháp xử lý tiếp theo khi cổ phần hóa. Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết hiện nguồn vốn kinh doanh chứng khoán của Ngân hàng lên đến trên 31.000 tỉ đồng, trong đó 570 tỉ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh, 510 tỉ đồng kinh doanh các loại trái phiếu, 26.000 tỉ đồng kinh doanh các loại chứng khoán sẵn sàng để bán và 4.000 tỉ đồng kinh doanh các chứng khoán sẽ bán vào ngày đáo hạn (như trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc…).

Hiện Vietcombank còn một khoản nợ tồn đọng 1.400 tỉ đồng từ các nước xã hội chủ nghĩa cũ sẽ được bàn giao lại cho Bộ Tài chính khi tiến hành cổ phần hóa.

Một lĩnh vực cũng được nhà đầu tư nêu ra là chính sách về nguồn nhân lực ngân hàng. Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, đây chính là “bế tắc” của Vietcombank khi là một ngân hàng thương mại quốc doanh. Nhưng ông hy vọng sẽ được giải quyết sau cổ phần hóa bằng các chính sách cụ thể về quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, ông Thanh khẳng định lợi thế của Vietcombank chính là thương hiệu lớn, môi trường làm việc tốt cùng với tầm nhìn dài hạn trở thành một trong những tập đoàn tài chính-ngân hàng mạnh của Việt Nam và khu vực, những yếu tố này sẽ là sức hút hấp dẫn đối với nhân lực ngân hàng.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết dự kiến ngân hàng sẽ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM vào quí 2-2008 và phấn đấu niêm yết tại thị trường nước ngoài vào năm 2009.

KHÁNH CHI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới