Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều chương trình bình ổn, kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong những tháng cuối năm 2024, ngành công thương nhiều địa phương đã lên kế hoạch bình ổn hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị TPHCM. Ảnh: TL

TTXVN đưa tin, thời điểm này, Sở Công Thương TPHCM đã công bố chương trình bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025. Chương trình năm nay dự kiến có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023. Trong hoạt động này, nhiều nhóm mặt hàng được bổ sung như muối, nước uống được thêm vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Nhóm mặt hàng phục vụ học tập bổ sung các thiết bị điện tử phục vụ học tập (laptop, máy tính để bàn, máy in phun, in laser...). Nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thêm mặt hàng nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy…

Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, nhiều chương trình khuyến mãi tập trung như “Rộn ràng mua sắm mùa xuân” sẽ được diễn ra. Đặc biệt, lượng hàng bình ổn theo cam kết của chương trình sẽ chiếm từ 21-32% thị phần trong tháng bình thường và chiếm khoảng 24-41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết Ất Tỵ 2025.

Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Các đơn vị trực thuộc, Bộ Công thương có nhiệm vụ triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng.

Tại tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025. Theo đó, giai đoạn 1 của kế hoạch diễn ra từ 1-7 đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ có các hoạt động bình ổn hàng hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong các ngày lễ cuối năm và Tết Dương lịch, dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai. Giai đoạn 2 diễn ra từ 1-1 đến 31-3-2025, tỉnh sẽ có các hoạt động bình ổn hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ đầu năm.

Tổng trị giá hàng hóa dự trữ đáp ứng nhu cầu thị trường trong một tháng là gần 260 tỉ đồng. Nhóm hàng hóa huy động tăng cường trong dịp Tết chiếm khoảng 30-35% nhu cầu thị trường như bánh mứt, kẹo phục vụ Tết và rượu, bia, nước giải khát.

Cũng theo TTXVN, UBND tỉnh Tiền Giang đã có yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương trong tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị có chức năng liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng nói chung và các mặt hàng thiết yếu khác cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Qua đó, địa phương chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nhất là các mặt hàng nông sản thực phẩm thời điểm cuối năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới