(KTSG Online) - Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là những FTA thế hệ mới cũng như hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại… sẽ được xem là động lực quan trọng để tăng tốc xuất khẩu trong năm 2022 và những năm tới.
Khép lại năm 2021, dù nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn đạt 336,31 tỉ đô la, tăng 19%, tương ứng tăng 53,68 tỉ đô la so với năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%). Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6- 6,5%, năm nay ngành Công Thương phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2021, trong tháng đầu tiên của năm 2022, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã có những tín hiệu lạc quan. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê, ước tính tháng 1-2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỉ đô la, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2022, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài ngày càng tăng và các FTA như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam- Anh Quốc (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên, VDSC dự báo tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể chững lại.
Trên thực tế, năm 2021, góp phần vào tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là từ sự thực thi và tận dụng ưu đãi từ các FTA. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA kể cả song phương và đa phương, trong đó có FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, FTA Việt Nam-Anh (UKVFTA)...
Cụ thể sau 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là từ những thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA. Đơn cử, nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25-30%/năm.
Với EU, theo Bộ Công Thương, sau một năm rưỡi thực thi, EVFTA đã đem lại những kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại cả châu Âu và Việt Nam.
Riêng năm 2021 thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỉ đô la, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỉ đô la, tăng 14,2%; còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỉ đô la, tăng 16,5% so với năm 2020.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỉ đô la, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.
Đáng chú ý, từ 1-1-2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, quy mô 2,3 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 26,2 nghìn tỉ đô la, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
Theo bà Mai, lợi ích lớn nhất của RCEP mang lại là đưa bộ quy tắc xuất xứ duy nhất cho toàn bộ ASEAN và 4 nước đối tác khác. Vì thế, doanh nghiệp sử dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ của hiệp định RCEP thay vì sử dụng quy tắc xuất xứ của các hiệp định khác nhau. Việc này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không phải hiểu nhiều các quy định khác nhau trong xuất xứ của các hiệp định.
Hơn nữa, RCEP còn tạo khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.
Với quy tắc xuất xứ chung của RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu không chỉ của các nước ASEAN mà cả các nước đối tác khác.
Nhấn mạnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng năm 2022 được dự báo có những thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen. Và xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các FTA sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của hiệp định cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Bên cạnh đó, nhiều nước triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo thị trường xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia các FTAs. Trong đó, các ngành sản xuất như dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.
Giao nhiệm vụ cho công tác xuất nhập khẩu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các cam kết quốc tế, thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giao Cục Xuất nhập khẩu cần phối hợp với các đơn vị của các Bộ, ngành, các địa phương và các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, các Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để trao đổi, thúc đẩy hoạt động sản xuất theo tín hiệu của thị trường, sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy định để xuất khẩu vào các thị trường lớn, thị trường đối tác FTA, trong đó có EVFTA.
Đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa nhanh, xuất siêu bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần chuyển từ tăng trưởng xuất khẩu về số lượng sang chất. Để đạt được mục tiêu này, cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt các FTA, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.