Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều cơ hội từ ngành may Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều cơ hội từ ngành may Việt Nam

Tuyết Ân thực hiện

Ông Ngô Huy Dương

(TBKTSG) – Gerber hiện là nhà cung cấp giải pháp công nghệ CAD/CAM (máy tính trợ giúp thiết kế/máy tính trợ giúp sản xuất) lớn nhất cho ngành may tại Việt Nam. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Huy Dương, Tổng giám đốc Gerber Việt Nam, về các hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.

TBKTSG: Đã có 17 năm gắn bó với sự phát triển của ngành may Việt Nam, ông đánh giá ra sao về sự phát triển của ngành này?

– Ông Ngô Huy Dương: Tôi còn nhớ năm 1994, lần đầu tiên triển lãm công nghệ dệt may diễn ra tại Việt Nam, Gerber đã tham gia trưng bày hệ thống thiết kế mẫu, nhảy cỡ, giác sơ đồ tự động của mình. Một số người trong ngành không tin chúng tôi sẽ thành công. Nhưng đến nay Gerber đã cung cấp hơn 1.000 phần mềm và thiết bị CAD/CAM, chưa tính đến những nhà cung cấp khác. Điều này chứng tỏ ngành may mặc Việt Nam đã phát triển nhanh chóng.

Năm 1994, Việt Tiến là công ty đầu tiên trang bị hệ thống thiết kế mẫu giác sơ đồ tự động của Gerber, sau đó là giải pháp thiết kế mẫu tự động mô phỏng trên không gian ba chiều. Đến nay đã có hơn 260 khách hàng tại Việt Nam sử dụng hơn 1.000 chủng loại thiết bị và giải pháp của Gerber. Những khách hàng này đã mang lại cho Gerber một thị phần đáng kể ở Việt Nam, ước tính hơn 50%. Ngoài doanh nghiệp nước ngoài, hầu hết các doanh nghiệp may mặc lớn trong nước đều là khách hàng quan trọng của Gerber như Việt Tiến, Phong Phú, May 10, Protrade, May Chiến Thắng, Hòa Thọ, Hưng Yên, MinhTri, Đáp Cầu, TNG, Đức Giang…

Thị trường Việt Nam có vị trí như thế nào đối với Gerber?

– Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất tại châu Á của chúng tôi. Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu sản phẩm may mặc lớn nhất thế giới trong những năm qua (năm 2009 xếp thứ 8). Chính vì vậy Gerber đã đặt văn phòng kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam, cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và Úc. Việt Nam cũng là một trong bốn quốc gia mà Gerber đặt trung tâm công nghệ cao, bên cạnh các trung tâm ở Mỹ, Bỉ và Trung Quốc. Nói như thế để thấy rằng Việt Nam quan trọng như thế nào trong chiến lược kinh doanh của Gerber.

Số liệu thống kê của Gerber cho thấy có sự khác biệt về việc đầu tư cho công nghệ giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước, theo ông do đâu?

– Hệ thống trải và cắt tự động chúng tôi có 10 khách hàng là doanh nghiệp trong nước, nhưng khách hàng doanh nghiệp FDI là hơn 30. Đối với hệ thống tự động hóa CAD thì khách hàng trong nước chiếm số lượng lớn.

Các doanh nghiệp FDI có quy mô lớn, tập trung từ vài ngàn đến vài chục ngàn công nhân với những đơn hàng lớn và ổn định. Họ cần đầu tư để đáp ứng về chất lượng lẫn số lượng sản phẩm cũng như đáp ứng thời gian giao hàng nhanh. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có chi phí khoảng 50 triệu đô la Mỹ tiền vải/năm, nếu đầu tư một hệ thống trải và cắt tự động sẽ tiết kiệm trung bình 3% vải; một năm sẽ tiết kiệm được 1,5 triệu đô la Mỹ, một con số đáng kể dành để tái đầu tư.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển nhất định để tăng năng suất bằng việc đầu tư các hệ thống thiết kế mẫu, giác sơ đồ tự động, còn việc đầu tư hệ thống trải cắt còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng có quy mô nhân công lớn nhưng chủ yếu gia công, phụ thuộc vào đơn hàng, lợi nhuận thấp.

Việc ngành may Việt Nam thời gian qua có những biến động do cuộc khủng khoảng kinh tế ảnh hưởng ra sao đến nhà cung cấp như Gerber?

– Khi nhà sản xuất gặp khó khăn thì đương nhiên các nhà cung cấp sẽ bị ảnh hưởng.

Vấn đề quan trọng là nhà cung cấp nhìn vào các mục tiêu dài hạn và duy trì dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng ở bất kỳ thời điểm nào.

Ngành may mặc Việt Nam từ chỗ có lợi thế về chi phí nhân công rẻ đã chuyển sang nhóm có chi phí hợp lý. Đó là do những biến động trong ngành may mặc toàn cầu và sự dịch chuyển lao động trong nước. Quy luật của ngành may mặc thế giới cho thấy từ thế kỷ 19, các hoạt động sản xuất đã dịch chuyển từ châu Âu sang Bắc Mỹ và dần sang châu Á, Trung Mỹ theo hướng từ nơi có giá nhân công cao tới nơi có giá nhân công thấp hơn. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhìn vào chiến lược của ngành này cũng thấy được những thay đổi cơ bản. Cách đây năm năm, chiến lược của ngành dệt may Việt Nam là đầu tư chiều rộng để có được quy mô lớn, nhưng hiện nay là phát triển chiều sâu để tăng năng suất lao động và giá trị chuỗi cung ứng.

Gerber định hình chiến lược dài hạn theo sự dịch chuyển như vậy ra sao, thưa ông?

– Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng của ngành may, ít nhất trong 10 năm tới. Mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỉ đô la Mỹ trong năm nay được dự báo không những hoàn thành mà còn vượt mục tiêu đề ra (11 tỉ đô la). Điều đó cho thấy khả năng hồi phục của ngành này là khá nhanh.

Mục tiêu của ngành dệt may Việt Nam đến năm 2015 là đạt kim ngạch xuất khẩu 19 tỉ đô la Mỹ, năm 2020 là 26 tỉ đô la Mỹ. Để làm được điều đó, theo tôi, không thể không ứng dụng các hệ thống thiết bị công nghệ cao để tăng năng suất, rút ngắn thời gian giao hàng và tăng hiệu quả quản lý. Muốn tăng khả năng cạnh tranh chắc chắn sẽ có sự sắp xếp lại ở các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ sẽ là vệ tinh trong chuỗi hoạt động đó. Kinh nghiệm ở các công ty may hàng đầu cho thấy việc tận dụng tốt nguồn nhân công đồng thời với việc đầu tư các hệ thống tự động hóa để giảm lao động phụ trợ là phương cách tối ưu. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều cơ hội cho Gerber.

Gerber Technology (Việt Nam) là thành viên của tập đoàn Gerber Scientific International (Mỹ) – nhà cung cấp các giải pháp tự động hóa CAD/CAM/PLM cho ngành may, nội thất, da giày… Ngay khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam năm 1993, Gerber đã có mặt tại Việt Nam, thông qua công ty đại lý Schmidt, để hoạt động kinh doanh.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, một năm sau Gerber đã chuyển sang hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các sản phẩm của Gerber hiện đã được hầu hết các công ty may mặc lớn hoạt động tại Việt Nam sử dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới