Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều địa phương thiệt hại hàng tỉ đồng do mưa lớn kèm giông lốc

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Vừa qua, cơn mưa lớn kèm giông lốc ở Lâm Đồng đã làm gãy, đổ hàng chục cây sầu riêng đang trong giai đoạn cho trái, đồng thời tuốt rụng hàng chục tấn trái sầu riêng non. Nhiều địa phương khác như Kon Tum, Bình Phước và Quảng Trị cũng bị thiệt hại hàng tỉ đồng do mưa lớn kèm lốc, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất người dân.

Trái sầu riêng non rụng nhiều do mưa lớn kèm giông lốc. Ảnh: TTXVN

TTXVN đưa tin, theo ghi nhận của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, trận lốc xoáy chiều 24-4 đã làm mất điện cục bộ, đổ ngã nhiều cây xanh đô thị trên tuyến đường dân sinh. Đặc biệt, cơn mưa đã tuốt rụng hàng chục tấn trái sầu riêng non ở một số khu vực trọng điểm trồng cây sầu riêng thuộc tổ dân phố 7, 10, 11 (thị trấn Đạ M'ri).

Chính quyền địa phương đang tập trung lực lượng để khắc phục sự cố mất điện, đồng thời, thống kê thiệt hại và đề xuất UBND huyện lên phương án hỗ trợ người dân.

Trước đó, trận mưa lớn kèm giông lốc và mưa đá đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân tỉnh Kon Tum, Bình Phước, Quảng Trị. Ước tính thiệt hại là hàng tỉ đồng mỗi nơi.

Cụ thể, ngày 23-4, trận mưa đá gây thiệt hại nhiều về tài sản, hoa màu trên địa bàn Kon Tum. Có hơn 160 héc-ta diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch hư hại, phần lớn bị thiệt hại trên 70%. Thống kê ban đầu, ước tính thiệt hại của địa phương là gần 6,8 tỉ đồng.

Ngoài ra, địa bàn còn có khoảng 2,5 héc-ta chanh dây, 5,5 héc-ta hoa màu và nhiều công trình hư hỏng. Ngành nông nghiệp khuyến nghị người dân địa phương tổ chức thu hoạch sớm, tránh thiệt hại thêm.

Ở Bình Phước, ước tính thiệt hại do trận mưa hôm 22-4 là khoảng 1,2 tỉ đồng. Trong đó, xã Đức Hạnh (huyện Bù Gia Mập) đang bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 30 căn nhà bị tốc mái, thiệt hại khoảng 19,7 héc-ta diện tích cây trồng (cây cao su là 10 héc-ta và điều là 9,7 héc-ta).

UBND huyện đã đề nghị UBND xã Đức Hạnh hướng dẫn người dân thực hiện hồ sơ, thủ tục liên quan để nhận hỗ trợ kinh phí, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, sản xuất.

Còn ở tỉnh Quảng Trị, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, mưa dông kèm theo lốc xoáy và mưa đá đã làm khoảng 2.700 héc-ta diện tích lúa bị ngã. Một số địa phương có thiệt hại lớn như Gio Linh là 700 héc-ta, Triệu Phong là 600 héc-ta, Vĩnh Linh là 600 héc-ta.

Vừa qua, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản về việc ứng phó với mưa giông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, theo TTXVN.

Từ nay đến ngày 3-5, khu vực Bắc bộ, Trung bộ sẽ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trên cơ sở đó, đơn vị đề nghị các tỉnh, thành thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, cập nhật thông tin kịp thời đến người dân.

Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó với điều kiện khí hậu, đặc biệt là ở những khu vực đông người, ven biển, đảo, khu du lịch…, trong đó, tập trung vào các nội dung là biện pháp trú, gia cố, che chắn để bảo vệ tài sản, cây trồng và vật nuôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới