Nhiều doanh nghiệp dệt may nhận đơn hàng tới hết quí 3
Hùng Lê
(TBKTSG Online) – Ngày 20-4, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết xuất khẩu mặt hàng dệt may trong quí I -2018 tăng trưởng khá, trong khi hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận được đơn hàng thực hiện đến hết quí 3, thập chí có doanh nghiệp có đơn hàng cho cả năm nay.
![]() |
Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng cao trong quí 1. Ảnh minh họa: Hùng Lê |
Tại buổi thông tin với báo chí về tình hình ngành dệt may của quí 1-2018, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng đại diện Vitas tại TPHCM, cho biết trong quí 1, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 7,62 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 11,9% của cùng kỳ 2017, đạt 22,4% kế hoạch xuất khẩu cả năm.
Trong đó, riêng mặt hàng may mặc đạt 5,98 tỉ đô la, tăng 12,49%, tăng khá so với mức 9,7% của cùng kỳ năm ngoái. Ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng xuất khẩu rất tốt, bà Mai chia sẻ.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất về nhóm mặt hàng này của Việt Nam chiếm khoảng 48,56%; các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đứng thứ hai. Thị trường EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… theo bà Mai cũng có tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu cao là áo thun, áo jacket, áo sơ mi.
Ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt. Cụ thể, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may quí 1-2018 ước đạt 4,6 tỉ đô la, tăng 22,82% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị thặng dư thương mại đạt 3,97 tỉ đô la, tăng 3,69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Mai cho biết, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp cũng rất khả quan, nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quí 3 và cả năm nay. Với triển vọng như vậy, bà Mai dự báo mục tiêu xuất khẩu 34-34,5 tỉ đô la cho ngành của cả năm 2018 là rất khả quan. Mặc dù vậy theo bà Mai, việc thiếu lao động cho ngành đang diễn ra với nhiều doanh nghiệp.
Vitas cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hội thảo, đào tạo nguồn nhân lực, tham vấn kiến nghị cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: chính sách thuế; thủ tục hải quan; các loại phí, phụ phí; chính sách cấp phép đầu tư vào khâu dệt, nhuộm… và một số chương trình khác để tận dụng cơ hội khi Hiệp định CPTPP và FTA Việt Nam – EU có hiệu lực, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0.