(KTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc thay đổi kế hoạch huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh thị trường xuất hiện nhiều diễn biến không thuận lợi.
- Chứng khoán lại bán tháo, VN-Index rời xa mốc 1.200 điểm
- Nỗi lo suy thoái nhấn chìm chứng khoán và dầu thô trong phiên giao dịch cuối tuần
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để ổn định tỷ giá đã có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán (TTCK). Cụ thể, việc nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn khiến các ngân hàng thương mại buộc phải chạy đua tăng lãi suất kỳ hạn ngắn để thu hút thêm tiền gửi ngắn hạn trong bối cảnh thanh khoản hệ thống thiếu hụt. Điều này có thể tạo các tác động dây chuyền lên các lãi suất kỳ hạn dài và mặt bằng lãi suất nói chung của cả nền kinh tế, qua đó làm giảm dòng vốn đầu tư vào TTCK.
Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán: ASM) đã thông báo huỷ phương án phát hành cổ phiếu vào ngày 22-9. Theo Hội đồng quản trị (HĐQT) doanh nghiệp, việc hủy phương án phát hành cổ phiếu là do kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi.
Việc dừng huy động vốn diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu ASM chỉ ở mức 17.250 đồng ngày 22-9, giảm hơn 32% so với đỉnh giá hồi cuối tháng 3-2022 và chỉ cao hơn 44% so với giá chào bán dự kiến.
Trước đó, tại nghị quyết ngày 8-6, HĐQT doanh nghiệp đã thông qua phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền mua và cứ 2 quyền mua sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới.
Tại thời điểm ngày 8-6, giá cổ phiếu ASM ở mức 20.450 đồng một cổ phiếu, cao hơn 70% so với giá phát hành dự kiến.
Công ty cổ phần Louis Capital (mã chứng khoán: TGG) cũng công bố tài liệu cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường với tờ trình cổ đông về việc hủy phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư, vốn đã được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.
Nguyên nhân do HĐQT nhận thấy phương án phát hành không còn phù hợp với tình hình hiện tại.
Cụ thể, cổ phiếu TGG chỉ giao dịch ở mức 5.000 đồng trong thời gian gần đây, giảm gần 57% so với giá dự kiến phát hành riêng lẻ. Đây cũng là một trong hai cổ phiếu bị ông Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch Louis Holdings và ông Đỗ Đức Nam, cựu Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Trí Việt thao túng, theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tại vụ án thao túng thị trường chứng khoán ở Công ty cổ phần Louis Holdings và một số công ty liên quan.
Trước đó, Louis Capital dự kiến phát hành riêng lẻ hơn 27 triệu cổ phiếu với giá chào bán là 12.500 đồng một cổ phiếu theo phương án được các cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thông qua. Số tiền dự kiến huy động được sẽ dùng để đầu tư vào Louis Mega Mall.
Ngoài ra, cuộc họp ĐHĐCĐ cũng thông qua việc phát hành thêm hơn 29 triệu cổ phiếu với giá 12.500 đồng một cổ phiếu. Số tiền dự kiến huy động được sẽ dùng để mua lại 70% cổ phần của Công ty cổ phần Sợi Việt Phú và bổ sung vốn lưu động cho Louis Capital.
Không tạm dừng hay huỷ phương án phát hành, nhưng Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã chứng khoán: DIG) dự kiến xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ gần 16,4% tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 dự kiến diễn ra ngày 12-10. Đây đã là lần thứ hai doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch chào bán cổ phiếu.
Ban đầu, doanh nghiệp dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu với giá 30.000 đồng, nhưng sau đó điều chỉnh thành chào bán 150 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng. Trước thềm cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2, doanh nghiệp điều chỉnh phương án thành chào bán 100 triệu cổ cổ phiếu với giá 15.000 đồng.
Số tiền thu về từ đợt phát hành dự kiến 1.500 tỉ đồng đầu tư vào dự án khu đô thị du lịch Long Tân.
Việc điều chỉnh kế hoạch phát hành này diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DIG giảm khoảng 70% so với đỉnh hồi tháng 1-2022. Hiện cổ phiếu DIG giao dịch quanh ngưỡng 30.000 đồng, cao hơn hai lần so với giá chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Công ty cổ phần Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán: TNH) dự kiến trình cổ đông thông qua việc thay đổi các phương án phát hành chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 10-10. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa thống nhất được với một số đối tác nên chưa thể triển khai phương án phát hành.
Với phương án huy động vốn mới, Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên dự kiến chào bán gần 26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 20.000 đồng một cổ phiếu, bằng một nửa thị giá trên sàn. Ngoài ra, doanh nghiệp dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, thay vì tỷ lệ 25% gồm 5% tiền mặt và 20% cổ phiếu như ban đầu.
Không công bố nguyên nhân, nhưng HĐQT Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (mã chứng khoán: CKG) cũng ra quyết nghị tạm dừng triển khai đăng ký chào bán 13,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ theo nghị quyết HĐQT ngày 25-11-2021.
Trái ngược với các doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) thông báo về việc đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Thông báo này được đưa ra chỉ ít ngày sau thông báo về quyết định tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và mang lại hiệu quả đầu tư.
Với phương án mới, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) dự kiến chào bán 161.904.760 cổ phiếu với giá 10.500 đồng một cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỉ đồng. Số tiền dự kiến huy động được sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai, Công ty cổ phần Gia súc Lơ Pang và trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do doanh nghiệp phát hành ngày 30-12-2016 với mã HAGLBOND16.26.
Trước đó, báo cáo gửi UBCKNN cho thấy doanh nghiệp chưa thanh toán tổng số tiền 302,79 tỉ đồng cho nhà đầu tư nhận phát hành trái phiếu HAGLBOND16.26 tại hai thời điểm đến hạn thanh toán là 30-3-2022 và 30-6-2022. Nguyên nhân do nguồn tiền để thanh toán tới từ nhóm HAGL Agrico và các công ty con của doanh nghiệp này. Việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ là một trong các phương án được doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết khoản nợ này, bên cạnh các phương án gồm thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ đối tác, vay ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Về triển vọng thị trường chứng khoán những tháng cuối năm, báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán KB (KBSV) cho biết TTCK Việt Nam sẽ trải qua nhiều biến động trước những rủi ro của thế giới gồm chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc, lạm phát tại các nước phát triển, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ và khối EU, các ngân hàng trung ương lớn đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Theo KBSV, yếu tố ngoại biên vẫn mang tính chất chi phối diễn biến thị trường trong nước. Vì vậy, nhà đầu tư thận trọng với diễn biến thị trường trong ngắn hạn khi nhiều yếu tố rủi ro vẫn đang hiện hữu, nhất là khi chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu và có thể chớm xuyên thủng vùng đáy tháng 6.