(KTSG Online) - Các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang có xu hướng lấn sang mảng bán lẻ, trực tiếp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thay vì qua các nhà phân phối và đại lý chuyên nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử, bia, hàng tiêu dùng khác... trong thời gian gần đây đã trực tiếp bán lẻ sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử hoặc thông qua các cửa hàng flagship của hãng.
Ông Huỳnh Lê Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cũng cho biết cơ quan này ghi nhận nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ trực tiếp. Bên cạnh các sàn thương mại điện tử, các nhà sản xuất FDI đã đẩy mạnh trang bán hàng trực tuyến riêng và tận dụng kênh này để tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Tú dẫn chứng, có khá nhiều thương hiệu điện tử, hàng gia dụng của Nhật Bản, Hàn Quốc... mở cửa hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử hay cửa hàng online của riêng thương hiệu. Có hãng bia còn lập gian hàng trên nền tảng gọi món như Grab, ShopeeFood... để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
"Trước làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, chính các nhà sản xuất nước ngoài nay cũng tham gia vào bán lẻ trực tiếp qua việc giới thiệu, đưa hàng hóa trên trang web của họ, giao hàng trực tiếp cho khách khi có nhu cầu, không nhất thiết qua hệ thống phân phối… Chẳng hạn như một thương hiệu bia nổi tiếng thế giới đến nay có bán hàng trực tiếp ngay trên trang web của mình", ông Tú nói.
Theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, sự mở rộng này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang rất sôi động và các doanh nghiệp sản xuất FDI đã tận dụng tốt các cam kết trong những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký, mở cửa có lộ trình thị trường bán lẻ.
Tuy nhiên, để tham gia hoạt động bán hàng trực tiếp với người tiêu dùng, theo ông Tú, các nhà sản xuất FDI phải đăng ký thêm chức năng hoạt động phân phối bán lẻ. Đồng thời khi mở hoạt động kênh bán hàng trực tuyến thì nhà đầu tư phải xin giấy phép với cơ quan quản lý về hoạt động thương mại điện tử.
Mặc dù vậy, việc bán hàng trực tiếp này của các nhà sản xuất không cạnh tranh về giá bán sản phẩm đối với các nhà phân phối của họ. Việc mở kênh bán hàng thương mại điện tử này theo giới phân tích chủ yếu là làm thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, công nghệ hoặc là cơ hội để doanh nghiệp điều tra hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng hơn là tăng cao doanh thu.
Trước đó, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết các nhà đầu tư Nhật Bản trước đây đến Việt Nam để sản xuất rồi xuất khẩu là chủ yếu. Tuy nhiên, 2 năm gần đây nhiều doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản còn nhìn thấy Việt Nam là một thị trường tiêu thụ rộng lớn để họ mở cả hoạt động kinh doanh.