Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy thầu ở châu Âu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy thầu ở châu Âu

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Một nước nhỏ ở các vùng từ Baltic đến Adriatic, châu Âu gần đây hủy bỏ các cuộc đấu thầu mà trong đó các công ty nhà nước Trung Quốc gần như nắm chắc phần thắng hoặc ra lệnh cấm các công ty Trung Quốc đầu tư hay bỏ thầu ở nước của họ. Sự thay đổi này được cho là có liên quan đến mối lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia và sự thất vọng với năng lực của các nhà thầu Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy thầu ở châu Âu
Hôm 17-2, Chính phủ Lithuania thông báo cấm Công ty Nuctech, nhà sản xuất máy quét an ninh của Trung Quốc, cung cấp thiết bị cho hai sân bay ở Lithuania. Ảnh: AP

‘Né’ nhà thầu Trung Quốc

Động thái né tránh nhà thầu Trung Quốc phần lớn diễn ra ở các nước nhỏ ở châu Âu. Điều này làm gia tăng căng thẳng bên trong Liên minh châu Âu (EU), nơi những nước lớn vẫn ủng hộ duy trì các mối kết nối kinh doanh với Trung Quốc.

Romania và Lithuania đang triển khai các biện pháp để loại các công ty Trung Quốc khỏi một số hạng mục mua sắm công nhất định. Trong khí đó, các nước khác hành động có mục tiêu hơn.

Giới chức trách ở Slovenia, Croatia, Cộng hòa Séc và Romania đã đình chỉ các cuộc đấu thầu công khai liên quan đến các công ty Trung Quốc ở các dự án nhà máy điện hạt nhân, đường cao tốc, đường sắt, mua sắm máy quét an ninh.

Hy Lạp đang tranh luận về việc có nên cho phép một công ty vận tải biển của Trung Quốc tăng lượng cổ phần đa số của công ty này tại cảng biển lớn nhất Hy Lạp hay không.

Andreea Brinza, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương ở Bucharest, Rumania, cho rằng các mối lo ngại chiến lược vẫn đeo đẳng những nước châu Âu trước đây nằm trong tầm hưởng của Moscow trong suốt thời kỳ

Chiến tranh lạnh và khi phần lớn họ đang dựa vào các cam kết bảo trợ an ninh của Mỹ, họ muốn thể hiện họ đang đứng về bên nào trong cuộc đối đầu thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

“Chúng tôi chỉ đơn giản là tôn trọng những lựa chọn chiến lược mà chúng tôi đang theo đuổi: xây dựng quan hệ đối tác của chúng tôi với Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)và các thành viên EU”, Phó thủ tướng Romania, Dan Barna nói khi giải thích sự lạnh nhạt gần đây của đất nước ông đối với Trung Quốc.

Bộ Giao thông Romania cho biết các nhà thầu Trung Quốc làm méo mó thị trường hạ tầng đường sắt và đường cao tốc ở Romania vì họ bỏ thầu với mức giá rẻ nhờ có nguồn lực tài chính hỗ trợ của Bắc Kinh.

Đầu tháng này, Chính phủ Romania cho biết sẽ thắt chặt các quy định về đấu thầu ở các dự án hạ tầng để ngăn cấm sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nhà thầu Trung Quốc cũng sử dụng lao động thiếu kỹ năng và không bảo vệ quyền lợi người lao động theo các tiêu chuẩn của châu Âu. Động thái nói trên diễn ra sau khi Romania ngăn chặn Trung Quốc tham gia vào nỗ lực triển khai mạng 5G ở nước này và tu bổ một nhà máy điện hạt nhân vào năm ngoái.

Hôm 17-2, Chính phủ Lithuania thông báo hủy Công ty Nuctech, nhà sản xuất máy quét an ninh của Trung Quốc, cung cấp thiết bị cho hai sân bay ở Lithuania. Lý do là thương vụ này không ‘phù hợp với các lợi ích an ninh quốc gia của Lithuania’.

Cách đây một năm, Nuctech, công ty thuộc quyền kiểm soát của nhà nước Trung Quốc, đã thắng gói thầu cung cấp thiết bị an ninh cho Lithuanian Airports, một doanh nghiệp nhà nước đang quản lý ba sân bay ở Lithuania.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Nuctech nằm trong số 59 công ty Trung Quốc mới nhất bị đưa danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ để cấm các công ty Mỹ làm ăn với họ nếu chưa có giấy phép đặc biệt. Người phát ngôn của Nuctech cho biết đang cân nhắc khả năng khởi kiện quyết định trên của Lithuania.

Năm ngoái, Canada cũng từ bỏ kế hoạch mua máy quét an ninh của Nuctech để trang bị cho các đại sứ quán của Canada ở nước ngoài sau khi có nhiều tranh cãi về thương vụ này. Trong những tháng gần đây, Na Uy, Croatia và một chỉ thị của EU yêu cầu dừng các vụ đấu thầu mua máy quét an ninh có liên quan đến Nuctech nhưng họ không công khai bày tỏ lo ngại an ninh như Lithuania.

“Chúng tội chọn không gian công nghệ châu Âu, chứ không chọn không gian công nghệ Trung Quốc”, Laurynas Kasciunas, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh của Hạ viện Lithuania, nói.

Chính phủ Cộng hòa Séc đã đình chỉ mở thầu dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới có sự tham gia của các công ty Trung Quốc tại nhà máy máy điện hạt nhân ở làng Dukovany. Ảnh: Reuters

EU siết chặt quản lý đấu thầu và đầu tư từ nước ngoài

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào EU đã giảm kể từ mức đỉnh vào năm 2016 do các hạn chế mới của châu Âu cũng như các kiểm soát của Trung Quốc đối với dòng chảy tài chính ra nước ngoài. Nhưng trong thời gian gần đây, nhiều nhà thầu Trung Quốc, phần lớn là công ty nhà nước, liên tiếp thắng thầu trong các dự án mua sắm công ở châu Âu.

Năm ngoái, EU đã ban hành hướng dẫn mới để loại bỏ các nhà thầu bên ngoài EU bỏ thầu với giá cực thấp và mở cuộc nghiên cứu về tác động của các hình thức trợ cấp nước ngoài ở châu Âu ở các lĩnh vực bao gồm mua sắm công và thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp.

Thái độ thận trọng đối với các nhà thầu Trung Quốc tăng lên chủ yếu ở các nước Đông Âu và Nam Âu, ngay cả khi Đức và Pháp, những nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tìm cách đào sâu mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Quy định mới của EU về thẩm định các thương vụ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể gây hậu quả an ninh quốc gia ở các nước thành viên có hiệu lực hồi tháng 10 năm ngoái. Sau đó, các nước thành viên EU cũng ban hành các quy định tương tự. Các động thái trên chủ yếu nhắm đến các công ty Trung Quốc.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Đức, Angela Merkel và Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron thúc ép EU ký kết một hiệp định đầu tư sơ bộ với Trung Quốc. Hiệp định này vấp phải sự phản đối của Ba Lan và khiến Jake Sullivan, trợ lý cấp cao của ông Joe Biden vào lúc đó (nay là Cố làm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ), kêu gọi EU tham vấn thêm với Mỹ về Trung Quốc. Hiệp định này được EU và Trung Quốc đồng ý về nguyên tắc.

Hiệp định dự kiến đưa ra Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua vào năm tới nhưng nó có thể vấp phải sự phản đối ngày càng lớn của các nghị sĩ châu Âu.

Các nhà thầu Trung Quốc thường nhắm đến dự án hạ tầng và mua sắm công ở khu vực Trung Âu và Đông Âu. Họ dễ dàng thắng thầu nhờ bỏ thầu với giá thấp hơn nhiều so với các đối thủ châu Âu. Nhưng giờ đây, giới chức trách ở khu vực này nói rằng trong nhiều trường hợp, các gói thầu do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận bị đình trệ.

“Chúng tôi đang rút ra bài học từ kinh nghiệm của mình. Chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân vì sao một số dự án không hoàn thành và nhận thấy rằng các nhà thầu không đáp ứng các tiêu chuẩn hoặc không có năng lực để hoàn thành dự án”, Phó thủ tướng Romania, Dan Barna nói khi giải thích quyết định của chính phủ về việc ngăn cấm các nhà thầu Trung Quốc tham gia đấu thầu ở các dự án hạ tầng.

Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã vận động sáng kiến có tên gọi ‘Mạng lưới sạch’ để mời gọi các nước và các công ty viễn thông trên toàn cầu gia nhập một liên minh cam kết các tiêu chuẩn an ninh và soạn thảo luật nhằm cấm hoặc hạn chế các công ty Trung Quốc bao gồm Huawei tham gia vào dự án mạng 5G ở nước của họ. Dưới tác động của Mỹ, Ba Lan và Romania đã soạn thảo luật để ngăn cấm Huawei và ZTE, hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, cung cấp thiết bị cho mạng lưới 5G của họ.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới