Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều góc khuất nghề nuôi và kinh doanh yến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều góc khuất nghề nuôi và kinh doanh yến

Nam Bình

(TBKTSG Online) – Hoạt động xây nhà nuôi yến những năm gần đây được ví như đầu tư xây “mỏ vàng trắng”, bởi những nhà yến thành công có thể mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng cho chủ nhà mỗi năm. Tuy nhiên, cũng có hàng loạt những nhà thất bại, không có chim đến ở. Đó là chưa kể, việc kinh doanh tổ yến cũng chưa đi vào quy củ, thị trường chưa ổn định.

Phát triển nhanh "chóng mặt"

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN), nghề nuôi chim yến tại Việt Nam phát triển mạnh trong vòng 10 năm qua. Hàng loạt các nhà dẫn dụ chim yến được cải tổ, cơi nới từ nhà ở, công xưởng bên cạnh nhà xây mới kiên cố. Số liệu sơ bộ từ 42 tỉnh thành có nghề nuôi chim yến cho thấy, cuối năm 2017, Việt Nam có khoảng 8.300 nhà yến. Đến cuối năm 2019, con số này tăng gấp 1,5 lần, lên mức 11.750 nhà yến.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tổ chức hồi cuối năm 2020 tại Kiên Giang, ông Võ Đình Dĩnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang) thông tin, từ năm 2007 đến cuối năm 2013, toàn tỉnh này chỉ có 270 hộ nuôi với tổng diện tích 48.000 mét vuông nhưng từ năm 2014 đến nay, số lượng nhà yến tăng đột biến.

Cụ thể, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Kiên Giang có gần 2.900 nhà nuôi chim yến. Bên cạnh những nhà nuôi yến do người dân địa phương thực hiện, nhiều nhà đầu tư cũng mạnh dạn “đổ tiền” vào xây nhà yến. Đặc biệt, từ 2019 đến nay, hầu hết những nhà xây mới là nhà được xây dựng kiên cố từ 3 tầng trở lên, nhiều nhà trông giống những biệt thự sang trọng.

Nhiều góc khuất nghề nuôi và kinh doanh yến
Nhà nuôi chim yến ở Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: Nam Bình.

Tuy nhiên, hoạt động nuôi chim yến chủ yếu phát triển tự phát, thiếu sự liên kết, quy trình nuôi và chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất. Số lượng nhà yến tăng nhanh nhưng phần lớn nhà không có chim vào ở hoặc chỉ thu được sản lượng tổ rất ít.  Gần một nửa số nhà nuôi chim yến ở địa phương này được sử dụng không đúng công năng.

Ông Trần Văn Thiết (thường gọi là Mười Thiết, ở xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) là một trong những người đầu tiên xây nhà yến và đạt hiệu quả cao. Hơn 20 năm gầy dựng và chia sẻ kinh nghiệm nuôi yến cho bà con trong vùng, ông Mười Thiết chứng kiến không ít nhà yến thất bại vì không có chim vào ở.

Để xây dựng được một nhà yến khang trang, vốn bỏ ra ban đầu cũng xấp xỉ tiền tỉ. Tìm được vốn xây nhà đã khó, tạo môi trường thuận lợi để chim vào ở càng khó hơn và cần thời gian lâu dài. Do đó, ở những vùng có nghề nuôi chim yến phát triển, chưa chắc các hộ đầu tư xây nhà yến đều thành công. Theo ông Mười Thiết, một nhà gọi được chim yến vào ở, cho tổ thu hoạch đều đặn thì bên cạnh đó cũng phải đến vài nhà thất bại.

Còn theo Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, số nhà yến trên thực tế còn vượt con số thống kê nêu trên của ngành nông nghiệp rất nhiều. Nguyên nhân là trước đây, người nuôi chim yến chỉ được khuyến cáo tự nguyện khai báo với cơ quan chức năng. Do đó, rất nhiều nhà dẫn dụ yến nhưng vướng các vấn đề như nằm trong khu dân cư, cơi nới nhà ở trái phép… đã không khai báo.

Chế biến tổ yến tại Trung tâm Triển lãm Yến sào Việt Nam. Ảnh: Yến Quân

Bà Đỗ Tú Quân, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Trang Trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Giám đốc Công ty Yến sào Việt Nam Yến Quân chia sẻ, những số liệu liên quan đến ngành yến như số nhà yến, lượng tổ yến thu được, tỷ lệ thành công… trong những năm qua đều là ước lượng dựa trên khai báo tự nguyện của nhà yến.

Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu yến sào chính ngạch sang Trung Quốc, từ đầu năm 2021 đến nay, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện thống kê số lượng nhà yến, sản lượng tổ yến trên cả nước.

Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, vào cuối năm 2020, cả nước có 42/63 tỉnh phát triển nghề nuôi chim yến. Hai tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang: 2.025 nhà yến, Bình Thuận: 1.204 nhà yến. Tỉnh có nhà yến xây kiên cố nhiều nhất là Kiên Giang với trên 1.050 nhà.

Dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho hiệu quả kinh tế rất cao. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ từ 200-300 triệu đô la Mỹ/năm.

Theo đó, Hiệp hội trực tiếp về các vùng nuôi yến để kiểm đếm số lượng nhà cũng như sản lượng tổ của từng nhà. Qua đó sẽ cho ra được số liệu thống kê chính xác, làm cơ sở để xây dựng định hướng phát triển cho ngành yến trong những năm tiếp theo.

“Qua kiểm đếm trên thực tế, kết quả sơ bộ cho thấy, cả nước có xấp xỉ 30.000 nhà yến. Thế nhưng, nếu những nhà yến xây dựng từ những năm 2010 trở về trước có sản lượng tốt thì những nhà mới xây trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, hiệu quả rất thấp, rất nhiều nhà không có chim vào ở”, bà Quân cho biết.

Ai quản lý chất lượng tổ yến?

Theo bà Quân, có một thời gian dài, ngành nuôi chim yến ở Việt Nam loay hoay với công tác quản lý, từ số lượng nhà nuôi, cường độ âm thanh từ loa dẫn dụ chim yến đến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đến năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Thông tư 35 quy định tạm thời việc quản lý nuôi chim yến. Từ đó, một số vướng mắc trong lĩnh vực này dần được tháo gỡ.

Tuy vậy, hệ thống pháp lý về quản lý nghề nuôi chim yến và chất lượng sản phẩm tổ yến vẫn chưa đầy đủ, cho đến khi Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19-11-2018 và Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21-1-2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi cũng như các Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 mới giúp ngành nuôi yến và hoạt động kinh doanh tổ yến phần nào đi vào quy củ.

Vào năm ngoái, Trung tâm Kiểm định chất lượng yến sào Việt Nam đã được khánh thành tại huyện Cần Giờ, TPHCM. Theo cơ quan chủ quản là Bộ NN-PTNT, trung tâm cung cấp thông tin xác minh nguồn gốc yến sào cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế, cung cấp thông tin thị trường về giá mua bán yến sào Việt Nam. Bên cạnh đó, giúp các nhà yến phân loại và định giá sàn tổ yến trước khi đưa sản phẩm tham gia sàn đấu giá tổ yến tại Trung tâm Triển lãm yến sào Việt Nam.

Trung tâm nhằm cung cấp thông tin chính xác về sản lượng yến sào để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho ngành yến Việt Nam, hoàn thiện chuỗi sản xuất yến sào, chống lại chuyện bị ép giá.

Đồng thời, trung tâm giúp các nhà yến kiểm tra chất lượng tổ yến để có đầy đủ thông tin cải tiến kỹ thuật quản lý nhà yến, giúp các chuyên gia có đủ cơ sở dữ liệu khoa học để đưa ra phương án nâng cao chất lượng tổ yến, tránh rơi vào tình trạng bị ép giá. Dự kiến, từ 2021 đến 2025, trung tâm sẽ phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra 30.000 nhà yến từ Đà Nẵng đến Cà Mau.

Hiện tại, trung tâm đã xây dựng được phần mềm quản lý nhà yến theo mã định danh quốc gia. Đây là mã định danh cấp cho từng nhà yến đạt yêu cầu và sẽ theo suốt sản phẩm tổ yến cho đến tay người tiêu dùng nhằm quản lý sản phẩm theo chuỗi. Tuy nhiên, việc tham gia vào chuỗi này hiện cũng chỉ ở mức tự nguyện nên số lượng nhà yến tham gia chưa nhiều.

Chất lượng tổ yến được quy định tại Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 21-1-2020 của Chính Phủ: phải có màu sắc, mùi vị đặc trưng, không được chứa chất tẩy trắng. Ảnh: Nam Bình.

Còn về giá bán sản phẩm thì vẫn đang rất… vô chừng. Những nhà yến chưa đạt chuẩn dẫn đến tình trạng tổ yến có hàm lượng Nitrat cao, giá bán sẽ không cao. Giá tổ yến nguyên liệu tại nhiều nhà thường giao động 30-35 triệu đồng/kg, thế nhưng, giá tổ yến sau khi chế biến, xuất khẩu của Yến Quân có thể đạt đến 5.000 đô la Mỹ/kg (tương đương hơn 120 triệu đồng).

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNN), cũng nhận định dù phát triển mạnh, thị trường nhiều tiềm năng nhưng hoạt động kinh doanh, mua bán sản phẩm tổ yến vẫn chưa ổn định. Việc đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, vấn đề dịch bệnh chưa được nghiên cứu, kiểm soát nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Trọng, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục ban hành các quy định liên quan đến quy hoạch vùng nuôi, các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến chim yến, các quy trình kỹ thuật sơ chế, bảo quản sản phẩm tổ yến để đảm bảo an toàn sinh học và sức khỏe người tiêu dùng.

Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21-1-2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi quy định, tổ yến sau sơ chế phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật như màu sắc phải là trắng, trắng ngà, đỏ, hồng hoặc cam. Tổ yến phải có mùi vị đặc trưng, không có mùi lạ, không phát hiện tạp chất khi kiểm tra bằng kính hiển vi phóng đại 5-10 lần. Ngoài ra, các chỉ tiêu về kim loại nặng, protein, salmonellosis… cũng được quy định cụ thể, tùy từng chỉ tiêu. Đặc biệt, tổ yến phải không chứa chất tẩy trắng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới