Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều hãng hàng không trước nguy cơ bị ‘knock out’ bởi Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều hãng hàng không trước nguy cơ bị ‘knock out’ bởi Covid-19

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Sau 18 tháng chống chọi với tình hình tài chính nguy ngập, Flybe, hãng hàng không khu vực lớn nhất của Anh, quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì dính đòn “”knock out” của dịch virus corona chủng mới (Covid-19) nhưng không được chính phủ Anh giải cứu.

Nhiều hãng hàng không trước nguy cơ bị 'knock out' bởi Covid-19
Flybe, hãng hàng không khu vực lớn nhất của Anh, tuyên bố phá sản vì không được chính phủ Anh giải cứu giữa lúc nhu cầu đi lại hàng không giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Sky Australia

Nhiều hãng hàng không khác trên thế giới cũng đang khốn đốn, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản khi mà Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cảnh báo doanh thu vận tải hành khách của ngành hàng không toàn cầu có thể tổn thất đến 113 tỉ đô la do tác động của dịch bệnh này.

Chính phủ từ chối giải cứu giữa lúc nhu cầu giảm mạnh

Quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản của Flybe vào hôm 5-3 do nhu cầu đi lại hàng không lao dốc đưa hãng hàng không khu vực này trở thành một trong những doanh nghiệp lớn đầu tiên gục ngã trước sức tàn phá của dịch Covid-19.

Cú phá sản của một hãng hàng không có tuổi đời 41 năm và có các tuyến bay kết nối hầu như mọi sân bay tại Anh với những điểm đến quan trọng của châu Âu khiến 2.400 người có nguy cơ mất việc và hàng ngàn hành khách bị mắc kẹt khắp nơi trên thế giới.

Flybe vận chuyển 8 triệu hành khách mỗi năm giữa 71 sân bay ở Anh và châu Âu với 210 tuyến bay đến 15 nước. Flybe chiếm khoảng 40% số chuyến bay từ Anh đến các nước trong khu vực, vì vậy, rất dễ bị tổn thương khi nhu cầu trong nước suy yếu do tác động của dịch Covid-19.

Quyết định nộp đơn phá sản được đưa ra sau khi chính phủ Anh rút lui khỏi gói giải cứu đã nhất trí hồi tháng 1-2020. Về gói giải cứu này, Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đồng ý gói giải cứu Flybe hồi tháng 1 để duy trì sự kết nối khắp nước Anh cho 8 triệu hành khách mỗi năm. Nhưng hôm 5-3, chính phủ Anh rút lại nỗ lực giải cứu sau khi kết luận Flybe không đáp ứng các tiêu chí để được giải cứu.

Các chủ sở hữu của Flybe gồm hãng hàng không Virgin Atlantic, Công ty kỹ thuật dân dụng và hàng không Stobart Group và Quỹ đầu tư Cyrus Capital, cho biết họ đã rót hơn 135 triệu bảng (174 triệu đô la Mỹ) vào hoạt động kinh doanh của Flybe trong 14 tháng qua bao gồm cam kết đầu tư thêm 25 triệu bảng vào tháng 1.

Theo thỏa thuận giải cứu đạt được trong tháng 1, chính phủ Anh sẽ rót hỗ trợ tài chính cho Flybe bằng cách cho vay khoảng 100 triệu bảng, hoãn nộp thuế và điều chỉnh giảm thuế các chuyến bay trong nước.

Tuy nhiên, các hãng hàng không đối thủ kêu gọi chính phủ không nên hỗ trợ những hàng hàng không yếu kém, trong khi đó, các nhà vận động môi trường phàn nàn rằng bất cứ động thái nào giúp Flybe giảm chi phí bay cũng không phù hợp với mục tiêu giảm khí thải nhà kính của chính phủ Anh.

Virgin Atlantic và Stobart Group ra tuyên bố chung bày tỏ thất vọng với kết cục thất bại của thỏa thuận trên.

“Thật đáng buồn, dù tất cả các bên liên quan đã nỗ lực để xoay chuyển tình hình của Flybe nhưng tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động king doanh của Flybe khiến họ không còn cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính nữa”, bản tuyên bố nêu rõ.

Ngay cả hãng hàng không Virgin Atlantic cũng đang khốn đốn do dịch Covid-19. Virgin Atlantic là hãng hàng không đầu tiên của Anh hủy bỏ các chuyến bay đến Trung Quốc để rồi sau đó, tiếp tục chứng kiến nhu cầu suy giảm khắp toàn cầu khi dịch bệnh này lan rộng.

Hôm 4-3, Virgin Atlantic thông báo các biện pháp khẩn cấp gồm giảm lương của ban lãnh đạo, kêu gọi nhân viên nghỉ phép không lương sau khi chứng kiến lượng khách đặt vé giảm 50% trong những ngày gần đây. Hai hãng hàng không giá rẻ Ryanair (Ireland) và easyJet (Anh) đã dừng hàng trăm đường bay đến Ý và nhiều nước khác.

Các hãng hàng không lớn ở châu Âu như British Airways (Anh) Lufthansa (Đức), Norwegian Air Shuttle (Na Uy) đều cảnh báo rằng tác động của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không sẽ nghiêm trọng hơn cơn bùng phát dịch SARS (gây hội chứng suy hô hấp cấp) vào năm 2003.

Các hãng hàng không có thể tổn thất đến 113 tỉ đô la

Ông James Goodall, nhà phân tích ngành vận tải của Công ty môi giới chứng khoán lớn nhất châu Âu Redburn, nhận định cú sụp đổ của Flybe có thể mở đầu cho những cú sụp đổ tiếp theo của nhiều hàng hàng không khác trong năm 2020.

“Chúng tôi dự báo sức tàn phá nhu cầu đi lại hàng không của dịch Covid-19 sẽ khốc liệt hơn và chúng tôi tin rằng nhiều vụ phá sản của các hãng hàng không sẽ xuất hiện trong những tháng tới”, ông Goodall cho biết.

IATA dự báo doanh thu vận tải hành khách của các hãng hàng không trên toàn cầu có thể mất mát 113 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020. Ảnh: aviation24.be

Cách đây hơn hai tuần, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo các hãng hàng không toàn cầu đứng trước nguy cơ thiệt hại doanh thu lên đến 29,3 tỉ đô la Mỹ trong năm nay do nhu cầu đi lại hàng không sụt giảm mạnh trên toàn thế giới vì tác động của dịch Covid-19.

Nhưng khi dịch bệnh này lan nhanh và rộng khắp toàn cầu, IATA.dự báo một bức tranh đen tối hơn. Hôm 5-3, IATA nhận định các hãng hàng không trên toàn cầu có thể mất mát doanh thu vận chuyển hành khách từ 63-113 tỉ đô la trong năm 2020 tùy vào mức độ lây lan sắp tới của dịch Covid-19.

Con số 63 tỉ đô la được tính toán dựa vào kịch bản dịch Covid-19 sớm được khống chế ở những nước có từ 100 ca nhiễm virus trở lên (tính đến ngày 2-3). Qua đó, giúp hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không ở các nước này trở lại bình thường vào cuối mùa hè này hoặc đầu mùa thu.

Theo IATA, nếu dịch bệnh này tác động lớn đến nhu cầu đi lại hàng không ở tất cả nước đang có 10 ca nhiễm trở lên, con số doanh thu hành khách bị mất mát sẽ lên tới 113 tỉ đô la.

Tại cuộc họp báo ở Singapore, ông Brian Pearce, nhà kinh tế trưởng của IATA cho biết: “Ngành vận tải hàng không vẫn rất dễ vỡ. Có rất nhiều hãng hàng không hoạt động với biên lợi nhuận tương đối mỏng và dựa vào rất nhiều nợ nần. Điều này có thể khiến một số hãng rơi vào tình huống thực sự ngặt nghèo”.

Theo nhận định của IATA, các hãng hàng không ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc sẽ hứng đòn nặng nhất. Lượng hành khách sụt giảm mạnh do tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 sẽ kiểm định khả năng sống sót trong dài hạn của nhiều hãng hàng không ở châu Á vốn đang chống chọi một loạt khó khăn khác.

Chịu tổn thương lớn nhất sẽ là những hãng hàng không phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc như Cathay Pacific (Hồng Kông), AirAsia (Malaysia), Scoot Tigerair (Singapore), Philippine Airlines (Philippines) và Garuda Indonesia (Indonesia).

Cụ thể, Cathay Pacific Airways đã hủy ¾ số chuyến bay hàng tuần đến Trung Quốc trong tháng 3. Hàng nãy cũng yêu cầu 33.000 nhân viên nghỉ phép không lương 3 tuần trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6.

Tháng trước, hãng hàng không Hong Kong Airlines sa thải 170 nhân viên, hầu hết là tiếp viên hàng không để cắt giảm chi phí.

AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á, buộc phải dừng các chuyến bay đến các thị trường quan trọng khắp khu vực gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Giữa lúc dịch Covid-19 đang lan rộng AirAsia ghi nhận lỗ 384,5 triệu ringgit (92 triệu đô la) trong quí kết thúc vào cuối tháng 12-2019.

Hãng hàng không Philippine Airlines sẽ đối mặt tổn thất tài chính nặng nề do các phương án hạn chế đi lại từ Trung Quốc. Tuần trước, hãng đã quyết định sa thải 300 nhân viên. Philippine Airlines rơi vào tình trạng kinh doanh thu lỗ kể từ năm 2017 và mức lỗ nới rộng lên 208 tỉ đô la vào năm ngoái.
Philippine Airlines đã hủy 69 chuyến bay hàng tuần đến Trung Quốc bao gồm Hồng Kông và Macao và 17 chuyến bay hàng tuần đến Hàn Quốc.

Dịch Covid-19 cũng đang khiến các hãng hàng không ở Indonesia, bao gồm hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia, khốn đốn khi họ buộc phải dừng các chuyến bay đến Trung Quốc và  Saudi Arabia, hai điểm đến nước ngoài hàng đầu của người dân Indonesia
Bộ Giao thông Vận tải Indonsia đã cấm các chuyến bay đến Trung Quốc. Trong khi đó, để ngăn ngừa dịch Covid-19, Saudi Arabia cấm các chuyến hành hương đến nước này của người Hồi giáo từ 16 nước bao gồm Indonesia, nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới.

Trung tâm hàng không châu Á-Thái Bình Dương (CAPA) cho biết trong tháng 2 vừa qua, công suất ghế quốc tế từ Trung Quốc đã giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong lúc đó, công suất này giảm 20% ở Nhật Bản và khoảng 10% ở Malaysia. Công suất ghế quốc tế từ Hàn Quốc giảm 20% nhưng trong thời gian tới, mức giảm công suất này sẽ còn tồi tệ hơn khi dịch Covid-19 đang lây lan mạnh ở Hàn Quốc. Điều này khiến 99 nước và vùng lãnh thổ hạn chế nhập cảnh hoặc thực hiện biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với  khách đến từ Hàn Quốc.

Theo CNBC, BBC, Nikkei Asian Review
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới