Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều hoạt động vui xuân tại TPHCM, Hà Nội  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều hoạt động vui xuân tại TPHCM, Hà Nội  

Thắt cào cào bằng lá dừa – Ảnh: Hữu Thắng

(TBKTSG Online) – Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM sẽ tổ chức chương trình vui xuân Mậu Tý từ ngày 27-1 đến 11-2 (tức 20 tháng Chạp Đinh Hợi đến mùng 5 Tết Mậu Tý) trong khuôn viên nhà văn hóa và trên lề đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai.

Chương trình sẽ gồm 14 loại hình hoạt động, gồm khu phố ông đồ, phố lưu niệm, liên hoan Lân-Sư-Rồng, triển lãm ảnh đẹp mùa xuân và báo xuân, chương trình ca nhạc Vòng tay bè bạn, triển lãm ảnh kỷ niệm 40 năm Tết Mậu Thân; lễ hội bánh chưng – bánh dày – bánh tét, chương trình thanh niên công nhân vui đón Tết, chương trình Sống cùng âm nhạc, giải cầu mây truyền thống; lập kỷ lục Guiness dân gian; biểu diễn cờ người; chương trình đêm hội cười; lễ hội Đống Đa, và hội diễn võ dân tộc.

Phố ông đồ được tổ chức từ 9giờ đến 22giờ ngày 27-1 tới 6-2 (từ 20 đến 30 tháng Chạp) trên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai, với các nhà thư pháp trong trang phục “ông đồ”, ngồi trên sạp tre trải chiếu, viết các câu đối Tết, các câu thơ, và các câu chúc đầu Xuân bằng thư pháp Việt trên giấy dó, gỗ, lụa, laminate, đá… theo yêu cầu của khách hàng và bán các bức thư pháp viết sẵn.

Phố lưu niệm được tổ chức từ 9 giờ đến 22 giờ ngày 27-1 tới 6-2 (từ 20 đến 30 tháng Chạp) trên lề đường Phạm Ngọc Thạch, với các nghệ nhân ngồi trên 30 sạp tre trải chiếu, bán các loại tranh cát có hình ảnh Tết, phong cảnh quê hương… và làm theo đơn đặt hàng của khách.

Thi đấu biển diễn cờ người, được tổ chức từ 19 giờ đến 21 giờ ngày 9-2 (mùng 3 Tết) tại sân 37 của nhà văn hóa, với 32 quân cờ thi đấu trên sân là 32 vận động viên võ cổ truyền môn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà v.v.

Múa sạp Thái – Ảnh: nguồn Bảo tàng Dân tộc học

* Tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Quỹ Đan Mạch hỗ trợ văn hoá vùng và dân tộc ít người sẽ tổ chức chương trình vui xuân Mậu Tý trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết (tức 10 và 11-2). Du khách đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dịp này không chỉ tham quan những sắc thái văn hoá đa dạng, phong phú của các dân tộc, mà còn được giao lưu và trải nghiệm qua những trò chơi dân gian, xem múa lân – rồng, đốt pháo bông, múa rối nước, thưởng thức ẩm thực dân tộc, nghệ thuật thư pháp…

Đặc biệt, lần đầu tiên tại Hà Nội, người Pà Thẻn đến từ tỉnh Hà Giang trình diễn lễ hội “nhảy lửa”, một tập tục cổ truyền độc đáo. Bên cạnh đó là điệu múa sạp của người Thái, múa khèn của người Mông. Du khách cũng có dịp thưởng thức món ăn của người Thái đến từ Sơn La.

THU HÀ tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới