(KTSG Online) – Việc thu phí xét nghiệm Covid-19 có nhiều nội dung chưa rõ ràng, bất hợp lý, khiến người xét nghiệm phải trả chi phí cao hơn, theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra nhiều khoản thu – chi bất hợp lý trong phòng chống dịch Covid-19.
- Các đơn vị, địa phương chi hơn 2.100 tỉ đồng mua kit xét nghiệm của Việt Á
- Thanh tra việc mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 ở Bộ Y tế, Hà Nội và TPHCM
Các nội dung trên được ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III thông tin tại buổi họp báo công bố Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ” chiều 1-7.
Theo ông Lâm, tổng nguồn phân bổ, sử dụng năm 2020 và 2021 là 351.177,6 tỉ đồng, nhưng việc lập dự toán còn thiếu thuyết minh, chưa đầy đủ cơ sở. Việc phân bổ, giao dự toán chưa phù hợp với dự toán được Thủ tướng giao.
Ngoài ra, việc phân bổ trang thiết bị, vật tư chưa có căn cứ cụ thể. Còn tài liệu, hồ sơ với hiện vật được tài trợ, viện trợ chưa đầy đủ.
Thậm chí, việc phân bổ còn thiếu thủ tục hoặc chưa đúng quyết định của cơ quan có thẩm quyền; phân bổ thuốc với số lượng lớn không sử dụng hết dẫn đến quá hạn.
Với hoạt động quản lý và sử dụng kit test, đại diện KTNN cho biết một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư và kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau nhưng có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả… hoặc thiếu thông tin chi tiết chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061,8 tỉ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị.
Cơ quan này đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương trong ngày 8-4-2022 và 27-4-2022.
Về chi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, việc chi chế độ phụ cấp phòng, chống dịch cho đối tượng huy động tham gia phòng, chống còn tình trạng chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định với số tiền 79,7 tỉ đồng. Ngoài ra, chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định với số tiền 17,5 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, chưa chi trả kịp thời kinh phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và các đoàn công tác hỗ trợ địa phương với số tiền 18,2 tỉ đồng và 113,5 tỉ đồng.
Về chi phí cách ly y tế, một số bộ ngành, địa phương còn tình trạng chi cách ly y tế trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định với số tiền 6,4 tỉ đồng; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định với số tiền 26,9 tỉ đồng; chi trả cho các đối tượng cách ly y tế chưa kịp thời với số tiền 3,3 tỉ đồng.
Về thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh với ngân sách, một số bệnh viện chi trùng, chưa đúng quy định của Bộ Y tế với số tiền 1,45 tỉ đồng; quyết toán với NSNN một số khoản chi chưa phù hợp; chưa quyết toán được với NSNN với số tạm xác định là 1.575,8 tỉ đồng.
Ngoài ra, một số đơn vị chi vượt định mức, sai nguồn, không đúng dự toán, không đảm bảo quy định với số tiền 30,1 tỉ đồng; chưa đủ hồ sơ quyết toán với số tiền 7,85 tỉ đồng.
Về chi phí cách ly y tế, một số bộ ngành, địa phương cho thấy còn tình trạng chi cách ly y tế trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định 6,4 tỉ đồng; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định 26,9 tỉ đồng; chi trả cho các đối tượng cách ly y tế chưa kịp thời 3,3 tỉ đồng.
Về thu dịch vụ xét nghiệm, KTNN cho biết việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật xét nghiệm SARS-CoV-2 chưa đầy đủ, phù hợp hoặc thiếu nhất quán. Bộ Y tế cũng chưa ban hành hướng dẫn về lấy mẫu gộp với xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình mới mà các địa phương đang thực hiện nhằm tiết kiệm chi phí.
Nhiều địa phương chưa xây dựng giá dịch vụ xét nghiệm SAR-CoV-2 hoặc ban hành không đúng thẩm quyền, quy định của Bộ Y tế, dẫn tới chưa có cơ sở xác định giá đặt hàng từ NSNN.
Về mức thu dịch vụ xét nghiệm, một số cơ sở y tế thu cao hơn mức quy định của Bộ Y tế với số tiền 58,72 tỉ đồng. Trong đó đã nộp thuế TNDN, nộp vào NSNN hoặc trả lại người xét nghiệm 925,2 triệu đồng.
Có đơn vị chưa kịp thời điều chỉnh đơn giá thu theo đơn giá Bộ Y tế hoặc đơn giá của Sở Tài chính, bệnh viện đã ban hành, dẫn đến thu cao hơn 2,26 tỉ đồng.
Theo ông Vũ Văn Họa, Phó tổng KTNN, phân tích báo cáo tại các đơn vị,cho thấy việc mua sắm diễn ra theo từng thời gian, thời điểm khác nhau, với mức giá dao động rất lớn. Cụ thể, mức thấp nhất là 300.000 đồng một kit test, nhưng có nơi lên tới 1 triệu đồng.
Về tình hình thực hiện xét nghiệm, việc tổ chức xét nghiệm tầm soát cộng đồng bằng kỹ thuật RT-PCR có tần suất, số mẫu cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 7-8-2021; chưa thực hiện gộp mẫu đúng theo kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cộng đồng của địa phương và Quyết định số 1817/QĐ-BYT ngày 7-4-2021 của Bộ Y tế.
Với những vấn đề trên, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 3.431,2 tỉ đồng và xử lý khác 3.358,5 tỉ đồng.
Cơ quan này cũng đề nghị chấm dứt việc ban hành, áp dụng mức thu chưa tuân thủ theo các văn bản quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế....