(KTSG Online) – Thêm nhiều ngân hàng công bố gói giảm lãi suất với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới từ nay đến cuối năm.
- NHNN sẽ hạn chế tín dụng nếu ngân hàng giảm lãi suất không thực chất
- TPHCM đẩy mạnh giải ngân gói vay 0% lãi suất trả lương ngừng việc
Sau lần công bố giảm lãi suất đồng loạt vào cuối tháng 7, nhiều nhà băng mới đây lại công bố thêm gói giảm lãi suất, cho vay ưu đãi mới.
Giảm lãi suất từ 0,5-1,5%/năm
Chẳng hạn, Vietcombank công bố thực hiện đợt giảm lãi suất thứ tám kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu. Theo đó, chương trình giảm lãi suất kéo dài từ ngày 18-8 đến cuối năm, áp dụng cho tất cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân tại 19 tỉnh, thành phố phí Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngân hàng sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất đối với tất cả các khoản dư nợ tại TPHCM và tỉnh Bình Dương, giảm 0,3%/năm với các địa phương còn lại.
Chương trình này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, kinh doanh bất động sản hay các khoản vay thế chấp giấy tờ có giá. Những khách hàng đã tham gia đợt giảm lãi suất lần thứ bảy từ ngày 15-7 công bố trước đó, cũng có thể tham gia tiếp lần này nếu đủ kiều kiện.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) mới đây cho biết sẽ hỗ trợ lãi suất từ 0,5-1,5%/năm tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài ra, các khách hàng giải ngân mới thuộc đối tượng ưu tiên, sẽ được áp dụng biểu lãi suất mới với mức thấp hơn 0,5-1% so với trước đây.
Theo ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành, khách hàng không cần ký kết các văn bản và đề nghị gì với MB, ngân hàng sẽ thực hiện giảm ngay lãi suất cho nhóm khách hàng ưu tiên. Ước tính có khoảng 70.000 tỉ đồng dư nợ được hưởng chính sách này.
Trong tuần trước, một ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank công bố bổ sung gói cho vay ưu đãi quy mô 20.000 tỉ đồng với lãi suất từ 4%/năm, dành cho các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Đại diện Vietinbank cho biết ngân hàng tiếp tục tăng cường hỗ trợ một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hiện nay như dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ; lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải; hàng tiêu dùng thiết yếu.
Trước đó, trong đợt giảm lãi suất tháng 7, Vietinbank cho biết đã thực hiện giảm lãi suất cho vay lên tối đa 1,0%/năm đồng loạt đối với tất cả các khoản dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói cho vay ưu đãi mới lần này đã nâng tổng quy mô các gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150.000 tỉ đồng.
Một “ông lớn” khác là BIDV cũng công bố sẽ giảm lãi suất với các khoản vay hiện hữu từ nay đến hết ngày 31-12-2021, đồng thời triển khai gói vay mới dành cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam với tổng ngân sách 1.000 tỉ đồng.
Cụ thể, ngân hàng công bố gói 800 tỉ đồng để giảm 0,5 -1,5%/năm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15-7-2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Các khách hàng đã từng được áp dụng các chính sách lãi suất cho vay ưu đãi khác vẫn tiếp tục được BIDV hỗ trợ trong chương trình này.
Mức giảm sẽ tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort…..
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng triển khai gói tín dụng quy mô 30.000 tỉ đồng áp dụng cho khoản vay ngắn hạn (tối đa 12 tháng) với mức lãi suất thấp hơn 1,5%/năm so với thông thường.
Giảm lãi 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất
Trong lần giảm lãi suất lần thứ tám này, Vietcombank cho biết ước tính thu nhập lãi sẽ giảm khoảng 1.000 tỉ đồng, nâng tổng số thu nhập mất đi vì giảm lãi lên 7.100 tỉ đồng trong năm nay. Trước đó, tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong sáu tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỉ đồng.
Còn BIDV cho biết tính trong 7 tháng đầu năm, ngân hàng đã hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam khoảng trên 500 tỉ đồng. Dự kiến năm nay nguồn lực hỗ trợ khoảng 1.500 tỉ đồng.
Đại diện Ngân hàng MB cho biết trong 5 tháng cuối năm, MB sẽ giảm 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất. Tính đến giữa tháng 8, ngân hàng đã giảm 400 tỉ đồng số tiền lãi lũy kế đến cuối năm. Ước cuối tháng 8 con số có thể giảm thêm 300 tỉ đồng nữa. Phần còn lại sẽ thực hiện trong các tháng còn lại của năm.
Còn Vietinbank ước tính số tiền hỗ trợ trong 6 tháng cuối năm là khoảng trên 2.000 tỉ đồng, cả năm ước lên trên mức 6.000 tỉ đồng.
Từ khi dịch Covid-19 diễn ra đến nay tính đến cuối tháng 6 vừa qua, Vietinbank đã hạ lãi suất cho gần 7.500 khách hàng (tổng dư nợ đang được miễn giảm lãi suất là 260.000 tỉ đồng), với số tiền thực hạ gần 4.000 tỉ đồng. Số tiền nhiều loại phí miễn giảm cũng lên đến 500 tỉ đồng.
Cần hỗ trợ thực chất
Vào đầu tháng 7, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hiệp hội Ngân hàng và 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất, với tổng cam kết đưa ra là 20.300 tỉ đồng lợi nhuận.
Riêng bốn ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước đưa ra cam kết hỗ trợ thêm mỗi ngân hàng 1.000 tỉ đồng cho các địa phương như TPHCM, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Chương trình đồng thuận giảm lãi suất được đưa ra trong bối cảnh ngân hàng báo lãi lớn gây phản cảm đối với các doanh nghiệp, người dân. Nhiều người phản ánh các ngân hàng lãi cao nhưng không chịu giảm lãi suất, giãn nợ để hỗ trợ, hoặc các chương trình chỉ công bố cho có, không thực chất.
Lãnh đạo NHNN mới đây cũng khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất theo sự đồng thuận đã được công bố dưới nhiều hình thức. Các ngân hàng sẽ phải báo cáo mỗi tháng xem có thực sự thực hiện và thực hiện giảm được bao nhiêu.
Giảm lãi suất là một trong những phương án mà ngân hàng thực hiện, bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, khoản lãi đến hạn, hay không chuyển nhóm nợ. Thống kê từ khi dịch bùng phát đến nay, tính chung tất cả các khoản đã giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới theo thống kê sơ bộ, tổng số khoãn lãi đã được giảm bớt cho doanh nghiệp khoảng 18.830 tỉ đồng.