Thứ tư, 14/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều nghịch lý từ chuyện “giải cứu” nông sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều nghịch lý từ chuyện “giải cứu” nông sản

Bùi Trinh

(TBKTSG) - Không cần đợi đến khi dịch Covid-19 bùng phát, chuyện “giải cứu” nông sản đã trở nên quá quen thuộc trong những năm qua mỗi khi quan hệ biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc gặp trục trặc. Những “giải cứu” này mang nặng tính tình cảm hơn là một giải pháp căn cơ.

"Giải cứu" mãi đến bao giờ!

Nông sản Việt sang Trung Quốc “tê liệt” theo virus Corona

Nhiều nghịch lý từ chuyện “giải cứu” nông sản
Giải cứu dưa hấu tại TPHCM. Ảnh Thành Hoa

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhằm tháo gỡ những vướng mắc của các sản phẩm nông nghiệp dường như đã nhìn thấy những giải pháp đúng đắn và bền vững cho phát triển nông nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng “xuất khẩu tươi là hướng đi quan trọng nhưng chế biến sản phẩm nông nghiệp quan trọng hơn...”. Đây là ý tưởng phù hợp với nghiên cứu từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam qua các giai đoạn.

Giả thiết bảng cân đối liên ngành năm 2007 đại diện cho cấu trúc kinh tế của TPHCM trong giai đoạn 2005-2010, năm 2012 đại diện cho giai đoạn 2010-2015, và năm 2016 đại diện cho giai đoạn 2015-2020, chúng ta thấy cấu trúc chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của ba giai đoạn này có sự thay đổi. Trong đó, giai đoạn 2005-2010 tỷ lệ này là 67%, giai đoạn 2010-2015 là 67,8% và giai đoạn 2015-2020 khoảng 70%.

Nếu đặt nguồn lực vào đúng chỗ bắt đầu ngay từ năm 2020, Việt Nam hoàn toàn có thể vào tốp 10 thế giới về chế biến nông sản như mong muốn của Chính phủ.

Nghiên cứu cho thấy giai đoạn 2005-2010 nhu cầu cuối cùng của các sản phẩm nông nghiệp không lan tỏa nhiều đến phía cung. Hầu hết các tiểu ngành trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản đều có chỉ số lan tỏa nhỏ hơn mức bình quân chung của nền kinh tế.

Nhưng đến giai đoạn 2010-2015 và 2015-2020 có hai nhóm tiểu ngành trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản lan tỏa đến phía cung cao hơn mức bình quân chung của nền kinh tế là chăn nuôi và thủy sản.

Một điều thú vị là trong cả giai đoạn từ 2005-2020, hầu hết các nhóm ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản như xay xát và sản xuất bột; sản phẩm chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản chế biến, bảo quản; rau quả chế biến đều có chỉ số lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm cao hơn mức bình quân của nền kinh tế.

Ngoài ra, những ngành làm đầu vào cho nông nghiệp như thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, phân bón, thuốc trừ sâu, công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp... sẽ được kích thích mạnh mẽ khi nhóm ngành nông, lâm, thủy sản phát triển.

Sự liên kết ngành giữa công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản với sản phẩm nông, lâm, thủy sản và các ngành đầu vào của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản là mạnh mẽ nhất trong các ngành kinh tế đến cấp II.

Hơn nữa, tính toán từ bảng cân đối liên ngành cho thấy đầu tư, cầu tiêu dùng của hộ gia đình và nhu cầu đầu vào của nhóm ngành công nghiệp chế biến nông sản lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản cao nhất trong các nhân tố của cầu (bao gồm tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất khẩu), trong khi xuất khẩu lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nhóm ngành này thấp nhất.

Điều này hàm ý rằng, các chích sách về quản lý cầu cần hướng tới nhân tố nào của cầu lan tỏa đến giá trị gia tăng cao nhất. Sản phẩm nông, lâm, thủy sản bán trong nước có lợi hơn xuất khẩu, nhưng mọi chính sách đều hướng vào xuất khẩu phải chăng là nghịch lý?

Từ những kết quả nghiên cứu, có thể thấy, nhóm ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp cần được phát triển ở những vùng có nguồn nguyên liệu nhằm làm tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp.

Một trong những lý do khiến hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản thấp là do có quá nhiều khâu trung gian trong quản lý, đặc biệt là các hiệp hội. Các hiệp hội này tuy gọi là hiệp hội nhưng trong nhiều trường hợp lại mang tính quản lý nhà nước. Những quyết định của hiệp hội không ít lần làm người nông dân điêu đứng.

Như vậy, nếu đặt nguồn lực vào đúng chỗ bắt đầu ngay từ năm 2020, Việt Nam hoàn toàn có thể vào tốp 10 thế giới về chế biến nông sản như mong muốn của Chính phủ. Nếu nguồn lực (đặc biệt nguồn lực chính sách) không được đặt vào đúng chỗ, ưu tiên những điểm (ngành, hoặc các yếu tố của cầu) không đáng ưu tiên, thì nông sản Việt Nam luôn luôn phải giải cứu mỗi khi có biến cố dù lớn hay nhỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới