Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều người lên thành phố vì không có việc làm ở quê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều người lên thành phố vì không có việc làm ở quê

An Sơn

Nhiều người lên thành phố vì không có việc làm ở quê
Người dân di cư ra thành phố mới mong muốn tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn ở quê chiếm đến hơn 60% tổng số mẫu điều tra. Ảnh: S.N

(TBKTSG Online) – Hơn 60% số người di cư rời quê hương lên thành phố do họ không hài lòng với công việc và mức thu nhập ở quê, hy vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ở thành phố. Cứ bốn người di cư thì có một người đi do gia đình thiếu đất canh tác hoặc thiếu việc làm hay thất nghiệp lâu năm.

Đây là kết quả điều tra mới nhất mà Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) công bố trong báo cáo “Từ nông thôn ra thành phố, tác động kinh tế xã hội của di cư ở Việt Nam”.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, đã có 37% người di cư ra thành phố đã tìm được việc làm tốt hơn so với lúc còn ở quê hương. Và có 23,3% người dân phải di cư ra thành phố vì không có việc làm và phương tiện sản xuất (đất đai) ở nơi ở cũ. Người dân di cư ra thành phố với mong muốn tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn ở quê chiếm đến hơn 60% tổng số mẫu điều tra.

Cũng theo kết quả này, sau lý do kinh tế là giáo dục, với 13,3% tổng số người di cư ra thành phố để học tập. Rõ ràng giáo dục không chỉ là một yếu tố của chọn lọc di cư như đã nêu ở trên mà còn là nguyên nhân trực tiếp của di cư. Thực tế thì nhiều người di cư sau khi học xong đã quyết định ở lại để sống và làm việc ở thành phố chứ không trở lại quê hương, khi khoảng cách về cơ hội và điều kiện sống giữa các khu vực thành thị và nông thôn ngày càng gia tăng.

Các lý do di cư khác chiếm tỷ lệ không đáng kể, bao gồm các vấn đề gia đình (hôn nhân, đoàn tụ gia đình, sống với người thân) chiếm 3,5%. Một số ít người (gần 3%) di cư do bị thu hút bởi lối sống đô thị. Người di cư không có ý định định cư lâu dài ở thành phố mà vẫn giữ đất đai canh tác ở quê và tham gia các hoạt động nông nghiệp, nhưng vẫn có thể ra thành phố tìm việc làm tạm thời trong các dịp nông nhàn. Tình trạng này giải thích cho tỷ lệ di dân do thiếu công ăn việc làm và đất canh tác ở quê nhà.

Dữ liệu nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội  thu thập thông qua một cuộc điều tra chọn mẫu tại 4 tỉnh gồm Thái Bình (miền Bắc) và Tiền Giang (miền Nam) là 2 tỉnh có nhiều người di cư ra thành phố; Hà Nội và TPHCM là 2 thành phố đông người nhập cư nhất trong cả nước. Mẫu phân tích của nhóm nghiên cứu bao gồm 1.702 người đi từ 1.199 hộ gia đình di cư; và 671 hộ gia đình không di cư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới