Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

 Nhiều nhà cổ Hội An sang tay chủ mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

 Nhiều nhà cổ Hội An sang tay chủ mới

Một góc phố cổ Hội An – Ảnh: Hồ Hùng.

(TBKTSG Online) – Chị Đỗ Thị Ngọc Uyển, cán bộ văn phòng Tư vấn tu bổ di tích và Thông tin di sản Hội An nói: “Chỉ riêng trên con đường Trần Phú, hiện đã có 23%, tương đương khoảng 126 di tích đã bị sang bán. Luật không cấm bởi đó là những căn nhà thuộc sở hữu tư nhân”.

Bà Phan Thị Trinh, chủ một cửa tiệm trên đường Trần Phú, con đường trung tâm của phố cổ Hội An (Quảng Nam) cho biết: “Trong khu phố này, nhiều căn nhà cổ đã được mua đi bán lại”. Giá một căn nhà nhỏ thấp, ngang chừng bốn mét, dài độ tám mét, theo bà Trinh giá thị trường ước khoảng ba tỷ đồng.

Chị Ngọc Uyển giải thích, có những căn nhà đã trải qua nhiều thế hệ, con đàn cháu đống đầy nhà, nên khi nhu cầu mưu sinh bức bách khiến các chủ nhân phải bán đi để chia ra lấy vốn sinh nhai. “Một căn vài tỷ đồng là có người mua liền. Cũng có người ở Hội An mua, nhưng cũng có người ở tận Hà Nội, Huế vào mua”, chị nói. Theo một số người khác ở đây, cũng có trường hợp do con cháu chủ nhà – thuộc lớp trẻ, muốn sống trong những căn nhà hiện đại, tiện nghi hơn – đã quyết định bán nhà cổ của cha ông để tìm mua nhà mới.

Hiện tại, khu phố cổ chỉ gồm ba con đường chính nhưng có tới 52 điểm bán hàng lưu niệm, 140 hiệu vải và 39 cửa hàng ăn. Chính các chủ nhân mới của những căn nhà cổ đã góp phần làm gia tăng số lượng các cửa hàng, cửa hiệu này; bởi họ mua nhà ở đây là để tìm cơ hội kinh doanh chứ không phải để bảo tồn di tích hay mục đích nào khác.

Từ khi phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới và trở nên nổi tiếng, người dân địa phương đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh, khai thác thế mạnh du lịch góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đồng thời vùng “đất hứa” này cũng thu hút nhiều nhà đầu tư khắp nơi đến tìm cơ hội làm ăn.

Liệu rồi đây, sắc thái văn hóa của phố cổ sẽ ra sao khi cơ cấu dân cư có nhiều thay đổi?! Bởi Hội An được công nhận là di tích văn hóa không chỉ vì nơi ấy tồn tại những căn nhà cổ mà còn cần giữ được bản sắc văn hóa địa phương trong đời sống vật chất cúng như tinh thần của cư dân địa phương.

“Chúng tôi có nghĩ đến điều đó, nên đang có đề xuất UBND thành phố Hội An xuất kinh phí để mua những căn phố dạng ấy, sau đó cho chủ nhà thuê lại kinh doanh tiếp để cố giữ nếp sống Hội An”, chị Uyển cho biết.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới