Thứ ba, 3/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều nhà đầu tư ngoại ‘để ý’ mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Ngọc Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu. Với tiềm năng phong phú về năng lượng tái tạo, Việt Nam đang dần thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, mở ra triển vọng mới cho lĩnh vực này.

Đó là những thông tin nổi bật mà KTSG Online ghi nhận được tại triển lãm Energy Taiwan và Net Zero Taiwan 2024, được tổ chức từ ngày 4 đến 6-10 tại Trung tâm Triển lãm Nangang Đài Bắc (Đài Loan).

Đại diện doanh nghiệp giới thiệu mô hình hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái đến khách hàng. Ảnh: TAITRA

Cơ hội đã mở

Chuyển dịch năng lượng sạch đã trở thành xu thế không thể đảo ngược trong bối cảnh thế giới hướng đến phát triển bền vững. Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự kiến đến năm 2024, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 30% trong tổng cơ cấu sản xuất điện toàn cầu. Cơ cấu các nguồn điện trên toàn thế giới được ước tính hiện nay là điện than chiếm 36,6%, điện dầu 2,8%, điện hạt nhân 10,7%, điện khí 23,5% và năng lượng tái tạo 26,4%.

Tính đến thời điểm này, đã có 148 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết net-zero-phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, trong đó có Việt Nam và Đài Loan. Việc chuyển dịch năng lượng xanh là một trong những chìa khóa để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Tại họp báo triển lãm Energy Taiwan và Net Zero Taiwan 2024, ông Chun-Li Lee, phó tổng giám đốc, Cục Năng lượng, Bộ Kinh tế, Đài Loan, cho biết lãnh thổ này tính toán, vào năm 2050, nguồn năng lượng tái tạo phải chiếm đến 60-70% tổng nguồn cung năng lượng. Số còn lại có từ 9-12% nguồn cung năng lượng đến từ năng lượng hydro và khoảng 20% còn lại đến từ năng lượng hóa thạch.

Theo ông, hai vấn đề cốt lõi của chuyển đổi năng lượng là đa dạng hóa nguồn năng lượng xanh và tăng cường các giải pháp lưu trữ năng lượng. Ngoài việc tập trung vào điện mặt trời, điện gió, lãnh thổ này còn đẩy mạnh phát triển địa nhiệt, năng lượng biển, hydrogen và năng lượng sinh khối. Cùng với đó, Đài Loan cũng thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển các giải pháp bảo tồn năng lượng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.

Việt Nam cũng đã có những chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sách. Trong đó, vào năm ngoái, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Quy hoạch điện VIII định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%; kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn…

Các cam kết về giảm phát thải ròng và sự chuyển động trong các kế hoạch phát triển năng năng lượng tái tạo không chỉ tạo nền tảng cho phát triển bền vững mà còn mở ra nhiều cơ hội đầu tư. Với Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tính toán các kế hoạch thâm nhập thị trường.

Tại triển lãm năng lượng tái tạo vừa rồi ở Đài Loan, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời nhận định, thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là thị trường mới nổi và hứa hẹn phát triển nhanh trong tương lai.

Ông Tim McBride, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Powerwall, APAC, Tesla, cho biết Tesla vẫn tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững và sẽ tiến hành khảo sát tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á.

Trong khi đó, ông Steven Lin, đại diện Voltronic Power, cho biết doanh nghiệp đã đầu tư chi nhánh tại Việt Nam. Chi nhánh này tập trung vào thiết kế, sản xuất, tiếp thị và giới thiệu dòng sản phẩm cung cấp năng lượng, bộ hòa lưới và sản phẩm năng lượng mặt trời.

Với TAIYA Renewable Energy, Jerry Lee, Giám đốc điều hành, tiết lộ doanh nghiệp đang từng bước mở thị trường trên toàn cầu và sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam. “TAIYA Renewable Energy sẽ hợp tác với các công ty ở Việt Nam để sản xuất cánh quạt và tuabin điện gió”, ông nói.

Tạo bệ đỡ cho nhà đầu tư

Trao đổi với KTSG Online bên lề triển lãm trên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, Việt Nam cần có các cơ chế, chính sách rõ ràng hơn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy dòng vốn nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong cuộc phỏng vấn bên lề sự kiện, đại diện Tesla cho biết khi khảo sát các thị trường mới, Tesla chú trọng đến việc đánh giá nhu cầu thực tế của thị trường, cân nhắc các yếu tố như giá điện, chi phí đầu vào, sự cố điện và chính sách của từng quốc gia. Cùng với đó, chất lượng lao động cũng là yếu tố thiết yếu trong việc đánh giá kế hoạch tham gia thị trường, đặc biệt là với các ngành công nghệ cao.

Ông Hao-Wei Chiu, đại diện Deutsche Windtechnik, cũng cho rằng một trong những yếu tố chính cần xem xét trước khi doanh nghiệp đầu tư vào một quốc gia là chất lượng lao động. “Đối với ngành công nghiệp gió, đặc biệt là năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi, sự có mặt của đội ngũ kỹ thuật viên có kinh nghiệm và chi phí lao động hợp lý là điều cần thiết", ông nói và cho rằng, chính sách hỗ trợ từ chính phủ cũng là một yếu tố rất quan trọng với nhà đầu tư. Các điểm đến có chính sách rõ ràng và mạnh mẽ sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ông Vũ Văn Hoan, Tổ phó Tổ kết cấu Xây dựng tại PTSC M&C, một trong những doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm vừa qua tại Đài Loan, cho biết điều mà doanh nghiệp đang rất cần là cơ chế chính sách thông thoáng hơn. Nhà nước cũng cần đưa ra phương hướng phát triển điện gió rõ ràng, có cam kết hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển chuỗi cung ứng cho ngành. "Thị trường và chuỗi cung ứng hiện tại đang rất lớn, một vài đơn vị nhỏ lẻ không thể tự mình triển khai được,” ông nói.

Cùng quan điểm trên, đại diện văn phòng Akrocean tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo nhưng cần thêm các chính sách để biến tiềm năng thành cơ hội thực sự để đầu tư. Chẳng hạn, hiện quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt nhưng cần có khung chính sách và quy định rõ ràng để triển khai. Bên cạnh đó, các chính sách và quy định pháp lý đường biển cũng cần được chi tiết hơn để giảm rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư.

Các yêu cầu của nhà đầu tư về cơ chế, về nguồn nhân lực đạt chuẩn càng được đáp ứng nhanh thì dòng vốn vào mảng năng lượng tái tạo càng dễ "chảy mạnh".

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới