(KTSG) - Giá nguyên vật liệu tăng cao là vấn đề toàn cầu. Nhưng với các nước phát triển, bài toán nhân lực ngành xây dựng khó giải quyết hơn. Đây có thể xem như một cơ hội cho ngành xây dựng Việt Nam.
Vào tháng 9-2021, công ty xây dựng nhà ở lớn nhất nước Mỹ - DR Horton - công bố cắt giảm số lượng nhà sẽ xây so với dự kiến trong năm nay. Doanh nghiệp này không thể hoàn thành nhà nhanh bởi nhân lực thiếu hụt, vật liệu xây dựng giao chậm trễ và chi phí tăng cao. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Mỹ mà trở thành lo ngại chung của nhiều quốc gia khi nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn.
Giá nguyên vật liệu tăng cao
Giá nguyên vật liệu nói chung và nguyên vật liệu cho ngành xây dựng nói riêng đang bước vào chu kỳ tăng mới khi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn do dịch bệnh phủ bóng toàn cầu từ năm 2020.
Giá thép thanh trên sàn giao dịch Thượng Hải và sàn giao dịch kim loại London đã tăng mạnh từ cuối năm 2020, lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Đầu tháng 5, giá thép đạt kỷ lục với 5.975 nhân dân tệ/tấn (khoảng 956 đô la Mỹ) sau đó quay đầu giảm nhẹ vào hai tháng tiếp theo. Từ tháng 8 đến nay, giá thép tiếp tục trên đà tăng giá. Tính đến ngày 8-10, giá thép ở mức 5.917 nhân dân tệ/tấn.
Theo Economist, khoảng 88% nhà thầu Mỹ cho biết đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công. Gần 300.000 vị trí hiện đang thiếu người dù tiền lương đã tăng lên.
Do dịch Covid-19, các nhà sản xuất đều giảm sản lượng khai thác nguyên liệu thô. Sản lượng quặng sắt giảm từ mức 2,46 tỉ tấn năm 2018 xuống còn khoảng 2,2 tỉ tấn năm 2020. Thị trường sẽ mất vài năm để có thể hồi phục lại mức trước đại dịch.
Bên cạnh đó, Trung Quốc - công xưởng sản xuất thép lớn nhất thế giới, đang trong kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon, thúc giục các nhà sản xuất giảm công suất thép, cải thiện tỷ lệ tái chế phế liệu thép. Điều này cũng ít nhiều tác động tới nguồn cung thép trong tương lai.
Trong khi đó, nhu cầu với loại nguyên liệu này tăng cao khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đang dần hồi phục sau điểm chạm đáy của đại dịch trong năm trước.
Vật liệu xây dựng hiện nay còn gặp tình trạng giao hàng chậm do chi phí vận chuyển tăng cao khi tàu chở hàng khan hiếm.
Thiếu nhân lực trầm trọng
Tình trạng thiếu nguyên liệu và giá cả đắt đỏ có thể giảm bớt trong những năm tới nhưng lao động có tay nghề cao cho ngành xây dựng thì nan giải hơn.
Theo Economist, khoảng 88% nhà thầu Mỹ cho biết đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công. Gần 300.000 vị trí hiện đang thiếu người dù tiền lương đã tăng lên. Ở Anh, hai phần ba công ty xây dựng gặp khó khăn trong tuyển thợ nề và thợ mộc. Một nửa trong số các công ty xây dựng của Pháp cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, khiến đây trở thành lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đất nước này. Ở Đức, một phần năm các công ty xây dựng cho hay họ thiếu công nhân lành nghề.
“Đã đến lúc Việt Nam phải đưa sản phẩm xây dựng hoàn thiện ra nước ngoài. Không thể bán lẻ vật liệu xây dựng hay xuất khẩu nhân công nữa”, ông Lê Viết Hải nói,… Việt Nam có thể nghĩ tới phương án lựa chọn một thế mạnh, chẳng hạn như trở thành một quốc gia chuyên sản xuất nhà ở cho thế giới.
Tình trạng thiếu lao động lành nghề ở các nước phát triển tăng lên do lực lượng lao động già đi. Khoảng 41% công nhân xây dựng ở Mỹ dự kiến sẽ nghỉ hưu trong vòng một thập kỷ tới. Một phần năm công nhân Anh ở độ tuổi trên 55.
Các nhà tuyển dụng ngày càng khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên. Những học sinh tốt nghiệp phổ thông hầu hết đều tránh công việc xây dựng vì cho rằng chúng bẩn thỉu, nguy hiểm...
Tự động hóa có thể là một cách để ngăn chặn tình trạng thiếu nhân công. Tuy nhiên, ngành công nghiệp xây dựng ở các nước này đã chậm chạp trong việc đón nhận nó. Khoảng một nửa số doanh nghiệp xây dựng sử dụng robot, trong khi mức này ở các doanh nghiệp ô tô và sản xuất là 80%.
Cơ hội cho ngành xây dựng Việt Nam
Những khó khăn của ngành xây dựng toàn cầu, đặc biệt là các nước phát triển là cơ hội cho Việt Nam - nơi có ngành xây dựng phát triển vượt bậc trong vòng ba thập kỷ qua. Việt Nam có đầy đủ điều kiện cả về nguồn vật liệu xây dựng và nhân lực lành nghề.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, chia sẻ nhân sự trẻ tại các nước phát triển không mấy mặn mà với ngành xây dựng, lượng chuyên viên lành nghề trung bình chỉ khoảng 3.000/triệu dân, trong khi ở Việt Nam, con số này gấp 3 lần. Với sự bùng nổ của xây dựng trong gần ba thập kỷ qua, Việt Nam đào tạo được số lượng lớn lao động chất lượng cho ngành.
Cùng với đó, từ một nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu là chủ yếu, năm 2020, ngành vật liệu xây dựng của Việt Nam có tổng giá trị sản lượng ở mức 22 tỉ đô la Mỹ, chiếm 6,5-7% GDP cả nước, theo thông tin từ Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM (SACA). Tính riêng ngành xi măng, năng lực sản xuất của Việt Nam đứng thứ 5 thế giới. Năm 2018, ngành gạch ốp lát được đánh giá thứ 4 thế giới với năng lực sản xuất 602 triệu mét vuông.
Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, vật liệu xây dựng của Việt Nam ngày nay được đẩy mạnh xuất khẩu. Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch SACA, nói rằng cách đây 30 năm không một mặt hàng vật liệu xây dựng nào của Việt Nam xuất được ra thế giới. Đến nay, 120 nước đã tiêu dùng vật liệu xây dựng của Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 101 triệu tấn xi măng và clinker, đứng thứ ba thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Dù vậy, sản xuất vật liệu xây dựng là ngành công nghiệp thâm dụng nhiều tài nguyên và năng lượng hóa thạch.
“Đã đến lúc Việt Nam phải đưa sản phẩm xây dựng hoàn thiện ra nước ngoài. Không thể bán lẻ vật liệu xây dựng hay xuất khẩu nhân công nữa”, ông Lê Viết Hải nói. Chuỗi cung ứng ngành xây dựng Việt Nam phải kết hợp chặt chẽ từ các doanh nghiệp tổng thầu, cung cấp dịch vụ xây dựng, nguyên vật liệu, thiết kế… để tạo ra sản phẩm hoàn thiện có giá trị cao. Việt Nam có thể nghĩ tới phương án lựa chọn một thế mạnh, chẳng hạn như trở thành một quốc gia chuyên sản xuất nhà ở cho thế giới.
Năng lực sản xuất của ngành xây dựng Việt Nam đang tiến bộ rất nhanh. Ở lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp có khả năng thi công các công trình trong thời gian ngắn. Ông Hải cũng cho rằng năng lực quản lý thi công tổng thầu của một số doanh nghiệp Việt Nam không hề thua kém các đối thủ trong khu vực.
Hay quá.
Nếu mình có tiền, kêu thợ làm nhà cho mình thì thiên hạ có thể nói anh thợ nề kia xây nhà cho mình ở hay không nhỉ