Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhiều ông lớn bất động sản Trung Quốc bị kiện yêu cầu thanh lý tài sản

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Country Garden từng nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc đại lục tính theo doanh thu nhưng đang cạn tiền.  Một chủ nợ ở Hồng Kông vừa nộp đơn kiện yêu cầu nhà phát triển bất động sản bán tài sản để trả nợ, cho thấy dấu hiệu căng thẳng trên thị trường kéo dài dai dẳng. Diễn biến mới nhất diễn ra sau khi tòa án tối cao Hồng Kông hồi tháng 1 ra phán quyết yêu cầu Tập đoàn bất động sản China Evergrande Group thanh lý tài sản.

Logo của Country Garden trên một tòa nhà ở thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Theo bản công bố thông tin của Country Garden gửi Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông hôm 28-2, đơn kiện do Công ty Ever Credit khởi xướng ở tòa án tối cao Hồng Kông, để đòi khoản nợ kèm lãi suất cộng dồn chưa thanh toán trị giá 1,6 tỉ đô la Hồng Kông (204 triệu đô la Mỹ).  Country Garden cho hay, sẽ “tìm kiếm các biện pháp pháp lý” để chống đối đơn kiện của Ever Credit.

Công ty mẹ của Ever Credit là Kingboard Holdings, một nhà sản xuất hóa chất và đầu tư bất động sản không phản hồi về thông tin trên. Tòa án Tối cao Hồng Kông đã ấn định ngày 17-5 là ngày diễn ra phiên tố tụng đầu tiên của vụ kiện.

Lance Jiang, đối tác trong lĩnh vực tái cơ cấu và phá sản của hãng luật Ashurst nhận định, đơn kiện yêu cầu thanh lý tài sản nhằm vào  Country Garden có thể cho phép các chủ nợ “gây áp lực lên doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu” và đạt được các điều khoản tốt hơn trong quá trình này.

Country Garden vẫn đang đàm phán thỏa thuận tái cơ cấu với các chủ nợ quốc tế. Công ty tin tưởng, vụ kiện “sẽ không tác động đáng kể” đến kế hoạch hoặc lộ trình cơ cấu nợ nước ngoài. Dù vậy, cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Country Garden giảm giá đến 12,5% vào hôm 28-2, xuống còn 0,63 đô la Hồng Kông.

Nhà phát triển này thu hút sự chú ý toàn cầu vào lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc khi bỏ lỡ thời hạn thanh toán lãi cho một số lô trái phiếu nước ngoài vào mùa hè năm ngoái. Cuối cùng, công ty chính thức vỡ nợ vào tháng 10. Vụ vỡ nợ cho thấy các nhà phát triển từng được xem có các chỉ số tài chính lành mạnh hơn các đối thủ vẫn phải chịu áp lực nặng nề từ cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt trên toàn ngành.

Cơn suy thoái bất động sản là một những thách thức lớn nhất mà nền kinh tếTrung Quốc đang đối mặt. Giá nhà mới ở 70 thành phố lớn của Trung Quốc liên tục giảm hàng tháng kể từ tháng 10-2023. Nhưng đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa tung ra gói kích thích quy mô lớn bất chấp áp lực hành động ngày càng gia tăng.

Đơn kiện chống lại Country Garden tương tự vụ kiện mà Top Shine Global nhằm vào Evergrande hồi năm 2022. Tháng trước, tòa án tối cao Hồng Kông đã ra phán quyết yêu cầu Evergrande thanh lý tài sản để trả nợ cho Top Shine Global sau khi tập đoàn bất động sản này không đạt được thỏa thuận về kế hoạch tái cơ cấu.

Evergrande, công ty có khoản nợ nước ngoài khoảng 20 tỉ đô la khi sụp đổ vào năm 2021.  Ban đầu đề xuất, các trái chủ nước ngoài chuyển đối trái phiếu hiện tại sang trái phiếu mới có kỳ hạn dài hơn hoặc các khoản đầu tư cổ phần ở các công ty con niêm yết ở Hồng Kông. Kế hoạch này thất bại do không nhận được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.

Với tổng nợ khoảng 200 tỉ đô la Mỹ so với 340 tỉ đô la của Evergrande, Country Garden là một phần quan trọng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, thường chiếm hơn 25% hoạt động kinh tế tổng thể.

“Việc nộp đơn khởi kiện chống lại Country Garden không gây ngạc nhiên đối với chúng tôi”, Jason Sze, nhà phân tích của Công ty tài chính iFAST Financial nói với BBC. Tuy nhiên, ông cho rằng Country Garden khó tránh khỏi lệnh thanh lý tài sản của tòa án như Evergrande.

“Chúng tôi nghĩ rằng, nhà phát triển này sẽ triển khai kế hoạch tái cơ cấu nợ ở nước ngoài càng sớm càng tốt để chống lại đơn yêu cầu thanh lý để giải quyết các khoản nợ quá hạn”, ông nói.

Câu chuyện bế tắc vì nợ nần của hai công ty bất động sản lớn hàng đầu Trung Quốc đã nhấn mạnh quy mô của cuộc khủng hoảng trong ngành và tác động lan tỏa đến các lĩnh vực liên quan như ngân hàng. Bên cạnh đó, xu hướng leo thang của các vụ kiện cũng cho thấy giải pháp mà các nhà hoạch định chính sách đang thực hiện chưa tạo ra hiệu quả rõ ràng.

Trong một biện pháp "chữa cháy" hồi tháng 1, Bắc Kinh yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho các dự án bất động sản được xếp vào “ danh sách trắng” . Tính đến ngày 20-2, các ngân hàng thương mại và nhà nước của Trung Quốc đã duyệt vay tổng cộng 123,6 tỉ nhân dân tệ (17,2 tỉ đô la) cho các dự án này. Trong đó,  29,42 tỉ nhân dân tệ đã được giải ngân cho 162 dự án ở 57 thành phố. Country Garden cho biết, có hơn 30 dự án chưa hoàn thiện của công ty nằm trong danh sách trắng, bao gồm ở tỉnh Hà Nam và Hồ Bắc.

Theo Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn Trung Quốc, đến nay, 214 thành phố trên cả nước đã thiết lập cơ chế danh sách trắng để giới thiệu hơn 5.300 dự án đủ điều kiện hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng. Bộ này cho biết thêm, các ngân hàng từ chối bất kỳ khoản vay nào đối với các dự án thuộc “danh sách trắng” phải đưa ra giải thích rõ ràng cho các cơ quan quản lý tài chính.

Theo Financial Times, BBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới