Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhiều thương hiệu khách sạn sắp ‘đổ bộ’ vào Việt Nam và thách thức của ngành du lịch

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhu cầu du lịch tăng vọt, với lượng khách quốc tế hiện đã tăng cao hơn mức trước đại dịch Covid-19 cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách nội địa đã đưa Việt Nam trở thành mục tiêu đầu tư của một loạt thương hiệu khách sạn toàn cầu. 

Tuy nhiên, ngành du lịch cần phải giải quyết nhiều thách thức trước mắt. Trong đó, có vấn đề dư thừa nguồn cung phòng khách sạn 5 sao, đặc biệt là ở các thành phố ven biển.

Khách sạn La Festa Phú Quốc thuộc thương hiệu Curio Collection by Hilton của tập đoàn khách sạn Hilton Worldwide Holdings khai trương ở đảo Phú Quốc vào cuối năm ngoái. Ảnh: La Festa Phú Quốc

Lượng khách sạn liên kết với thương hiệu quốc tế tăng nhanh

Bất chấp tình trạng dư cung ở phân khúc khách sạn cao cấp tại các điểm đến ven biển của Việt Nam, các thương hiệu toàn cầu vẫn đổ xô tới Việt Nam. Theo báo cáo mới đây của hãng tư vấn Savills Hotels, xu hướng này tăng tốc, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Nhiều khách sạn ở Việt Nam đang tiến hành nhận nhượng quyền chuyển đổi hoặc nâng cấp lên thương hiệu quốc tế.

Hãng này dự báo trong vòng 3 năm tới, có khoảng 40% khách sạn trung cao cấp Việt Nam liên kết với các thương hiệu quốc tế. Đây là mức tăng đáng kể so với mức 30% hiện tại và chưa tới 25% vào 2013. Trong thập niên qua, số lượng khách sạn trung cao cấp ở Việt Nam mang thương hiệu quốc tế tăng gấp 4 lần, lên khoảng 200.

Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,8 triệu, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Du lịch nội địa tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với 66,5 triệu lượt khách trong cùng kỳ, bao gồm 37,2 triệu lượt lưu trú qua đêm.

Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh ở châu Á, cùng với thu nhập khả dụng cao hơn là động lực chính thúc đẩy sự mở rộng của các thương hiệu khách sạn và khu nghỉ dưỡng quốc tế sang Đông Nam Á. Nỗ lực mở rộng này nhằm phục vụ thị trường du lịch và phong cách sống sang trọng.

“Với vị trí trung tâm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương kết hợp với sự gia tăng kết nối với các nước láng giềng giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến được ưa chuộng trong những năm tới”, Alexandra Murray, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của Hilton Hotels & Resorts nói.

Bà cho biết thêm, Hilton sẽ tăng gấp đôi sự hiện diện ở Việt Nam trong vài năm tới để đáp ứng nhu cầu du khách từ các thị trường nguồn quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Khách từ các thị trường này ngày càng chuộng các điểm đến trong khu vực bao gồm Việt Nam.

Hilton đang điều hành 5 dự án khách sạn ở Việt Nam, tọa lạc ở Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc và Đà Nẵng.

Nguồn cung phòng dư thừa, chờ đợi nhu cầu bắt kịp  

Theo Savills Hotels, dù du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhưng ngành khách sạn Việt Nam tiếp tục tụt hậu về tỷ lệ lấp đầy, một phần do sự phục hồi chậm ở các thị trường khách trọng điểm là Nga và Trung Quốc. Thêm vào đó là nguồn cung phòng khách sạn trung cao cấp tăng gần 25% trong những năm gần đây. Từ năm 2020 đến tháng 6-2024, phân khúc này đã bổ sung 45.000 phòng.

Gần đây, hãng tư vấn bất động Knight Frank kêu gọi các nhà phát triển dừng triển khai các dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới ở các điểm điểm ven biển của Việt Nam cho đến khi nhu cầu du lịch tăng lên, giúp lấp đầy nguồn cung phòng dư thừa hiện tại. Hãng này ước tính, mỗi năm có đến khoảng 20 triệu đêm phòng khách sạn 4 sao và 5 sao bị bỏ trống tại Việt Nam.

Ben Gray, Giám đốc thị trường vốn của Knight Frank lưu ý, nguồn cung phòng 5 sao tại các thành phố ven biển như Phú Quốc và Nha Trang tăng quá nhanh nên những điểm này đang phải chật vật để lấp đầy. Thêm vào đó, nhiều dự án khu nghỉ dưỡng mới phát triển ở những nơi thiếu cơ sở hạ tầng du lịch và các điểm tham quan hấp dẫn nên khó có thể thu hút du khách.

Tuy nhiên, những thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội lại không gặp phải vấn đề tương tự. Các khách sạn mang thương hiệu quốc tế và được quản lý tốt ở hai thành phố này tiếp tục đạt tỷ lệ lấp đầy cao

Theo báo cáo của Vinacapital, tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn và tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp như Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội và Fusion Resorts ở Cam Ranh đang cao hơn so với mức đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu tính trên toàn ngành khách sạn, tỷ lệ lấp đầy vẫn còn thấp hơn khoảng 20% so với trước đại dịch,.

“Lượng du khách Mỹ đến Việt Nam cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Mức chi tiêu cao của của hóm du khách giàu có này giúp giải thích tỷ lệ lấp đầy cao của các khách sạn cao cấp”, Michael Kokalari, nhà kinh tế trưởng của Vinacapital nói.

Bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận tư vấn khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Savills Hotels, dự báo giống như Bangkok (Thái Lan), phân khúc khách sạn dịch vụ chọn lọc, phân khúc trung cấp sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ở TPHCM. Số lượng cơ sở trung cấp của 5 chuỗi khách sạn quốc tế hàng đầu đầu ở Việt Nam chỉ mới ở mức 1/3 của Thái Lan. Do vậy, phân khách sạn này có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

Việt Nam đặt mục tiêu đạt 110 triệu du khách nội địa trong năm 2024, tương đương năm ngoái nhưng muốn thu hút từ 17-18 triệu lượt khách nước ngoài, cao hơn 35% so với năm ngoái.

Vinacapital dự báo, sự phục hồi liên tục của khách quốc tế sẽ đóng góp hơn 1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024. Ước tính, trước đại dịch Covid-19, du khách nước ngoài đóng góp khoảng 10% tổng doanh số bán lẻ của Việt Nam.

Cần phát triển các điểm tham quan văn hóa độc đáo

Trong khi có những lời kêu gọi xây dựng tổ hợp giải trí ban đêm, điểm mua sắm hay sân gôn mới để thu hút chi tiêu của khách nước ngoài tại Việt Nam, một số nhà quan sát trong ngành cho rằng, điều đó chưa đủ để giúp Việt Nam tạo ra sự khác biệt trong mắt của du khách nước ngoài giàu có.

“Việt Nam nên tập trung vào các điểm tham quan văn hóa độc đáo thay vì cố gắng cạnh tranh với Đường Orchard (Singapore) hoặc Quảng trường Siam (Thái Lan)”, Ben Gray, Giám đốc Thị trường vốn của Knight Frank nói khi đề cập đến hai khu mua sắm, ăn uống và giải trí nổi tiếng tại Singapore và Bangkok.

Murray của Hilton cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách sang trọng nhờ vào di sản văn hóa phong phú, cảnh quan tuyệt đẹp và bờ biển quyến rũ.

“Du khách giàu có đánh giá cao những trải nghiệm chân thực, có ý nghĩa và những kết nối mang nhân văn sâu sắc hơn, hấp dẫn hơn với các nền văn hóa và cộng đồng địa phương”, Murray nói.

Bà cũng lưu ý, những vị khách này cũng có xu hướng bỏ qua những điểm đến nổi tiếng để khám phá những vùng ít được chú ý ở Việt Nam. Vì vậy, bà đề xuất Việt Nam nên triển khai thêm nhiều chuyến bay thẳng và tuyến du lịch giữa các điểm đến mới nổi của đất nước và các thị trường khác.

Theo đó, Việt Nam nên ưu tiên đơn giản hóa các thủ tục về đầu tư và xử lý thị thực cũng như cải thiện cảnh quan và môi trường. Những vấn đề này cần phải được giải quyết để duy trì sự trỗi dậy của Việt Nam như một điểm đến du lịch hấp dẫn và cần được ưu tiên hơn việc phát triển các khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

Theo Business Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới