(KTSG Online) - Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định trong quí 2 do nhiều tín hiệu tích cực như một số nước có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn lương thực để dự trữ và ưu đãi từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
- Xuất khẩu gạo có thêm cơ hội khi Indonesia muốn mua 2 triệu tấn để dự trữ
- Dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 đạt 6,5 – 7 triệu tấn
Theo TTXVN, Hiệp hội lương thực Việt Nam nhận định, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực hơn trong quí 1 và sẽ tiếp tục duy trì trong quí 2 này. Dự báo giá gạo xuất khẩu vẫn di trì ở mức cao do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên.
Chẳng hạn, ở thị trường các nước châu Âu, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- châu Âu (EVFTA), Việt Nam được cấp hạn ngạch là 80.000 tấn gạo xuất khẩu. Khi doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu theo quy định thì được hưởng ưu đãi với mức miễn thuế là 175 euro/tấn.
Những thị trường như Philippines, Trung Quốc và một số nước châu Phi cũng đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để dự trữ lương thực.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình thị trường và chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước đó, hồi cuối tháng 3-2023, Ngân hàng nhà nước cũng có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa, gạo.
Một số giải pháp được đưa ra là đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp...
Theo thống kê hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong quí 1-2023 đạt hơn 900 triệu đô la Mỹ với hơn 1,7 triệu tấn gạo, tăng hơn 19% về lượng và tăng hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
TTXVN dẫn báo cáo từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Năm nay, nếu sản lượng lúa ở khu vực này ước đạt 24 triệu tấn thì sản lượng tiêu thụ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM khoảng 10,8 triệu tấn. Với lúa dùng cho xuất khẩu, ước tính sẽ có ước khoảng 13,2 triệu tấn trong năm nay, tương đương với 6,6 triệu tấn gạo.