Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều tỉnh không thu hút được dự án FDI

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều tỉnh không thu hút được dự án FDI

Quốc Hùng

Nhiều tỉnh không thu hút được dự án FDI
Trong 9 tháng qua nhiều địa phương vẫn chưa có dự án FDI nào được cấp phép dù thu hút nguồn vốn này trong 9 tháng qua tăng đến hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ảnh là sản xuất của một doanh nghiệp FDI – Ảnh minh họa: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Đến nay vẫn còn 14 địa phương chưa có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới nào được cấp phép trong 9 tháng qua, trong khi có khoảng 10 địa phương khác tiếp nhận được rất ít nguồn vốn này, thậm chí chỉ ở mức vài chục ngàn đô-la Mỹ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn các địa phương không thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến nay cũng là những địa phương vốn ít thu hút được nguồn vốn FDI trong những năm qua như Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Bạc Liêu, Đồng Tháp…

Trong 49 địa phương thu hút được nguồn vốn FDI trong chín tháng qua thì có tới bảy địa phương chỉ thu hút được 1 dự án FDI, bốn địa phương chỉ có 2 dự án và ba địa phương chỉ có 3 dự án…

Ngoài ra, theo cơ quan xúc tiến đầu tư trên, trong chín tháng qua vẫn còn có nhiều dự án “siêu nhỏ” được cấp phép, với vốn đăng ký dưới 1 triệu đô la Mỹ; thậm chí có dự án chỉ 10.000 đô la Mỹ (ở Yên Bái và Sơn La); hay ở Bình Thuận và Bắc Kạn có dự án chỉ đạt 30.000 đô la Mỹ…

Tuy nhiên, về tổng thể, việc thu hút FDI trong 9 tháng qua tăng đến 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 17,15 tỉ đô la Mỹ. Rõ ràng việc thu hút nguồn vốn đầu tư giữa các địa phương còn có nhiều khoảng cách khá xa.

Trong 9 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 49 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,34 tỉ đô la Mỹ, chiếm 20,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. TPHCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,61 tỉ đô la Mỹ, chiếm 15,2%. Trà Vinh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,52 tỉ đô la Mỹ, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư.

Tuy nhiên xét theo vùng thì Đông Nam Bộ là vùng thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 6,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước, tiếp theo là vùng Đồng bằng sông Hồng với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 6,05 tỉ đô la Mỹ, chiếm 35,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Nguyên là vùng thu hút đầu tư nước ngoài ít nhất cả nước trong 9 tháng, với 38,1 triệu đô la Mỹ, chiếm 0,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều vốn cam kết của nhà đầu tư nước ngoài với 737 dự án đầu tư đăng ký mới và 346 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 11,36 tỉ đô la Mỹ, chiếm 66,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với 2 với năm dự án đăng ký mới và ba lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 19 dự án đầu tư mới và bảy lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,81 tỉ đô la Mỹ.

Mời đọc thêm:

>>> Thu hút vốn FDI: Có thực hiện được “Quyền lựa chọn” dự án?

>>> Thu hút vốn FDI 9 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới