Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều tỉnh thành lên phương án bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết 2023

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm và Tết Quý Mão 2023 với tổng giá trị hàng hóa khoảng 1.500 tỉ đồng. Trước đó, nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đã lên phương án bình ổn hàng hóa dịp Tết, như TPHCM, KonTum, An Giang, Bình Thuận…

Nhóm hàng chủ yếu cần bình ổn thị trường các tỉnh đề cập như lương thực, thực phẩm, thịt và các sản phẩm từ thịt... Ảnh: Tran Linh

Theo TTXVN thông tin, kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong dịp này sẽ có tổng giá trị hàng hóa là 1.510 tỉ đồng dựa trên cơ sở tính toán nhu cầu tiêu dùng tăng 20% của người dân trong mùa Tết.

Hiện địa phương đã có 10 doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng tiêu dùng, nhiên liệu với khoảng hơn 420 tỉ đồng. Nhóm mặt hàng trọng tâm là nhiên liệu, lương thực, thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng, dầu ăn, đường, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả).

Trước đó, Sở Công Thương tỉnh KonTum đã đề xuất với UBND tỉnh về chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Năm nay, tỉnh có 2 đơn vị là siêu thị WinMart, siêu thị Co.opMart Kon Tum đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa dự trữ trị giá khoảng 53,73 tỉ đồng.

Trên địa bàn TPHCM, Sở Công Thương thông tin, thành phố có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường. Trong đó, có 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 1.711 điểm bán sữa… Theo kế hoạch, lượng hàng bình ổn thị trường trong tháng Tết Nguyên đán 2023 trên địa bàn đáp ứng từ 25-43% nhu cầu thị trường.

Tại tỉnh An Giang, Sở Công Thương dự kiến chi khoảng 1.374 tỉ đồng cho chương trình bình ổn thị trường từ nay đến Tết, tăng 17,2% với kết quả thực hiện năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, mỹ phẩm… là 169 tỉ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng là 1.205 tỉ đồng. Hiện địa phương có 24 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn thị trường.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường dự kiến khoảng 357 tỉ đồng, trong đó, nhóm hàng sản phẩm ăn liền là 33 tỉ đồng, thực phẩm là 14 tỉ đồng, thực phẩm chế biến 77,5 tỉ đồng... Sở lưu ý đơn vị liên quan cần đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân ở huyện đảo Phú Quý, nhất là dịp Tết 2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới