(KTSG Online) - Các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến chính sách liên quan đến việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có các trường hợp bị tử vong hoặc ngừng công việc... Những thông tin này được ghi nhận tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp với lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cùng Bảo hiểm xã hội TPHCM diễn ra ngày 30-11.
Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp tham dự.
Tuy nhiên, câu hỏi này dường như bị bỏ ngỏ. Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM), giải thích tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận nào, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Để xác định là tai nạn lao động chết người phải thực hiện theo quy trình và thủ tục điều tra theo quy định trong Luật an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có kết quả giám định pháp y và biên bản tai nạn lao động…
"Tuy nhiên, việc nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 tại công ty là nội dung chưa có tiền lệ. Do đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM ghi nhận để kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn đối với vấn đề này", ông Cường nói.
Một số doanh nghiệp than phiền về các thủ tục giải quyết chế độ cho người lao động liên quan đến dịch bệnh.
Đơn cử, Công ty Acecook Việt Nam phản ánh, theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, người lao động sẽ được nhận hỗ trợ khi ngưng việc từ 14 ngày trở lên do bị cách ly, phong tỏa, tạm hoãn hợp đồng lao động. Doanh nghiệp này đã lập hồ sơ theo mẫu quy định và đã gửi cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Tân Phú (TPHCM) từ ngày 18-10-2021, nhưng đến nay công ty vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào. Công ty chủ động liên hệ với Phòng thì được "hướng dẫn" là tiếp tục chờ. Điều này theo doanh nghiệp là không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 58 là hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Phản hồi câu chuyện của Acecook Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho rằng chủ trương của Chính phủ và của TPHCM cho phép các F0 được cách ly điều trị tại nhà tuân thủ theo quy định của ngành y tế và được cấp giấy hoàn thành cách ly/điều trị do ban chỉ đạo cấp phường/xã cấp. Trước đây, quyết định cách ly là cơ sở để bảo hiểm xã hội chi trả chế độ ốm đau cho người lao động. Hiện tại, cơ quan bảo hiểm xã hội tam dừng chi trả chế độ ốm đau khi có quyết định cách ly tại nhà, chỉ giải quyết chế độ theo đúng biểu mẫu tại TT56. "Tình trạng dịch và cách ly tại nhà là trường hợp chưa có tiền lệ và tại mẫu TT56 không điều chỉnh được nội dung này", ông Thanh nói.
Về vấn đề nêu trên, theo ông Nguyễn Quốc Thanh, căn cứ vào Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ và tại Công văn số 3068 của Bảo hiểm xã hội thì tại thời điểm ngày 30-9-2021, người lao động chưa chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội được hỗ trợ trên cở sở thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, 3 nhân viên của Dược Sài Gòn nêu trên nếu đơn vị chưa thông báo về việc tăng lao động, chưa có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30-9-2021 thì bảo hiểm xã hội TPHCM không đủ cơ sở để giải quyết hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Việc hiểu thế nào cho đúng về tinh thần của Công văn số 4055/BHXH-CĐ cũng được các doanh nghiệp đặt ra tại buổi đối thoại. Cụ thể có trường hợp người lao động phải điều trị và cách ly do mắc Covid-19 cũng là bệnh nhân và bắt buộc phải nghỉ, việc này là tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về Phòng chống dịch, vậy tại sao trong trường hợp người lao động lại bị từ chối chi trả chế độ. Như vậy theo các doanh nghiệp sẽ rất ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Hay trường hợp các công ty vẫn đóng bảo hiểm đầy đủ và người lao động vẫn làm việc với hình thức trực tuyến (online), tại sao lại không được thanh toán chế độ ốm đau, khám thai trong thời gian giãn cách xã hội từ từ ngày 15-7 đến 15-10-2021. Các trường hợp trước và sau thì phải làm công văn giải trình, việc này theo các doanh nghiệp là hết sức vô lý. Bởi lẽ, nếu như miễn đóng bảo hiểm những tháng giãn cách thì không hưởng chế độ còn chấp nhận được, nay vẫn đóng mà không được hưởng chế độ nên người lao động cần được giải đáp các thắc mắc này.
Đại diện ban tổ chức hội nghị, ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc ITPC, khẳng định việc đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, người lao động đang gặp phải là chủ trương xuyên suốt của TPHCM. Với những câu hỏi đã được đại diện sở ngành TPHCM trả lời trực tiếp, các câu hỏi vượt ngoài khả năng sẽ được chuyển đến các cấp cao hơn để trả lời cho doanh nghiệp, cho người lao động trong thời gian sớm nhất.