Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhìn đồng nghiệp thấy mà thương!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhìn đồng nghiệp thấy mà thương!

Huỳnh Thanh Đào(*)

(TBKTSG Online) – Trong ca trực, tôi được lệnh của lãnh đạo cơ quan đi đón khách đưa đi cách ly. Tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 22 giờ đêm nhưng không may cho tôi là chuyến bay có khách mà tôi phải đón nhận đưa đi cách ly bị chậm 2 tiếng mới hạ cánh nhưng nhờ vậy, tôi mới nhìn được đồng nghiệp của mình đang “canh cửa” dịch bệnh ở sân bay.

Nhìn đồng nghiệp thấy mà thương!
Nhiều người đang chờ đưa đi cách ly tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 2giờ30phút ngày 23-3. Ảnh: Dược sĩ Huỳnh Thanh Đào (Trung Tâm Y tế Quận 6)

Những ngày gần đây lượng Việt kiều và người Việt Nam lao động, du học ở nước ngoài về nước tăng vọt. Ở sân bay, tôi chứng kiến đồng nghiệp của mình ở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh TPHCM (HCDC) tham gia phòng chống dịch ở tuyến đầu tiên. Dòng người làm thủ tục nhập cảnh xong đang đợi để đồng nghiệp của tôi phân bổ, rồi hướng dẫn ra xe đi về nơi cách ly.

Có lẽ đã quá quen thuộc với công việc của mình nên các đồng nghiệp của tôi làm việc trông rất thuần thục, nhỏ nhẹ hướng dẫn dòng người làm thủ tục, chờ đợi, và cung cấp lương thực. Tôi tự nhủ thầm: với lượng người như vậy thì một ngày làm việc các bạn ấy tiếp xúc biết bao nhiêu người từ vùng dịch về nhỉ?

Câu nói quen thuộc lập đi lập lại hàng ngàn lần vang lên  ở khu vực sàng lọc: “Dạ! Các bạn, các anh chị, cô bác vừa xuống sân bay vui lòng để hộ chiếu vào rổ và ra ghế ngồi đợi để tụi con sắp xếp xe nhé! Ai có nhu cầu hỗ trợ như cháu nhỏ hay người lớn tuổi xin ưu tiên trước ạ!” Đôi chân các bạn ấy liên tục di chuyển mà mấy tiếng ở sân bay tôi lại chẳng thấy các bạn ấy nghỉ ngơi uống nước. Đi qua đi lại chỗ này chỗ kia hướng dẫn từ 22 giờ tới 4 giờ sáng hôm sau không biết mỗi người tính ra đi bộ bao nhiêu cây số, giọng nói vẫn luôn ngọt nhẹ. Đến gần sáng, giọng nói ấy vẫn vang đều nhưng có bạn có vẻ hơi bị khan tiếng.

Tôi không hề thấy bạn nghỉ ngơi uống nước, đoạn đường bạn di chuyển hướng dẫn từ 22 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau là bao nhiêu cây số.

Rồi mỗi ngày sau giờ làm việc các bạn ấy cũng phải tự cách ly mình, vừa để theo dõi, vừa không mang mầm bệnh phát tán ra ngoài nếu chẳng may nhiễm bệnh bởi nguy cơ chính những người tham gia chống dịch có thể mang mầm bệnh về lây lan cho gia đình, người thân là rất lớn.

Giữa đại dịch, nhiều người làm các ngành nghề khác có thể chậm lại, thậm chí nhiều người phải “ngồi yên”, hạn chế ra đường, tới chốn đông người để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh nhưng với chúng tôi, nhưng ngành y, công việc phòng chống dịch phải nhanh hơn, phải gồng mình hơn, phải “đi đầu” đúng nghĩa như trường hợp ở sân bay, nơi cách ly. Khi biết sức ép công việc ngày càng tăng nhưng chúng tôi không hề lùi bước, thường động viên nhau từ cái vỗ vai, nụ cười khi gặp nhau và câu nói đùa sau ca trực “giữ sức mai chiến đấu tiếp nghe bạn”.

Cũng là người tham gia chống dịch nhưng khi nhìn đồng nghiệp của mình ở sân bay, ở khu cách ly là "tuyến đầu của tuyến đầu", thấy mà thương!

(*)Dược sĩ, nhân viên Trung Tâm Y tế Quận 6, TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới