(KTSG) - Các thị trường tài chính toàn cầu vừa khép lại quí 1 với những điểm nhấn đáng chú ý. Thị trường chứng khoán bùng nổ, trong khi các tài sản, hàng hóa quan trọng như như vàng, đô la Mỹ, dầu mỏ cũng có một quí khởi sắc.
- Hệ thống tài chính toàn cầu đối mặt thách thức do lãi suất cao
- IMF cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu đang tăng lên
Quí 1 bùng nổ của chứng khoán thế giới
Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa ghi nhận quí 1 bùng nổ mạnh mẽ nhất trong năm năm qua, với chỉ số MSCI All World tăng 7,73%. Trong đó cổ phiếu đã cho thấy sự vượt trội so với trái phiếu với tỷ suất lợi nhuận hàng quí lớn nhất kể từ năm 2020.
Động lực chủ yếu, dĩ nhiên vẫn đến từ Mỹ - thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Cả ba chỉ số chính của Phố Wall vừa có một quí tăng điểm mạnh, trong đó Dow Jones và Nasdaq lần lượt tăng 5,62% và 9,11%. Dẫn đầu đà bứt phá của Phố Wall là S&P 500 với 22 phiên đóng cửa ở mức cao kỷ lục, và mức tăng tổng cộng 10,2% - đánh dấu quí 1 mạnh nhất của chỉ số này kể từ năm 2019.
Sự bùng nổ của các cổ phiếu liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là động lực quan trọng cho đà tăng của Phố Wall. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty bán dẫn Nvidia đã tăng thêm hơn 1.000 tỉ đô la trong ba tháng đầu năm, tương đương khoảng 20% tổng mức tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, một chìa khóa quan trọng khác cho sự tăng trưởng của thị trường là niềm tin của các nhà đầu tư về việc nền kinh tế đã sẵn sàng cho một kịch bản “hạ cánh mềm”, trong đó lạm phát ở mức vừa phải nhưng nền kinh tế tránh được tình trạng suy thoái nghiêm trọng.
Theo khảo sát hàng tháng mới nhất của BofA Global Research công bố vào tháng 3, gần hai phần ba các nhà quản lý quỹ coi việc hạ cánh mềm là kết quả có thể xảy ra nhất đối với nền kinh tế Mỹ trong vòng 12 tháng tới, trong khi chỉ có 11% dự đoán kịch bản “hạ cánh cứng”.
Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay đã bị thu hẹp đáng kể. Thị trường từ chỗ đặt cược Fed sẽ tiến hành sáu đợt cắt giảm lãi suất, trong các dự báo đưa ra hồi cuối năm ngoái, nay chỉ còn kỳ vọng vào ba đợt cắt giảm.
Tuy nhiên, cuộc họp ôn hòa của Fed trong tháng 3, với việc các quan chức vẫn duy trì quan điểm về việc thực hiện ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, đồng thời nâng cao triển vọng kinh tế, đã góp phần hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.
Sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ, triển vọng kinh tế vững chắc và kỳ vọng vào sự thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương cũng là những động lực thúc đẩy các thị trường chứng khoán lớn khác. Chỉ số STOXX 600 của châu Âu đạt mức tăng 7,23% trong cả quí 1, trong khi các chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp lần lượt tăng 10,72% và 8,9%. Chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh cũng tăng 2,98%.
Goldman Sachs hiện đã nâng dự báo triển vọng thị trường chứng khoán châu Âu vào cuối năm nay, với chỉ số STOXX 600 dự kiến đạt mức tăng khoảng 6% so với thời điểm hiện tại.
Đạt mức tăng ấn tượng hơn cả trong số các thị trường lớn phải kể đến Nhật Bản. Niềm tin ngày càng tăng vào triển vọng nền kinh tế và giá cổ phiếu liên quan đến chip tăng cao đã thúc đẩy chỉ số Nikkei 225 tăng 20,63% trong quí 1, có thời điểm đã vượt ngưỡng kỷ lục 41.000 điểm.
Theo một cuộc khảo sát của các nhà quản lý quỹ Bank of America, Nhật Bản hiện là quốc gia được các nhà đầu tư yêu thích ở châu Á - Thái Bình Dương, với 67% người được hỏi kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ mạnh lên trong 12 tháng tới. Morgan Stanley cũng duy trì quan điểm lạc quan về cổ phiếu Nhật Bản so với khu vực châu Á và các thị trường mới nổi sau động thái tăng lãi suất của BOJ.
Đô la Mỹ và vàng đều ghi nhận kết quả khởi sắc
Mặc dù thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay - một động thái có thể làm suy yếu đồng đô la Mỹ, tuy nhiên, kỳ vọng này hiện đã bị trì hoãn và thu hẹp đáng kể. Nhờ đó, đồng đô la Mỹ vẫn kết thúc quí 1 với mức tăng mạnh mẽ 2,6% so với các đồng tiền chủ chốt khác - đánh dấu quí tăng mạnh nhất kể từ quí 3 năm ngoái.
Đồng đô la Mỹ hiện vẫn đang hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất vượt trội giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác. Sức hấp dẫn của đồng bạc xanh thậm chí có thể còn lớn hơn nữa khi các ngân hàng trung ương thế giới đang có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) mới đây đã trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên tại các thị trường phát triển tiến hành giảm lãi suất, trong khi giới chức ECB và BOE cũng có lập trường mềm mỏng hơn.
Trong khi đó, nền kinh tế tăng trưởng nóng hơn và thị trường lao động mạnh mẽ hơn tại Mỹ được dự báo sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát. Điều này có thể khiến các quan chức Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức ‘cao hơn trong thời gian dài hơn’, giúp đồng đô la Mỹ có thêm sự hỗ trợ trong quí 2.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng có một giai đoạn thực sự bùng nổ với mức tăng 8,9% trong tháng 3 và 8% trong cả quí 1. Triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn đã củng cố đà tăng của giá vàng, trong khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và Ukraine thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng tăng cường mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, đặc biệt là ở Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bổ sung khối lượng đáng kể vàng thỏi vào kho dự trữ của mình, tăng lượng nắm giữ trong 16 tháng qua.
Ngoài ra, việc người tiêu dùng Trung Quốc mua vàng cũng ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nhiều khó khăn. Sự suy yếu của thị trường bất động sản, và triển vọng việc làm, thu nhập thiếu ổn định, khiến nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ, đổ xô đi mua kim loại quý này.
Brien Lundin, biên tập viên của Gold Newsletter, cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng rằng nhu cầu của các ngân hàng trung ương kết hợp với mức tiêu thụ nội địa “gần đạt mức kỷ lục” ở Trung Quốc đã hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Ông cũng cho biết các nhà đầu tư phương Tây đã bắt đầu nhập cuộc với kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn.
Và với ba nguồn cầu vàng - ngân hàng trung ương, người dân Trung Quốc và các nhà đầu tư phương Tây - cùng nhau mua vào, “những tác động đối với giá vàng sẽ thực sự bùng nổ”.
Triển vọng tích cực của kim loại này cũng được nhiều ngân hàng hàng đầu xác nhận. Hồi tháng trước, JPMorgan Chase & Co. cho biết, vàng là lựa chọn số 1 trên thị trường hàng hóa và giá có thể đạt 2.500 đô la/ounce trong năm nay.
Nguồn cung thắt chặt tiếp tục hỗ trợ giá dầu
Bất chấp những lo ngại về sản lượng mạnh mẽ của Mỹ và nhu cầu yếu tại Trung Quốc, giá dầu thế giới vẫn kết thúc quí đầu năm với mức tăng mạnh, trong đó, giá dầu Brent tăng gần 14% còn dầu WTI của Mỹ tăng khoảng 16%.
Một động lực quan trọng góp phần vào xu hướng tăng của giá dầu là việc cắt giảm sản lượng liên tục của các quốc gia sản xuất dầu lớn, bao gồm những thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+).
Kể từ năm 2022, các nước OPEC+, dẫn đầu là Arập Saudi và Nga, đã thực hiện nhiều đợt cắt giảm sản lượng khác nhau để hỗ trợ giá dầu khi thị trường phải vật lộn với sản lượng ngày càng tăng của các nước ngoài OPEC+ như Mỹ và nhu cầu toàn cầu trì trệ.
Vòng cắt giảm tự nguyện mới nhất, bắt đầu vào tháng 1, nhằm mục đích giảm các mục tiêu sản xuất tổng cộng khoảng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Những biện pháp cắt giảm này đã giúp thắt chặt động lực nguồn cung trên thị trường, dẫn đến tồn kho dầu toàn cầu giảm.
Căng thẳng địa chính trị cũng đóng vai trò hỗ trợ giá dầu. Các cuộc xung đột leo thang giữa Nga - Ukraine và Israel - Hamas, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở các khu vực sản xuất dầu quan trọng. Ngoài ra, các cuộc tấn công vào tàu vận tải ở Biển Đỏ càng làm tăng thêm tâm lý bi quan trên thị trường.
Sắp tới, giới đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến liên quan đến chính sách sản xuất của OPEC+. Các sự kiện địa chính trị và các chỉ số kinh tế cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng giá dầu. Nhìn chung, tâm lý thị trường vẫn đang nghiêng về triển vọng giá dầu tăng, khi OPEC+ đã gia hạn các biện pháp cắt giảm sản lượng cho đến cuối tháng 6, qua đó đặt ra mức sàn cho giá dầu.
Nguồn: Euronews, Financial Times, MarketWatch, Bloomberg,