Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhìn từ PCI-2019, nhiều địa phương không tăng được điểm PCI vì đụng ‘trần thể chế’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhìn từ PCI-2019, nhiều địa phương không tăng được điểm PCI vì đụng 'trần thể chế'

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Qua từng năm, điểm số ghi nhận được trong chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung đều có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn. Song, nếu xét kỹ, sự tăng điểm số là không đáng kể, dù dư địa cho cải cách hay nói cách khác “khoảng trống” để đạt điểm tuyệt đối còn rất lớn.

Biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, thách thức 'sống còn' của doanh nghiệp ĐBSCL

Nhìn từ PCI-2019, nhiều địa phương không tăng được điểm PCI vì đụng 'trần thể chế'
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh

Có tăng, nhưng đã “đụng trần” cải cách?

PCI 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (United States Agency For International Development - USAID) thực hiện, được công bố hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách thông qua sự đánh giá của doanh nghiệp với 73,40 điểm, trong khi cách đó năm năm, tức ở PCI 2015, địa phương dẫn đầu là Đà Nẵng, đạt 68,34 điểm. Như vậy, qua năm năm, điểm số PCI của địa phương dẫn đầu cả nước tăng được 5,06 điểm (tức bình quân mỗi năm chỉ tăng hơn một điểm).

Còn so với “chính mình”, nếu PCI 2015, Quảng Ninh đạt 65,75 điểm, thì PCI năm 2019 đạt 73,40 điểm, tức tăng 7,65 điểm (tương đương bình quân tăng 1,53 điểm mỗi năm). Trong khi đó, với Đà Nẵng, nếu PCI 2015 đạt 68,34 điểm, thì PCI 2019 là 70,15 điểm, tức tăng 1,81 điểm sau năm năm (tương đương tăng 0,362 điểm mỗi năm).

Khi nhìn vào điểm số PCI của những địa phương nằm trong nhóm “rất tốt” nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước trong khoảng năm năm trở lại đây, thì điểm số cũng chỉ quanh quẩn trên dưới 70 và dường như khả năng “đột phá” tăng điểm đã rơi vào “trì trệ”, dù “khoảng trống” cho cải cách vẫn còn rất lớn (26,6 điểm, nếu lấy điểm tuyệt đối là 100 trừ đi cho điểm của địa phương dẫn đầu PCI 2019 là Quảng Ninh với 73,40 - PV).

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề cuộc hội thảo “Đánh giá môi trường kinh doanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua kết quả PCI 2019” được tổ chức mới đây tại Vĩnh Long về vấn đề nêu trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI, thừa nhận ngay cả địa phương được đánh giá tốt nhất về PCI cũng chỉ hơn 70 điểm và tốc độ thay đổi của địa phương nhóm đầu trong PCI chậm hơn so với các địa phương phía dưới. “Điều này cho thấy, khoảng trống không gian để cải cách với các địa phương dẫn đầu vẫn còn rất lớn”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tuấn, điểm số cải thiện chậm của các địa phương “dường như” đã đụng trần... thể chế, tức để các địa phương cải thiện hơn nữa, thì cần không chỉ “lực đẩy” của chính quyền địa phương, mà còn cần “tháo gỡ” các khó khăn, nút thắt ở cấp cao hơn, bao gồm cả những khó khăn hiện nay, đó là xung đột pháp lý, chồng chéo hệ thống pháp luật.

“Qua theo dõi, nhóm cải cách dễ như "cắt giảm thời gian, thủ tục gia nhập thị trường" đã được các địa phương thực hiện khá tốt. Thế nhưng, nhóm cải cách khó hơn như "nâng cao tính minh bạch, năng động tiên phong, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp", thì khi thay đổi cần thực hiện bài bản hơn, chất lượng cán bộ phải khác hơn, cho nên, với nhóm cải cách này, các địa phường cần quyết tâm hơn”, ông Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ bên lề hội thảo nói với TBKTSG Online rằng, PCI 2019 là năm rất đặc biệt, bởi lẽ, hầu hết các địa phương trong cả nước đều có sự “nỗ lực” theo chiều hướng tích cực, tức có điểm số cải thiện theo hướng tăng dần.

Tuy nhiên, theo ông Lam, việc cải cách gần như đã “đụng trần” thể chế, dù khoảng trống vẫn còn rất lớn. Bằng chứng là điểm số của các địa phương ở nhóm đầu PCI nhiều năm vẫn không có được "bứt phá". “Như vậy, rõ ràng chúng ta cần phải tiếp tục cải cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tốt nhất cho doanh nghiệp”, ông cho biết.

Cần “phá trần”, đưa cải cách tiến lên tiếp

Ông Lam của VCCI chi nhánh Cần Thơ nhấn mạnh: “Muốn đi lên tiếp, việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan về mặt thể chế để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh là điều cần thiết phải thực hiện”.

Theo ông Lam, về PCI, hầu hết chính quyền các địa phương (tỉnh, thành phố) đã nỗ lực khá tốt, cho nên, việc thay đổi cần thực hiện ở các Bộ, ngành Trung ương và cấp quận, huyện ở địa phương. “Về các chính sách đo lường ở địa phương hiện nay, rõ ràng là chính quyền đã làm khá rất tốt khi tỷ lệ hài lòng rất cao”, ông cho biết và nói rằng “lực cản” là ở hai đầu, tức ở cấp Trung ương của các Bộ, ngành và cấp quận, huyện ở các tỉnh,thành.

Theo ông, ở cấp Bộ, ngành, thì quy định rất chằng chịt và những hướng dẫn cũng rất “mờ mịt”, dẫn đến doanh nghiệp bị vướng. Trong khi đó, ở cấp quận huyện, thì cán bộ công chức, nhà quản lý cũng là lực cản trở do trình độ và khả năng hạn chế.

Từ vấn đề đặt ra, theo ông Lam, với cấp quận, huyện, thì chính quyền địa phương hoàn toàn có thể thay đổi thông qua việc đầu tư nâng cao năng lực cho cán bộ, tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất, cần phải tháo gỡ ở chính quyền cấp Trung ương là không dễ.

Về việc này, theo ông Tuấn, mới đây, VCCI đã gửi Chủ tịch Quốc hội và Chính phủ báo cáo rà soát, đánh giá các chồng chéo của pháp luật. Vấn đề này cũng được Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm và hiện nay đã có những chuyển động khá tích cực.

Cụ thể, về phía Quốc hội, những luật quan trọng như: Luật Đầu tư, Xây dựng và sắp tới là Luật Tài nguyên Môi trường, Bảo vệ Môi trường cũng được tập trung rà soát những chồng chéo, vướng mắc. “Như vậy, khi Luật Đầu tư, Xây dựng được ban hành thời gian tới, tôi hy vọng sẽ tháo gỡ được những “nút thắt” lớn hiện nay”, ông Tuấn kỳ vọng

Trong khi đó, về phía Chính phủ, đơn vị này đã nhanh chóng cho thành lập tổ công tác rà soát vướng mắc, chồng chéo ở các lĩnh vực, trong đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc là tổ phó tổ công tác. Hiện nay, 11 nhóm làm việc của tổ công tác đang rà soát các lĩnh vực khác nhau để phát hiện chồng chéo và đưa ra các kiến nghị giải quyết.

“Chúng tôi cũng rất ấn tượng là Quốc hội khi soạn thảo, rà soát luật, thì giai đoạn rà soát cuối cùng cũng có rà soát chồng chéo”, ông Tuấn cho biết và nói rằng cá nhân ông cũng được mời tham dự rà soát lần cuối về những luật như: Đầu tư, doanh nghiệp và Luật PPP. “Điều này rất tốt, cho nên, nếu được thực hiện đầy đủ và thực chất, thì chắc chắn những vướng mắc về thể chế sẽ được hỗ trợ giải quyết thời gian tới”, ông nhấn mạnh.

Còn về thúc đẩy ở cấp quận huyện, bà Phạm Thị Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua 12 năm liên tiếp nằm trong nhóm năm địa phương có chỉ số PCI cao nhất nước, Đồng Tháp luôn kiên định với chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Theo bà Đào, lãnh đạo tỉnh luôn khơi dậy tinh thần “công chức phải phục vụ cho doanh nghiệp” đến các sở ngành và các huyện thị trong tỉnh. Bởi lẽ, chính những đầu tư của doanh nghiệp mới mang lại việc làm, nguồn thu ngân sách cho địa phương. “Đó là điều chúng tôi xác định để cán bộ công chức có một thái độ tinh thần phục vụ tốt hơn”, bà cho biết và nói rằng khi xác định như vậy, thì công chức sẽ có nhiều hơn những sáng kiến tốt trong công việc, góp phần thúc đẩy PCI địa phương.

Theo ông Tuấn, mô hình “cà phê doanh nhân” của Đồng Tháp và sau này được nhân rộng ra hơn 40 địa phương khác là mô hình hiệu quả. Bởi lẽ, ở đó “tính hình thức” được loại bỏ, người lãnh đạo cao nhất của địa phương như bí thư, chủ tịch có thể biết được những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp gặp phải.

“Như vậy, nó tạo ra tính hiệu quả thực chất của hoạt động đối thoại và quan trọng hơn khi lãnh đạo tỉnh biết trực tiếp những khó khăn của doanh nghiệp, sẽ tạo ra áp lực cải cách mạnh mẽ đến các sở, ngành và huyện thị”, ông cho biết và nói rằng khi đó sự chuyển động của cấp dưới sẽ trơn tru và hiệu quả hơn.

Rõ ràng, nếu những khó khăn, nhất là ở cấp Trung ương được tháo gỡ hay nói cách khác “trần thể chế” được phá vỡ, thì hy vọng sắp tới đây công cuộc cải cách ở các địa phương sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa. Khi đó, doanh nghiệp sẽ được phục vụ tốt hơn, mang lại nhiều hơn giá trị thặng dư, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp cho ngân sách nhiều hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới