Thứ Sáu, 30/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhìn vào những đôi mắt trẻ

Hoàng Hiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tôi từng là một giáo viên, tuy đã nghỉ dạy nhiều năm nhưng luôn dành nhiều tình cảm mỗi khi nghĩ đến nghề dạy học. Tôi nhớ trong truyện ngắn Sống dễ lắm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết: “Sống dễ lắm, cứ nhìn vào mắt trẻ con mà sống”. Truyện ngắn ấy viết về các thầy cô giáo cắm bản vùng cao. Không có nơi nào buồn tẻ và khó khăn như nơi ấy. Thanh xuân của các thầy cô giáo, hoài bão của tuổi trẻ gắn với những ngày vượt lũ, trèo đèo lội suối vận động học trò đến trường. Trường lớp vá víu tạm bợ, thời tiết khắc nghiệt, nền đất lầy lội sau những trận mưa.

Ảnh: Thành Hoa

Một người bạn tôi cắm bản, năm nào cũng thu gom đồng phục cũ, kêu gọi bạn bè và tự bỏ tiền túi mình mua dép, mua tất mới cho học trò mùa rét. Trong những phóng sự mà chúng ta đã xem ở đâu đó có những cô giáo rơi nước mắt trước bữa cơm thiếu thốn của học trò, có cô giáo chèo thuyền chở học trò vượt sông đến lớp. Chúng ta lướt qua những clip ấy, gửi theo đó sự cảm thông rồi cũng quên dần, nhưng chuyện dạy và học đầy khó khăn đó vẫn còn nguyên. Làm thế nào để thầy và trò ở những nơi ấy có cuộc sống dễ chịu hơn, những buổi học được diễn ra trong lớp học khang trang hơn? Tôi đang cầm trên tay những cuốn lịch Tết 2024 in phong cảnh mùa xuân miền núi của Quỹ học trò nghèo vùng cao – chương trình Cơm có thịt. Cộng đồng chung tay nhưng điều đó chưa thể đủ để cải thiện mọi mặt cho thầy cô cắm bản và học trò.

Nhiều người bạn học cùng khóa với tôi đã chọn công việc khác vì không chịu nổi áp lực trong môi trường sư phạm. Nhất là khi ngành giáo dục nước mình còn nhiều bất cập. Đôi khi tôi tự nhủ, mình có hai đứa con mà nhiều lúc còn bối rối, còn mất kiểm soát cảm xúc. Trong khi trường lớp hệ công lập đa số quá tải, một lớp hơn năm mươi học trò. Những cô bé cậu bé lớp 1 ngơ ngác bước vào kỳ học nghiêm túc đầu tiên trong đời, những học trò cấp hai bắt đầu dậy thì thay đổi tâm sinh lý và các anh chị cấp ba ở giai đoạn “con ngựa chứng” – làm thế nào một giáo viên chủ nhiệm đưa lớp vào nề nếp, quan tâm sát sao được đến từng học sinh. Không có trợ giảng hay giáo viên quản nhiệm riêng như ở các trường quốc tế, thầy cô giáo phải đảm nhiệm tất cả những điều đó, từ sự an toàn của các em đến kiến thức, đến uốn nắn hành vi. Chưa kể đến những áp lực mà phụ huynh và cộng đồng khoác lên vai các thầy cô giáo.

Một người bạn của tôi đang tu nghiệp tại nước ngoài, bạn nói ở đó người ta không khoác hai chữ cao quý lên giáo viên. Nghề nghiệp nào cũng cần được coi trọng và mỗi người cố gắng làm tốt nhất công việc của mình. Sòng phẳng và đầy đủ.

Nhiều lần tôi tự hỏi, nước mình còn nghèo, sao lại chi quá nhiều tiền cho những công trình vô bổ hàng ngàn tỉ đồng để rồi nằm đắp chiếu. Tiền đó để xây thêm trường học ở thành phố đông đúc, để cải thiện bữa ăn cho học trò vùng cao, để mua thêm giáo cụ cho giờ học thêm sinh động thì tốt biết bao. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ cuộc đua của phụ huynh xin cho con vào trường có cơ sở vật chất tốt và những lá phiếu bốc thăm quyết định trường học của học sinh đã gây sốc cho cộng đồng mạng. Tôi nghĩ mong muốn con mình được học ở ngôi trường khang trang gần nhà không có gì sai. Vậy thì đã sai ở đâu?

Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Nghề giáo có gì vui không – tôi vẫn hỏi bạn bè mình như thế. Có chứ, nhìn vào những đôi mắt trẻ và hy vọng, cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình. Vừa trau dồi kiến thức vừa truyền thụ những gì hay nhất mà mình có cho học trò. Đấy là niềm vui lao động, niềm vui lao động như mọi nghề nghiệp khác. Làm tốt nhất công việc của mình và được tạo điều kiện làm việc một cách tốt nhất là điều người đi làm ai cũng mong muốn, giáo viên cũng vậy – được làm nghề say mê, không cần gắn thêm chữ “cao quý”!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới