Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

NHNN muốn kéo dài thêm sáu tháng cơ cấu nợ vì dịch bệnh Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

NHNN muốn kéo dài thêm sáu tháng cơ cấu nợ vì dịch bệnh Covid-19

Dũng Nguyễn

(KTSG Online) - Điểm sửa đổi chủ yếu là mở rộng thời gian để có thêm nhiều khoản nợ hơn được cơ cấu. Các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có thêm khoảng thời gian sáu tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thông tư 03 - mới ra đã e lạc hậu!

NHNN muốn kéo dài thêm sáu tháng cơ cấu nợ vì dịch bệnh Covid-19
Hình minh họa: TTXVN.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 (ban hành ngày 13-3-2020) và được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021 (ban hành ngày 2-4-2021), về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo thuyết minh dự thảo sửa đổi, điểm sửa đổi chủ yếu là mở rộng thời gian để có nhiều khoản nợ hơn được cơ cấu.

Cụ thể, theo điều 4, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng một số điều kiện sau.

Thứ nhất là áp dụng cho các khoản dư nợ phát sinh trước ngày 1-8-2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Quy định trong Thông tư trước đó là ngày 10-6-2020.

Thứ hai là số dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022. Thông tư 03 chỉ kéo dài đến 31-12-2021.

Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại dự thảo Thông tư này được kéo dài thời hạn thực hiện đến ngày 30-6-2022. Các tổ chức tín dụng quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh trước ngày 1-8, đến hạn thanh toán nhưng không có khả năng trả nợ đúng hạn gốc hoặc lãi theo hợp đồng thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dự thảo Thông tư lần 1 lấy ý kiến các đơn vị trong NHNN, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng đã đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022 là phù hợp.

Theo đánh giá của NHNN, việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm sáu tháng là do căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. “Khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có thêm khoảng thời gian 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh”, văn bản thuyết minh dự thảo Thông tư có đoạn.

Bên cạnh đó, dự thảo còn bổ sung thêm điểm mới là áp dụng cơ cấu nợ cho khoản nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021 và quá hạn từ ngày 17-7-2021 đến trước ngày thời điểm dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành. Theo NHNN, việc bổ sung để phù hợp với nguyên tắc xây dựng của Thông tư 01 và Thông tư 03 (đã có quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các số dư nợ quá hạn trước ngày Thông tư 01 và Thông tư 03 có hiệu lực thi hành).

Lý do vì trong khoảng thời gian từ ngày 17-7 đến ngày dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành, sẽ có “khoảng trống” nợ quá hạn không nằm trong phạm vi của Thông tư 01 và Thông tư 03. Do ngày 17-7 là ngày Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 969 áp dụng các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội.

Các khoản nợ của khách hàng phát sinh đến cuối tháng 7-2021 sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Hình: L.Vũ.

Trên thực tế, nhiều tổ chức tín dụng đã đề nghị NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 và Thông tư 03 để phù hợp hơn với diễn biến mới của dịch Covid-19 lần thứ tư bắt đầu tư ngày 27-4-2021 với phạm vi ảnh hưởng rộng hơn và có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước.

Các tổ chức tín dụng cũng có nhiều kiến nghị quan trọng, trong đó bao gồm cả việc đề xuất kéo dài điều kiện áp dụng cơ cấu nợ như trên. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề xuất NHNN xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính cho ngân hàng, giúp ngân hàng có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.

Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư không đề cập đến việc trích lập. Theo quy định tại Thông tư 03, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi roc ho toàn bộ khoản nợ được cơ cấu trong vòng ba năm, được thực hiện ngay từ năm nay.

Theo NHNN, quan điểm của cơ quan này là tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, xem xét cho vay vốn mới để phục hồi, duy trì sản xuất.  Tuy nhiên, vẫn phải giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống ngân hàng xuất phát từ việc Thông tư 01 tạm thời cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ (không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19).

Do đó, NHNN cũng “khuyến nghị” các tổ chức tín dụng và khách hàng cần thích ứng với thực trạng dịch Covid-19 tại Việt Nam để chủ động thỏa thuận, thống nhất các nội dung phù hợp với năng lực trả nợ và mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 của khách hàng để xác định tiếp tục hoạt động trong trạng thái "bình thường mới".

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới