Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

NHNN: Thông tư mới không hạn chế quyền mua nhà ở hình thành trong tương lai

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong thông báo mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định Thông tư 23/2023 không hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai và không trái với các quy định hiện hành.

NHNN cho rằng quy định trong thông tư 23 không cấm người mua nhà hình thành trong tương lai. Hình minh họa: Minh Hoàng

Trước những lo ngại liên quan về việc hạn chế vay vốn ngân hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai, chiều ngày 31-1, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo liên quan đến các quy định trong Thông tư 22/2023 (sửa đổi Thông tư 41/2016 quy định về tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại, chi nhánh  ngân hàng nước ngoài).

NHNN dẫn lại Khoản 10 Điều 2 Thông tư 41/2016 có quy định: “Khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản là khoản cho vay đối với cá nhân, pháp nhân để mua bất động sản, thực hiện dự án bất động sản và được bảo đảm bằng chính bất động sản, dự án bất động sản hình thanh từ khoản cho vay theo các quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo”. Theo đó, Thông tư 22/2023 không sửa đổi, bổ sung nội dung này.

Tuy nhiên, Thông tư 22 có điều khoản bổ sung Khoản 11 Điều 2 của Thông tư 41 quy định thêm khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ được xác định theo quy định của pháp luật về nhà ở đáp ứng các điều kiện.

Trong đó, có một điều kiện là "nhà đã hoàn thành theo hợp đồng mua bán". Điều kiện này chỉ áp dụng đối với khoản cho vay thế chấp nhà (được áp dụng mức hệ số rủi ro thấp hơn so với các khoản phải đòi được bảo đảm bằng bất động sản khác).

Khoản cho vay thế chấp nhà để mua nhà ở đáp ứng các điều kiện theo quy định trong đó có điều kiện phải hoàn thành để bàn giao và khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.

Còn trong trường hợp muốn xây, mua nhà ở hình thành trong tương lai thế chấp chính nhà ở hình thành trong tương lai này, sẽ thuộc trường hợp khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản theo quy định tại Khoản 10 Điều 2 Thông tư 41 và áp dụng hệ số rủi ro tương ứng theo quy định tại Khoản 10 Điều 9 Thông tư 41.

"Như vậy, quy định này không hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai, không trái với các quy định hiện hành, bao gồm Luật dân sự, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư 2020, Luật các tổ chức tín dụng”, văn bản của NHNN khẳng định.

NHNN cũng nói thêm rằng Thông tư không phải là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cấp tín dụng của tổ chức tín dụng mà hướng dẫn về việc xác định và áp dụng hệ số rủi ro đối với từng loại tài sản của ngân hàng (bao gồm cả các khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản và cho vay thế chấp nhà).

Trước đó, trong văn bản kiến nghị của mình, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HOREA) cũng tỏ ý lo ngại về Khoản 11 Điều 2 Thông tư 41/2016 đã được sửa đổi trong Thông tư 23. Lo ngại nằm ở khái niệm khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản đối với cá nhân mua nhà chỉ dành cho "đã được hoàn thành để bàn giao", tức nhà có sẵn.

Cuối tháng 12, NHNN ban hành Thông tư 22/2023, sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 41/2016. Thông tư này đặc biệt quan trọng vì quy định tỷ lệ an toàn vốn hoạt động, trong đó đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung liên quan đến cách tính rủi ro của các khoản vay thế chấp nhà. Bên cạnh đó, bổ sung khái niệm khoản vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.

1 BÌNH LUẬN

  1. Mọi đề xuất phải dựa trên cơ sở thực tiễn và có tầm nhìn đúng để định hướng cho tương lai. Thị trường BĐS ở ta hiện đang trong tình trạng vừa rối loạn, vừa đóng băng, nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Bao nhiêu dự án/ sản phẩm hiện đang lâm vào hoàn cảnh bế tắc, cả đầu vào đầu ra, nhưng vẫn chưa có giải pháp đột phá để tháo gỡ. Bên cạnh đó, các dự án mới phải được đề xuất trên cơ sở cập nhật các quy định pháp luật mới ban hành. Không nên có sự phân biệt giữa cũ và mới, tất cả phải được xem là nguồn lực của quốc gia, để lãng phí ngày nào là có tội ngày đó với dân với nước. Nghĩa là, trên cơ sở đề xuất của các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quản quản lý phải cân nhắc kỹ thực trạng, vừa có giải pháp quá độ phù hợp, sớm tháo gỡ những tồn tại cũ, vừa tạo điều kiện cho thị trường tiếp tục phát triển theo định hướng ổn định, bền vững lâu dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới