Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

NHNN: Tỷ giá VND/USD thả nổi nhưng có quản lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

NHNN: Tỷ giá VND/USD thả nổi nhưng có quản lý

Thùy Dung

NHNN: Tỷ giá VND/USD thả nổi nhưng có quản lý
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định tỷ giá thả nổi những vẫn có sự can thiệp của NHNN với biến động không quá lớn – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chiều nay 4-1, đã tổ chức họp báo đột xuất để thông tin về chính sách quản lý ngoại hối, và nhấn mạnh rằng chế độ tỷ giá của Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, căn cứ vào biến động hàng ngày của rổ 8 loại tiền tệ trên thế giới.

Tại buổi họp báo, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhấn mạnh rằng tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ sẽ linh hoạt và phụ thuộc vào ba nhóm yếu tố, gồm tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường liên ngân hàng, biến động của các đồng tiền là đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam, và cân đối vĩ mô.

Đây là biện pháp nhằm chống tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, giúp doanh nghiệp và người dân giảm thiểu được rủi ro với diễn biến thị trường, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, những biến động trên thị trường quốc tế ngày càng tác động tới tỷ giá trong nước. Dự kiến năm 2016, thị trường quốc tế tiếp tục có biến động lớn, ảnh hưởng tới thị trường trong nước, ví dụ như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất bốn lần trong năm 2016, và đồng nhân dân tệ đưa vào rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt và có nhiều biến động khó lường. Trong khi đó, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, do đó tỷ giá cần điều hành linh hoạt hơn từ năm 2016 trở đi.

Theo ông Dũng, hôm nay 4-1-2016 là ngày đầu tiên áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, theo đó, tỷ giá trung tâm là 21.896 đồng, tăng 6 đồng so với 21.890 đồng thời điểm cuối năm ngoái. Tỷ giá này căn cứ theo Quyết định số 2730 về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam (VNĐ) so với đô la Mỹ, tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam so với một số ngoại tệ khác. Do đó, thay vì công bố một mức tỉ giá cố định như trước đây, từ đầu năm 2016, hàng ngày NHNN công bố tỉ giá trung tâm của VNĐ với đô la Mỹ làm cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của VNĐ so với đô la Mỹ.

“Vậy vì sao lại có con số này?” ông Dũng đặt câu hỏi và giải thích cụ thể: tỷ giá trung tâm dựa trên ba trụ cột chính: tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường liên ngân hàng; tham chiếu dựa trên biến động của các đồng tiền là đối tác thương mại đầu tư chính của Việt Nam trên thị trường thế giới; và cân đối vĩ mô.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ phụ thuộc cả vào cung cầu trong nước và biến động quốc tế – Ảnh: Thùy Dung

Thực tế, theo ông Dũng, việc điều hành tỷ giá trên thế giới được chia thành hai nhóm: Thứ nhất là của Trung Quốc. Nước này dựa vào tỷ giá đóng cửa của phiên hôm trước làm tỷ giá tham chiếu cho ngày hôm sau. Tuy nhiên cách tính này có nhược điểm là tính vào giá cuối giờ nên có thể được làm giá theo ý chủ quan của tổ chức tín dụng lớn, khiến sự biến động tỷ giá rất mạnh.

Thứ hai là cách điều hành tỉ giá của các nước như Singapore, Kuwait… thì dựa vào tỷ lệ tham chiếu của nhóm đồng tiền trên thị trường tài chính quốc tế. Phương pháp này có ưu điểm là thể hiện sự phản ứng nhanh của thị trường quốc tế nhưng lại có nhược điểm là phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến thị trường quốc tế nên không phản ánh được cung cầu trong nước.

“Vì vậy, NHNN tính tỷ giá (sao cho) trung hòa được hai yếu tố là vừa phản ánh được cung cầu trong nước, vừa phản ánh được diễn biến của thị trường quốc tế”, ông Dũng nói.

Theo cách tính của NHNN, tỷ giá bình quân có trọng số trên thị trường liên ngân hàng sẽ chốt vào giờ đóng cửa của phiên hôm trước. Còn thị trường quốc tế, sẽ lấy 7 giờ sáng hàng ngày và chốt vào giao dịch gần nhất của lúc 7 giờ sáng.

“Ví dụ trên Reuters, chúng tôi sẽ đánh lệnh 7 giờ và liệt kê ra 5 phiên giao dịch gần nhất để lấy tham chiếu”, ông Dũng nói và cho biết thêm, với cách tính này sẽ có thể có những hôm tỷ giá trong nước tăng cao nhưng tỷ giá quốc tế có xu hướng giảm và tỷ giá trung tâm có thể sẽ giảm.

Vậy trọng số sẽ tính thế nào? Theo ông Dũng, tỷ giá 2015 chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tâm lý trước diễn biến thị trường quốc tế mà yếu tố cung cầu trong nước lại không bị ảnh hưởng nhiều. “Khảo sát của NHNN cho thấy có tới 93,4% diễn biến quốc tế phản ánh vào diễn biến tỷ giá trong nước năm 2015. Do đó, trọng số sẽ ưu tiên đáng kể cho diễn biến quốc tế để tính tỷ giá trung tâm”, ông Dũng nói.

Cũng theo NHNN, tỷ giá trung tâm sẽ dựa trên biến động của 8 đồng tiền của các nền kinh tế gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, và Thái Lan. Đây là tám đồng tiền của các nền kinh tế có tỷ trọng thương mại và đầu tư lớn nhất với Việt Nam. Đồng tiền của những nước còn lại, do tỷ trọng quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam quá nhỏ nên mức độ ảnh hưởng tới tỷ giá không đáng kể.

“Vì vậy, để công thức rõ ràng, dễ tính và có thể bám được hàng ngày, chúng tôi đã lựa chọn 8 đồng tiền như trên”, ông Dũng nói.

Tiếp thêm ý của ông Dũng, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, cho hay chế độ tỷ giá của Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý. Theo đó, thả nổi là linh hoạt hơn với thị trường nhưng vẫn phải có yếu tố quản lý của NHNN.

“Do đó, cách thức điều hành sẽ làm cho tỷ giá không biến động quá lớn”, bà Hồng nói và khẳng định, trên cơ sở NHNN công bố tỷ giá trung tâm, biên độ giao động của tỷ giá vẫn áp dụng là +/- 3%.

Vậy doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi cũng như gặp rủi ro gì so với cách điều hành tỷ giá mới? Về vấn đề này, ông Dũng cho hay, cơ chế tỷ giá mới biến động linh hoạt hơn sẽ giúp cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn, mua bán dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nếu như trước đây có những giai đoạn tỷ giá rất “lặng” nhưng NHNN có thể điều chỉnh đột ngột trong một ngày và doanh nghiệp nếu mua bán ngoại tệ vào thời điểm gần đó thì có thể bị thua lỗ, nhưng với cách điều hành mới thì tỷ lệ thay đổi sẽ nhỏ hơn rất nhiều.

Đối với người dân nắm giữ đô la Mỹ, bà Hồng cho hay, thu nhập và chi tiêu của người dân trên lãnh thổ Việt Nam phải bằng VNĐ trong khi vị thế đồng Việt Nam đang rất cao, năm 2014, lạm phát là 1,84%, và 2015 là khoảng hơn 0,6%, trong khi người dân đang được hưởng mức lãi suất là 4-5%.

Mặc dù còn nhiều thắc mắc của báo giới nhưng bà Hồng kết thúc buổi họp báo với một thông điệp: NHNN vẫn nhất quán và kiên định theo mục tiêu của chính sách tiền tệ, tức là ổn định thị trường ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vị thế của VNĐ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Đọc thêm:

Từ 4-1, NHNN công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày

Tỷ giá mới sẽ như thế nào?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới