(KTSG) - Nhân nước ta có hội nghị lớn về văn hóa, tiếp sau là hội thảo giáo dục, những chuyện quan trọng đã có người quan trọng nói, tôi chỉ xin kể ra vài trải nghiệm về văn hóa giáo dục.
Ông thầy hắc ám
Con gái tôi sinh ở Pháp, suốt thời tiểu và trung học có vài “sự kiện” khiến tôi nhớ mãi: Những ngày đầu vô lớp 4 con cứ than thầy “hắc ám”, bắt học sinh gọi vous chứ không cho gọi tu như các giáo viên cũ. Một số bạn nó nói do thầy trẻ nên làm phách. Quan hệ thầy trò quả xấu nếu không có buổi họp sau đó. Trước phụ huynh, thầy giải thích bắt bọn nhóc gọi vous bởi sợ gọi tu mãi chúng sẽ quên cách chia động từ ngôi thứ hai số nhiều - lối xưng hô cần thiết về sau.
Cũng vào năm lớp 4 con tôi bị rụng tóc, luôn khóc vì bạn trêu chọc. Bữa nọ cháu bảo thầy bận, cho học sinh nghỉ một ngày. Chuyện bình thường cho đến buổi liên hoan cuối năm, thầy “hắc ám” nói riêng với chúng tôi ông đã cố ý cho con tôi ở nhà hôm đó để khuyên bọn trẻ đừng trêu bạn. Phải nhiều năm sau, tôi mới nói với con bí mật này, khi cháu đủ trưởng thành để nhận ra đó là một lối hành xử nhân văn.
Quyển sách lạ
Cứ hè đến, trẻ em ở Pháp lại đòi phụ huynh dẫn đi mua sách, gia đình tôi cũng vậy. Trong lúc cha mẹ còn lúi húi nơi gian sách cho người lớn, bé con tôi đã chọn xong quyển Những bài thơ cho lễ các bà mẹ với bìa sách đơn sơ như vở học trò. Và “học trò” thật khi sách là hai mươi bài tập làm thơ nhân lễ các bà mẹ, của hai mươi học sinh lớp 5 trường Jean Boudin, cùng bút phê của cô giáo Irma Cran. Vừa về đến nơi bé con tôi đã nhào ra đọc, chốc chốc lại la ré: “Vui lắm, ba mẹ đọc thử đi!”. Chiều con, tôi đọc, đinh ninh những câu văn mẫu.
Bỏ qua những phần sai cô giáo phê trên mỗi trang, hai mươi bài thơ không có những gì tôi võ đoán. Trừ một em chép thơ của thi sĩ mới học, các bài đều có chung “công thức”: sau dăm câu yêu mến, các em đều… xin mẹ cái gì đó. Erika Mayeux viết: “Khi mặc áo hoa mẹ vô cùng đẹp. Con muốn mẹ cho con áo này khi mẹ chết”. Sophie Latrice thì muốn mua quà cho mẹ bằng cách chơi xổ số. “Nếu thắng con sẽ tặng mẹ món quà tuyệt nhất”. Lậm sâu tiền bạc là Juanita Blo, suốt bài thơ cô bé gọi tên hầu hết các danh họa, rằng muốn mua tranh họ làm quà cho mẹ nhưng không đủ sức, do đó… tự vẽ, ký tặng mẹ.
Dù chân phương hay nắn nót “thơ” của các em đều gan ruột. Sandra Lénère cho biết cô sẽ không làm quà cho mẹ nữa, vì nhiều năm nay mẹ đã vứt tất cả quà tặng tự tay cô làm lấy. Hoặc như Mastapha Tigue, sau hàng loạt hứa hẹn quyết tâm điều tốt đẹp - quét dọn, giữ em, ăn ít… - đã kết câu hờn tủi: “Để ít nhất một lần mẹ không nói ân hận đã sinh con, không ví con là địa ngục”. Bài tập cô giáo Cran tự nhiên, nhưng không tự dưng khi các em mở dạ.
Thử đọc vài dòng phê của cô giáo Cran. Với Erika, cô dí dỏm: “Viết thế cầm như em chờ mẹ chết nhanh để có áo ư?”. Với Sandra: “Cô hiểu em có lý khi buồn tủi, Không ít cha mẹ chưa đánh giá hết quà tặng làm nên bởi tình yêu và lao động của con. Em có thể đưa bài thơ này cho mẹ để mẹ hiểu em”. Và nghiêm khắc với Juanita: “Em có ông làm việc trong bảo tàng danh tiếng, có ba mẹ thành công trong việc bán tranh, và em thích khoe điều đó với mọi người. Nhưng cô muốn em hiểu tình yêu không thể mua bằng tiền bạc. Hãy yêu mẹ với tình yêu khiêm tốn, chân thành”. Đọc xong sách tôi cứ nhìn con mãi, thầm hỏi có chăng cái vùng tối thơ ngây nhưng bất trắc trong trí não non nớt?.
Niềm vui và vết thương
Một ngày từ trường về con gái đột nhiên ủ dột, bảo sẽ có bài kiểm tra Anh văn điểm xấu do “khác quan điểm” với cô. Sự thể như sau: Trong giờ tiếng Anh lớp 10, cô giáo người Mỹ giảng một truyện ngắn để học sinh tường thuật. Trong lúc giảng cô cứ trêu nhân vật béo phì trong truyện. Cả lớp phản đối. Cô giáo nói tại nước Pháp ít người béo nên các em khó chịu chứ ở Mỹ lối khôi hài đó bình thường. Tuần sau từ trường về, con hớn hở khoe không biết sao cô ngưng kiểm tra bài hôm trước. Con không biết sao nhưng tôi biết cô khó xử, rằng người lớn hay tự ái nhưng người lớn cũng hay tự vấn.
Cũng năm lớp 10, con có bài tập văn đáng nhớ: Đề cho phỏng vấn bất kỳ ai, và thay vì chọn thân nhân cho dễ, con tôi liều phỏng vấn cô giáo toán, “để biết suy nghĩ của giáo viên”. Đây là hai đoạn trích:
PV: Cái gì làm bà thích nhất trong nghề giáo? Có khi nào bà muốn đổi nghề?
- Là hứng thú thấy người khác nhận biết những gì mình truyền đạt. Bằng nghề giáo, tôi tin mình đang góp phần đưa xã hội tiến lên. Tôi không bao giờ muốn đổi nghề, thay đổi biện pháp thì có. Thí dụ khi tôi có nhiều học sinh dở có nghĩa tôi là cô giáo dở. Tôi tin tôi đã học được rất nhiều từ học sinh của tôi. Chính nhờ học sinh mà các nhà giáo trở thành nhà giáo tốt.
PV: Nếu có cuộc sống thứ hai, bà có làm khác những gì hiện nay?
- Không. Tôi sẽ thử làm nhà giáo dịu dàng hơn, bởi tôi nghĩ không phải lúc nào tôi cũng tử tế với học sinh. Cho dù có nhiều chuyện không hay trong cái nghề này, tôi vẫn hài lòng với lựa chọn của mình. Tôi thấy trong học sinh hình ảnh con cái...
Nhưng giáo dục ở đây cũng có chuyện không vui. Ví như chuyện cô giáo tiếng Pháp hồi con tôi lớp 5: phần lớn học sinh đều bị cô nhận xét không có bạn, trong khi thực tế bọn trẻ thân thiết. Tổn thương nhất là chuyện cô nói P. bị điếc, khiến cha mẹ em hốt hoảng đưa con đi khám; để biết mọi thứ ổn. Năm học thành vết thương. Niềm vui và vết thương, người làm văn hóa giáo dục phải cân nhắc điều đó.
Giáo viên là nền tảng. Học trò là trung tâm. Giáo dục là phương tiện. Làm người đàng hoàng mới là mục đích cuối cùng. Những phương châm này đôi khi bị lẫn lộn, vì thế khó hình thành một triết lý ổn định lâu dài. Không ở đâu có hiện tượng nghịch lý như ta, học sinh giỏi quốc tế thuộc diện hàng đầu thế giới, nhưng xếp hạng chất lượng giáo dục lại lẹt đẹt toàn cầu. Vấn đề là chưa biết cách nhân bản những cá nhân giỏi cá biệt thành những tập thể thực sự giỏi.