(KTSG) - Phú bảo, em về Bảo Lộc chỉ có hai thứ nhiều nhất là làm việc và nhớ. Bên chỗ em làm suốt từ sáng tới tối mà không hết việc, cuối tuần cũng tranh thủ đi làm cho kịp. Ở thành phố nhỏ, kiếm được việc làm có thu nhập tốt ai cũng quý, nên ai cũng miệt mài hết. Hỏi thu nhập bao nhiêu, Phú trả lời gấp đôi hồi ở Sài Gòn. Vậy là cao thật!
Còn nhớ gì? Em nhớ hồi làm ở Sài Gòn. Hồi mới ra trường, đi làm vui. Ở Sài Gòn lại có nhiều chỗ đi chơi, thêm... mấy mối tình. Phép cộng ấy thật dễ thương cho một thời rất trẻ.
Nỗi nhớ bất chợt lắm, bùng dậy như từ trong đám lửa tàn. Có đứa bạn nào gọi hỏi thăm nó cũng bừng dậy. Ăn một món giống ở sài Gòn từng ăn nó cũng gợi kỷ niệm một người. Và tụi bạn mỗi lần đi Đà Lạt ngang qua là ồn ào như hồi còn đi học. Cơn ồn ào hội ngộ đã qua theo đám đông, em nhìn theo và nhớ về ngày cũ, nhớ âm thầm.
Bảo Lộc đang lúc đô thị hóa. Nhiều người lui tới lắm. Thành phố mở rộng liên tục, có lúc ầm ầm xây dựng như một đại công trường. Nhưng mỗi lần đi ngang qua đèo Bảo Lộc vắng vẻ, em vẫn thấy mình cách biệt. Nó như một dãy tường thành đánh dấu phía trên là cao nguyên, phía dưới là đồng bằng. Hơi lạnh ở hai nơi cũng khác.
Tổ tiên để lại cho Phú một quả đồi, và là con duy nhất nên bạn quay về Bảo Lộc khi cha già ngày càng yếu. Quả đồi giờ làm quán cà phê cho giới trẻ “check in”, có hôm săn được mây vào buổi sớm. Giới trẻ từ cả nước nhưng trước khi lên đây đều tụ ở Sài Gòn. Trẻ trung, dễ thương lắm. Có nhóm mang theo đàn lên văn nghệ nữa. “Ngồi ở đây, vẫn hay nhớ một người!”.
Ừ thì, nhớ một người tốt chớ sao. Nhớ trong lúc thời gian chưa dài để đẩy mọi thứ lùi xa.
Hôm cuối năm có dịp ghé Bảo Lộc thì Phú đã đi biển cùng bạn. Đi mà cứ nhắn hỏi hoài, để gửi cà phê cho người bạn ở Sài Gòn. Ai rồi cũng sẽ quên quá khứ, chắc chắn rồi. Nhưng mai này, Phú có quên đi những ngày Sài Gòn cũ, lòng người ở lại vẫn dịu êm bởi những mùa trôi qua rất khẽ khàng, bởi nhiều buổi bình minh mà những tia nắng long lanh vẫn đọng trên giọt sương đêm hôm trước!