Nhớ nồi bánh chưng quê nhà!
Quốc Hùng
Hình ảnh nấu bánh chưng sum vầy với trẻ thơ - Ảnh minh họa: internet |
(TBKTSG Online) - Trên đoạn đường Cống Lở, Quận Bình Tân vào trung tâm TPHCM đêm khuya, thằng bé 5 tuổi cứ thắc mắc hỏi ba nó: ba ơi, mấy cái nồi gì đen xì, to đùng nước sôi sùng sục trên bếp lửa đầy khói thế? Câu hỏi bất chợt của thằng bé làm người cha phải tập trung quan sát kỹ hơn những bếp lửa bên vệ đường vừa mới xuất hiện những buổi tối gần đây. ‘À, nồi bánh chưng đó con’, người cha nói.
Nhìn một vài bếp lửa lác đác bên vệ đường và trước hiên nhà của một số gia đình trên tuyến đường này, không riêng thằng bé quan tâm mà những người đi đường ít nhiều cũng phải ngoái người lại nhìn với vẻ tò mò, và có lẽ là thoáng chút bùi ngùi nhớ lại chất mộc mạc ở làng quê năm nào khi những ngày Tết đến. Một số người xa quê đang sinh sống ở khu vực này đã cố giữ lại không khí ngày Tết ở quê nhà năm nào bằng việc đốt lửa nấu bánh chưng, bánh tét vốn được bán quanh năm ở thành phố đông đúc này.
Sài Gòn về đêm khuya của những ngày cuối năm se lạnh, ngắm những nồi bánh chưng bốc khói dưới bếp lửa hồng được dựng tạm bằng mấy viên gạch, người cha cảm thấy ấm lòng hơn và một chút gì đó nhớ lại hình ảnh quê nhà ở miền Trung xa xôi của mình.
Thấy thằng bé tò mò hỏi về nồi bánh, người cha dừng xe lại trước một bếp lửa để thằng bé được quan sát kỹ hơn. Vừa lúc đó, gia chủ cũng chêm thêm nước vào, nồi bánh bốc khói nghi ngút với mùi hương thơm của hạt nếp, đậu xanh lồng vào lá dong đang chín tới. Thằng bé hít một hơi dài rồi thốt lên: bánh thơm quá hả ba! Và khi gia chủ vớt cái bánh đầu tiên ra xem đã chín chưa, thằng bé lại thốt lên: A..., bánh này giống mẹ mới mua ở siêu thị sáng nay quá hả ba!
Người cha gật đầu trả lời con, ừ mẹ mua để cúng giao thừa và cho cả nhà ăn Tết đó con. Thằng bé lại hỏi tiếp: nhưng sao bà không mua bánh ở siêu thị như mẹ mà phải nấu giữa đêm khuya ở ngoài trời vậy ba?
Câu hỏi của thằng bé trong khung cảnh thấm đẫm chất quê mộc mạc đêm khuya dần thưa vắng người đi lại giữa đô thị đông đúc này khiến người cha cảm thấy cay cay trong khóe mắt, hồi tưởng lại nồi bánh chưng đầy khói hơn 20 năm trước ở quê nhà mà mỗi khi Tết đến cả nhà quây quần bên nhau, mỗi người một nhiệm vụ cho việc nấu bánh.
Cái khoảnh khắc háo hức mong Tết từng ngày của người cha ở quê lúc còn trẻ thơ khi đó không giống như thắng bé lúc này. Đó là vào những ngày giữa tháng Chạp lạnh giá, hạt sương còn đọng trên những cành cây, mỗi khi thức dậy người cha - khi ấy còn là một cậu bé - cứ hé mắt nhìn ra sân xem mai đã được nhặt lá, mẹ đã đi chợ sắm Tết chưa, bố đã sẵn sàng củi cho việc nấu bánh thế nào rồi, phiên chợ cuối năm đã họp chưa… Và rồi ngày ấy cũng đến, cô Ba thì cắt thịt heo, xắt hành củ, cô Tư thì vo nếp, hầm đậu; người cha khi đó cũng có nhiệm vụ lau sạch lá chuối, còn bà nội là "bếp trưởng" lo khâu “pha chế” kiêm cả việc gói bánh thật chắc và vuông vức.
Ký ức đáng nhớ nhất là lúc nấu bánh, tiết trời lạnh của miền Trung vào xuân đã được sưởi ấp bằng bếp lửa hồng nghi ngút hơi khói của nồi bánh sôi sùng sục ở phía hiên sau nhà, cả nhà ngồi bên nhau nhiều giờ đồng hồ để chờ được thưởng thức thử cái bánh đầu tiên nóng hổi khi vừa chín tới. Điều thú vị là cả nhà được quây quần canh nấu bánh với nhiều câu chuyện của cả một năm lam lũ, cùng bao chuyện phiếm thường ngày, và mọi người luôn túc trực việc xách nước giếng chêm vào nồi mỗi khi cạn nước.
Không chỉ nhà bà nội; bên kia hàng rào, nhà bà Năm, nhà ông Chín, bà Thừa… cũng ngun ngút bếp hồng, rộn ràng với nồi bánh chưng chuẩn bị cho những ngày Tết… Cả làng khi đó dù còn nghèo và lam lũ với nghề nông nhưng những ngày Tết cận kề thì nhà nào cũng đi cắt lá chuối, tước lạt tre để sẵn sàng cho việc gói bánh cúng tổ tiên đêm giao thừa.
Hôm sau, ai cũng thấy mệt nhừ vì thức đến gần sáng nấu bánh, nhưng lại cảm thấy thật vui với khoảnh khắc ấy mà dù đã trưởng thành và đi đâu xa, làm ăn ở phương trời nào cũng không thể nào quên được. Có lẽ những hình ảnh cụ bà nấu nồi bánh chưng bên vệ đường giữa đô thị phồn hoa trên tuyến đường này thằng bé khó có thể cảm nhận được ý nghĩa như ba nó bởi nó còn quá bé, chưa bao giờ được chứng kiến những khoảnh khắc ấy. Và cũng giống như bao đưa trẻ khác, với nó bánh chưng không còn là món ăn phải chờ đến Tết mới có mà chỉ cần ra cửa hàng, đến siêu thị hoặc tiệm bánh mì gần nhà là có thể tìm thấy ngay.
Cho đến nay ở quê xa, cứ mỗi lần Tết đến, bà nội của cậu bé vẫn cố gắng thu xếp nấu nồi bánh chưng để cúng tổ tiên và có món Tết dọn ra cho con cháu dùng. Và gần đây, năm nào cũng vậy, dù hết Tết nhưng bánh bà nội làm lúc nào cũng còn dư nhiều vì những đứa cháu bây giờ dường như không còn ham hố những chiếc bánh do bà tự nấu từ gạo nếp, thịt, đỗ như thời cha của chúng nữa. Rồi bà lại phân chia cho mỗi người con vài cái bánh, mang theo để trở lại thành phố tiếp tục với một năm mới bươn chải, bận rộn với việc mưu sinh...
Dù con cháu không còn mê ăn bánh chưng, bánh tét như xưa, nhưng với bà nội thì ngọn lửa ấm áp, nồi bánh sôi sùng sục vẫn là một chút gì còn lại sau bao đổi thay của cuộc sống này. Còn với ba của thằng bé thì được nhìn thấy nội ngồi gói từng cái bánh mới thấy Tết thật sự. Cái hình ảnh bình dị và thân thuộc đó không dễ gì nhìn thấy được ở Sài Gòn. Người cha chỉ nghĩ và lo một điều, không biết mình sẽ còn được nhìn cái hình ảnh này của nội tới bao giờ, và tự nhũ những năm tới sẽ cố gắng thu xếp công việc, trở về quê trước Tết vài ngày để cùng nội nấu nồi bánh chưng thật ấm áp. Biết đâu, từ đây thằng bé cũng sẽ "cảm được" cái cảm giác như ba của nó nếu một mai vắng bóng nồi bánh chưng ngày Tết ven đường ở đô thị đông đúc này.
Mời đọc thêm:
>>> Giữ nồi bánh tét