Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhổ răng… không đau!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhổ răng… không đau!

BS.Lê Hùng (*)

minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Trong bệnh cảnh đau dây thần kinh số V, cơn đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội hay xuất hiện từ nhẹ đến nặng dần. Một số bệnh nhân khởi đầu cơn đau với những triệu chứng tương tự đau răng. Nếu nha sĩ không có kinh nghiệm, bệnh nhân có thể bị… nhổ răng một cách oan uổng.

Đau có lẽ là nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của người bệnh. Người ta có thể không sợ chết nhưng lại không chịu được những cơn đau đớn hành hạ triền miên!

Trong hội chứng đau nhức, bệnh lý đau dây thần kinh số V có lẽ là nỗi ám ảnh thực sự đối với bệnh nhân vì những cơn đau khủng khiếp của nó. Chúng ta cần biết về cơn đau này để phòng tránh cũng như điều trị kịp thời, hạn chế tính chất dữ dội của nó.

Dây thần kinh số V, hay còn gọi là dây thần kinh tam thoa, là một trong 12 dây thần kinh sọ não quan trọng của cơ thể. Dây thần kinh này bắt nguồn từ bốn nhân (1 nhân vận động và 3 nhân cảm giác) ở thân não, rồi chạy ra vùng ngoại biên; sau khi vượt qua xương đá, các thân của dây thần kinh nở rộng ra thành hạch Gasser. Từ hạch này, dây thần kinh phân thành ba nhánh chính chi phối vùng bên mặt và đầu.

Bệnh đau dây thần kinh số V thường xuất hiện khi bệnh nhân đã lớn tuổi, sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Độ tuổi thường gặp vào khoảng 60-70 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế tuổi nào cũng có thể bị bệnh này. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội hay xuất hiện từ nhẹ đến nặng dần. Một số bệnh nhân khởi đầu cơn đau dây thần kinh V với những triệu chứng tương tự như đau răng, làm bệnh nhân phải đến nha sĩ để khám răng.

Nếu không có kinh nghiệm, sau khi thăm khám, một số nha sĩ sẽ chẩn đoán đây là bệnh lý của răng và nhổ răng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau khi nhổ một cái, hai cái, rồi ba, bốn cái răng (thường là những răng hàm lớn vì cơn đau thường khởi phát ở góc hàm), cơn đau chẳng những không giảm mà càng lúc càng tăng. Đến lúc này bệnh nhân mới được chẩn đoán là đau dây thần kinh số V.

Khi đau dây thần kinh số V, bệnh nhân thường bị đau từng cơn, mỗi cơn cách nhau một vài phút. Cơn đau có thể bắt đầu từ vùng trán, vùng góc hàm, vùng thái dương, quanh mũi, má… Đến giai đoạn toàn phát, với sự dữ dội và khốc liệt của cơn đau, người bệnh có cảm giác như bị dao đâm, điện giật, bị đốt cháy, xuyên thấu bởi một dùi sắt nung đỏ, đau như xoắn vặn, cào cấu…

Cơn đau lan theo đường đi của nhánh dây thần kinh V rất đặc trưng như lan lên vùng bên trán và trên thái dương (nhánh V1), vùng giữa bên mặt, mũi, má (nhánh V2), vùng hàm dưới, cằm (nhánh V3). Bệnh nhân kêu rên vật vã liên tục vì không chịu đựng nổi. Cơn đau sẽ nặng thêm nếu bệnh nhân bị đụng chạm vào những vùng nhạy cảm trên mặt (những điểm này được gọi là những điểm cò súng – trigger points). Chính vì vậy, trong quá trình thăm khám, thầy thuốc cần cẩn thận để không tạo thêm cơn đau cho bệnh nhân.

Cơn đau dữ dội làm bệnh nhân không dám há miệng nhiều để đánh răng, súc miệng và ăn uống đầy đủ. Nếu cơn đau kéo dài nhiều ngày, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái suy kiệt do vừa chống đỡ với stress gây đau đớn, đồng thời không được cung cấp đủ thức ăn và nước uống. Trong giai đoạn này, thầy thuốc phải tìm mọi cách để cung cấp đầy đủ năng lượng, nước và các chất điện giải cho bệnh nhân.

Việc phát hiện nguyên nhân gây đau dây thần kinh số V khá khó khăn. Thông thường, đó là do một nhánh động mạch nhỏ (đôi khi là tĩnh mạch) chèn ép lên dây thần kinh hoặc những mảng xơ cứng trong bệnh lý xơ cứng rải rác (multiple sclerosis), hay xuất hiện một u nhỏ lành tính chèn ép vào thân, rễ dây thần kinh. Trên thực tế có nhiều bệnh nhân không tìm được nguyên nhân gây bệnh (vô căn). Sau một thời gian chịu đau, bệnh nhân có thể lành hẳn mà không để lại di chứng gì.

Việc điều trị đau dây thần kinh số V khá khó khăn, khả năng tái phát khá cao, nhưng bệnh có thể điều trị được. Khoảng 70% bệnh nhân được điều trị thành công bằng nội khoa, chỉ có 30% phải trải qua phẫu thuật.

Khi có triệu chứng của bệnh, nên đến bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được điều trị với những loại thuốc chống động kinh, có thể phối hợp với một vài loại thuốc khác như thuốc chống trầm cảm, an thần, thuốc kháng viêm không steroid… Tuy nhiên, các thuốc loại này có thể gây ra một số phản ứng phụ độc hại. Chính vì vậy, thầy thuốc phải cân nhắc trước khi điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt khi cần kết hợp nhiều loại thuốc với nhau.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được cung cấp đầy đủ năng lượng (đạm, đường, mỡ), các loại vitamin, khoáng chất, nước và các chất điện giải.

Trong giai đoạn nhẹ và vừa, người bệnh nên điều trị bằng y học cổ truyền (YHCT). Bệnh đau dây thần kinh V được YHCT xếp vào chương bệnh đầu thống (nhức đầu), bao gồm nhiều thể bệnh khác nhau như can hỏa vượng, can uất hóa hỏa, can thận hư hàn, đờm thấp… Mỗi thể bệnh có phương huyệt, bài thuốc chữa trị phù hợp.

Nếu được thầy thuốc YHCT giỏi chẩn bệnh chính xác và lập phác đồ điều trị đúng với bệnh lý của bệnh nhân thì việc điều trị bằng những phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, day bấm huyệt… kết hợp với các loại dược thảo là một phương pháp điều trị có kết quả tốt và không có phản ứng phụ độc hại.

Dù điều trị bằng phương pháp nào, chúng ta cần hiểu rằng trong cơn đau đớn dữ dội, bệnh nhân rất sợ hãi, hoảng hốt, suy sụp và cô đơn! Chính vì vậy, thầy thuốc cũng như người nhà phải tư vấn, an ủi, chia sẻ và động viên bệnh nhân hàng ngày để họ có đủ sức mạnh, ý chí vượt qua cơn đau.

Cuối cùng, khi những phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, thầy thuốc phải tính đến chuyện phẫu thuật cho bệnh nhân. Một số phương pháp phẫu thuật hiện nay đang được tiến hành cho những bệnh nhân bị đau dây thần kinh số V nặng như tiêm thuốc vào dây thần kinh, cắt đứt các nhánh thần kinh ngoại biên của dây số V, phá hủy hạch thần kinh số V, phẫu thuật giải tỏa sự chèn ép của mạch máu, khối u…

Đau dây thần kinh số V là một bệnh cảnh đau nặng nề, dữ dội, có khi người bệnh không chịu đựng nổi. Tuy nhiên, bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được nên người bệnh không nên lo lắng thái quá làm suy mòn cơ thể, khiến bệnh nặng thêm. Vấn đề phòng bệnh chung là tập luyện cơ thể, tập luyện tinh thần để có được một tinh thần thư thái, an lạc, mạnh mẽ trong một thân thể tráng kiện là điều rất cần thiết. Nếu bệnh có đến, hãy bình tĩnh tìm thầy thuốc giỏi để điều trị cho đến khi lành hẳn.

__________________

(*) Nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới