Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu biết sự thật về nguồn gốc tạo ra đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhu cầu biết sự thật về nguồn gốc tạo ra đại dịch

Nguyễn Đăng Anh Thi (*)

(TBKTSG Online) – Đại dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi, nhưng nó sẽ hằn sâu trong ký ức nhiều thế hệ và in đậm trong lịch sử loài người. Và nhu cầu biết được sự thật về nguồn gốc tạo ra cơn đại dịch này là một điều chính đáng của bất kỳ quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào trên hành tinh này.

Nhu cầu biết sự thật về nguồn gốc tạo ra đại dịch
Tuyến đường đi bộ ven biển Vancouver, Canada. Ảnh: Nguyen Dang Anh Thi

Cuối tuần trước, tôi có chuyến đi bộ trong một công viên ven biển Vancouver, Canada. Vì phải đảm bảo giãn cách xã hội, tôi luôn quan sát dòng người từ xa để điều tiết nhịp bước của mình. Lẫn trong dòng người lác đác ấy, tôi bỗng để ý một anh chàng có dáng vẻ khác lạ đang dắt cún cưng đi dạo. Anh ta mặc áo trùm đầu, đeo khẩu trang kín mít, và không ngừng quan sát xung quanh. Khi đến gần, tôi bỗng nhận ra người quen.

"Hey, Steves, anh thế nào? Sao hôm nay trông lạ thế?", Steves giật mình, tay kéo con chó lùi lại vài mét, ra dấu cản tôi. Con chó giật mình sủa ăng ẳng.

"Ấy ấy, anh đứng đấy!", anh ta nói, vẻ mặt rất lo lắng. Steves nói tiếp: "Chào Thi, tôi khỏe. Nhưng tôi phải rất thận trọng khi ra đây. Khuyến cáo của Y tế trưởng (Chief Health Officer) là phải đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Các anh đã nói đúng, tôi sai!".

"Tôi biết mà, vậy anh bảo trọng nhé!". Tôi quá ngạc nhiên về sự thay đổi của Steves. Mới đầu tháng ba vừa rồi, tôi tình cờ biết anh ấy trong một cuộc phỏng vấn nghiên cứu nhóm tập trung (focus group) về cách đối phó Covid-19 tại Canada. Một nhóm gồm 8 người được chọn đại diện theo xuất xứ, nghề nghiệp và tuổi tác, gặp nhau tại một địa điểm.

Người điều phối liên tục nêu các câu hỏi, và mỗi chúng tôi phải nêu quan điểm về mối nguy của Covid-19, đánh giá các giải pháp chống Covid-19 được áp dụng tại Canada. Tôi để ý đến Steves vì anh ấy là người phản đối mạnh mẽ nhất những ý kiến lo ngại về sự lây lan nguy hiểm của Covid-19. Steves là người da trắng, dân Canada thế hệ thứ hai, vốn chuyển từ Calgary về sống tại Vancouver hơn 20 năm nay.

Andrew, một người gốc Trung Quốc, và tôi luôn nêu ý kiến cần hết sức thận trọng với Covid-19, viện dẫn trường hợp Vũ Hán đang bị phong tỏa khốc liệt. Andrew chia sẻ, người thân anh ấy từ Trung Quốc gửi những đoạn phim kinh hoàng về tình trạng dịch bệnh tại Vũ Hán. Lúc ấy, mỗi ngày vẫn có hơn 120 chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc đến Vancouver.

Andrew cho biết nhiều người Trung Quốc đến Vancouver thời điểm đó như thiên đường tránh dịch, họ nhập cảnh rồi tỏa đi khắp nơi. Thậm chí có người gốc Trung Quốc còn viết thư đến báo Richmond News đề nghị cấm tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc. "Đó là một mối nguy cực lớn!", Andrew cảnh báo.

Đáp lại, Steves luôn cười khà khà: "Cùng lắm là như cúm mùa thôi".

Khi cả nhóm được hỏi về những thay đổi trong sinh hoạt do Covid-19, Steves nói: "Tôi vẫn sẽ như thường, vẫn vui chơi, việc gì phải lo". Chúng tôi, những người gốc Á, lắc đầu nhìn nhau. Vài người khác dân Trung Mỹ, Nam Mỹ thì giữ thái độ thận trọng.

Và Steves giờ đã khác xa chính anh ấy lúc tôi gặp lần đầu. Điều gì đã tạo ra sự thay đổi đột phá ấy?

Tôi không dám khái quát hóa Steves như là đại điện của những người phương Tây, nhưng trải nghiệm của tôi cho thấy họ có xu hướng tin vào các nhà chuyên môn hơn là tin vào người thường như chúng tôi. Ta hay nói đến người phương Tây duy lý là vậy. Ví dụ, với vấn đề pháp lý, họ phải nhờ luật sư. Về vấn đề sức khỏe, họ chỉ tin bác sỹ. Mỗi người mỗi nghề, sự phân công xã hội rất rõ ràng.

Trong trường hợp Covid-19, tôi thấy rằng tiếng nói của Y tế trưởng liên bang và các tỉnh bang tại Canada có trọng lượng hơn cả các chính trị gia. Họ là những chuyên gia y tế đầu ngành, nắm quyền tối cao về chuyên môn và đóng vai trò cố vấn cho Bộ trưởng Y tế để công bố tình trạng khẩn cấp, từ đó các lực lượng hành pháp thực thi và cưỡng chế.

Chỉ vài giờ sau buổi nghiên cứu của chúng tôi, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Dồn dập sau đó, chính quyền liên bang và các tỉnh bang tại Canada ban hành các lệnh hạn chế đi lại, công bố tình trạng khẩn cấp y tế, khẩn cấp tỉnh bang. Số người chết tại châu Âu, Mỹ và Canada trong vài tuần tiếp theo bắt đầu tăng lên chóng mặt.

Quốc gia, lãnh thổ có từ 20.000 ca mắc Covid-19 trở lên. Số liệu cập nhật đến 8 giờ 30 phút, ngày 8-5.

 

Có ý kiến cho rằng phương Tây chủ quan trong chống dịch dù có nhiều thời gian chuẩn bị, nên phải trả giá. Tôi thừa nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump có những phát biểu và hành động tiền hậu bất nhất, nhưng điều đó không có nghĩa toàn phương Tây chủ quan. Sự chủ quan, nếu có, là các quốc gia này quá tin vào những hướng dẫn của WHO và đặc biệt là người đứng đầu tổ chức này.

Trước khi công bố đại dịch, chính WHO tuyên bố Covid-19 không lây từ người sang người(1). Khi Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hôm 31-1 và cấm nhập cảnh người nước ngoài đã tới Trung Quốc(2) trong vòng 2 tuần, cũng chính ông Tedros phản đối.

Ông phát biểu: "Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi tất cả các quốc gia không áp đặt các hạn chế gây cản trở không cần thiết đến du lịch và thương mại quốc tế. Những hạn chế như vậy có thể có tác dụng làm tăng sự sợ hãi và sự kỳ thị, với rất ít lợi ích cho sức khỏe cộng đồng"(3).

Mối nghi ngờ của ông Tedros không phải là không có cơ sở. Động lực nào phía sau Tedros khi ngày 20-1, Trung Quốc đại lục thừa nhận virus lây từ người sang người nhưng mãi đến 10 ngày sau, WHO mới ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, đồng thời phản đối lệnh cấm đi lại của Mỹ?

Sẽ rất nhiều thử thách cho hàng triệu nạn nhân của Covid-19 toàn cầu được thực thi công lý.

Nhưng chỉ có một sự thật duy nhất về Covid-19, dù ai đó tìm cách phi tang dấu vết hay đổ lỗi.

Và bây giờ, Mỹ và một loạt nền kinh tế ở châu Âu đều "vỡ trận" vì Covid-19 (4). Trong khi đó, Việt Nam và Đài Loan là những điểm sáng trong phòng chống dịch bằng việc duy trì số ca nhiễm trong vòng kiểm soát và đạt được những thành công mà quốc tế ghi nhận. Điều gì tạo nên sự thành công khác thường này, dù Việt Nam và Đài Loan sát ngay Trung Quốc?

Theo tôi, cốt lõi chính là "biết ta biết người trăm trận trăm thắng" trong Binh pháp Tôn Tử.

Rất sớm, ngày 31-12-2019, Đài Loan đã cảnh báo WHO về khả năng Covid-19 lây nhiễm từ người sang người nhưng không được sự quan tâm thích đáng của tổ chức này (6).

Giờ đây, đáp lại làn sóng kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 đang dâng cao, Trung Quốc vẫn một mực từ chối, kiên quyết phản đối mọi cuộc điều tra quốc tế "mang tính chính trị" về Covid-19(7).

Từ virus Vũ Hán sang SARS-CoV-2, thế giới đã nhất trí đặt tên con virus chết người này theo cách không nhắc đến tên nơi khởi phát dịch để tránh kỳ thị và gây hoang mang. Trung Quốc đã hưởng lợi từ việc đặt tên ấy. Nhưng điều đó không có nghĩa loài người không biết Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán (8).

Khi đã thừa nhận đại dịch là vấn đề toàn cầu, thì việc toàn cầu mong muốn cùng Trung Quốc điều tra nguồn gốc virus để ngăn ngừa những thảm họa tương tự trong tương lai là một yêu cầu chính đáng. Liên tưởng đến hành động lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để tăng cường hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và Malaysia trên Biển Đông vừa qua (9), theo quan điểm cá nhân của tôi, trừ khi họ đang có điều gì mờ ám, việc điều tra này cũng sẽ hữu ích cho nhà cầm quyền Bắc Kinh nâng cao sự minh bạch và có trách nhiệm của họ với cộng đồng quốc tế.

Đại dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi, nhưng nó sẽ hằn sâu trong ký ức nhiều thế hệ và in đậm trong lịch sử loài người. Chúng ta đã bắt đầu thấy những đổi thay do Covid-19 đem lại, cả tích cực lẫn tiêu cực, mà xã hội đang từng bước tìm cách thích ứng.

Vượt trên tất cả, nhu cầu biết được sự thật về nguồn gốc tạo ra cơn đại dịch này là một điều chính đáng của bất kỳ quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào trên hành tinh này.

Sẽ rất nhiều thử thách cho hàng triệu nạn nhân của Covid-19 toàn cầu được thực thi công lý. Nhưng chỉ có một sự thật duy nhất về Covid-19, dù ai đó tìm cách phi tang dấu vết hay đổ lỗi.

(*) Tác giả Nguyễn Đăng Anh Thi là một chuyên gia về môi trường tại Canada

(1)https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/who-virus-viem-phoi-la-khong-lay-tu-nguoi-sang-nguoi-20200113192045546.htm

(2)https://vnexpress.net/dich-viem-phoi-corona/my-cam-nguoi-tung-den-trung-quoc-4048670.html

(3)https://edition.cnn.com/asia/live-news/coronavirus-outbreak-02-04-20/h_267d4c445f4bf4730abca05eccc62c67

(4)https://vnexpress.net/vi-sao-my-thanh-vung-dich-lon-nhat-the-gioi-4087394.html

(5)https://vnexpress.net/chu-tich-tp-hcm-neu-1-000-nguoi-nhiem-benh-la-vo-tran-4060338.html

(6)https://vnexpress.net/vi-sao-my-thanh-vung-dich-lon-nhat-the-gioi-4087394.html

(7)https://vnexpress.net/vi-sao-trung-quoc-tu-choi-dieu-tra-ve-covid-19-4094757.html

(8)https://vnexpress.net/my-trung-dau-khau-ve-nguon-goc-ncov-4068966.html

(9)https://tuoitre.vn/loi-dung-dich-benh-de-quay-roi-tren-bien-dong-nuoc-co-sai-cua-trung-quoc-20200426115346598.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới