Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu cao đặt ra yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhu cầu cao đặt ra yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm

Chánh Trung

(KTSG Online) - Do người vào siêu thị mua rất nhiều hàng thực phẩm, mặc dù có nguồn hàng dự trữ, được bổ sung lên kệ liên tục nhưng đến chiều ngày 14-7, nhiều siêu thị tại TPHCM đã hết các loại rau, củ, trứng gia cầm,... khiến cho việc cung ứng hàng hóa căng thẳng. Từ thực tế này, đặt ra các yêu cầu về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhu cầu cao đặt ra yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm

Siêu thị tại TPHCM sáng nay đã giảm bớt lượng người dân đến mua sắm. Ảnh: Saigon Co.op

Người đi siêu thị quá đông

Ngày 15-7 Bộ Công thương cho hay tại TPHCM việc cung ứng hàng hóa rất căng thẳng vài ngày qua, do có tin đồn thành phố sẽ bị phong tỏa từ ngày 15-7-2021. Nên từ sáng ngày 14-7 người dân đổ xô đến các siêu thị để mua hàng thực phẩm, nhiều siêu thị phát phiếu hẹn giờ đến mua hàng. Nhưng đến trưa, chiều có rất nhiều người không nhận được phiếu hẹn do số người có nhu cầu vào siêu thị quá đông siêu thị không thể phục vụ.

Sở Công Thương TPHCM cho biết, sáng 15-7 TPHCM đã tổ chức được 75 điểm bán hàng lưu động với 84 lượt xe. Trong đó, có 19 điểm với 28 lượt xe bán hàng lưu động theo đề xuất của các quận, huyện.

Ở một số siêu thị không phát phiếu hẹn, có hàng trăm người xếp hàng để vào siêu thị. Do người vào siêu thị mua rất nhiều hàng thực phẩm, mặc dù có nguồn hàng dự trữ, được bổ sung lên kệ liên tục nhưng đến chiều nhiều siêu thị đã hết các loại rau, củ, trứng, bún, nui…

Đến tối 14-7 có rất nhiều người dân có nhu cầu nhưng chưa dược vào siêu thị. Một số hộ dân bán các loại rau, củ, quả, trứng với giá cao hơn siêu thị 30%-50%, không loại trừ nguồn hàng này mua từ siêu thị.

Tuy nhiên ghi nhận sáng nay (15-7) tại TPHCM lượng người đổ đến các siêu thị đã giảm bớt so với ngày 14-7. Nhiều siêu thị thuộc Saigon Co.op không còn cảnh chen lấn nhờ phát phiếu hẹn giờ. Ghi nhận tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food sáng nay không còn cảnh người dân xếp hàng dài trăm mét phía trước siêu thị để chờ mua hàng nữa mà thay vào đó là lượng khách vừa phải, được siêu thị bố trí ghế ngồi giữ khoảng cách và lần lượt vào mua sắm khá thoải mái và trật tự.

Tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam bộ có nguy cơ thiếu hàng tại siêu thị, không đáp ứng được nhu cầu của người dân do các kho trung chuyển của các hệ thống bán lẻ ở miền Tây đặt tại thành phố Cần Thơ nhưng xe thực phẩm từ TPHCM về, tài xế phải xét nghiệm nhanh Covid-19. Nhưng hiện nay bên y tế không xét nghiệm, không có chỗ xét nghiệm và quy định là tài xế ở Cần Thơ ra thay tài xế của xe từ TPHCM để vận chuyển hàng hóa vào trung tâm thành phố nên tài xế không đồng ý và một số xe đã quay ngược về lại TPHCM; giấy xét nghiệm các tài xế đã hết hạn và chưa có nơi để đăng ký xét nghiệm lại.

Tại tỉnh Đồng Nai, đến sáng ngày 15-7-2021, sức mua của người dân đã dần ổn định hơn so với những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, trên thị trường hiện tại không có tình trạng gom hàng đầu cơ. Tại các siêu thị theo thống kê sơ bộ thì lượng khách mua sắm tại siêu thị ngày hôm nay đã giảm so với các ngày trước. Nhóm hàng rau củ, quả, thịt cá vẫn trong tình trạng nhu cầu cao, sức tiêu thụ rất nhanh.

Tại tỉnh Bình Dương, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá,... các loại thực phẩm thiết yếu khác tại chợ truyền thống có sức mua giảm. Ghi nhận nngày 14-7 cho thấy giá cả một số mặt hàng đã giảm từ 10-40% so với trước đo. Sức mua và bán giảm do tiểu thương tại các chợ truyền thống và người tiêu dùng phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hiện tại, các chợ truyền thống bị phong tỏa, tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 35%.

Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm 

Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh. Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), trong nửa đầu năm 2021, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan đã chú trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo.

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: Bộ Công Thương

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống tốt dịch bệnh Covid-19 vừa duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu, nâng cao năng suất chất lượng ngành Công Thương và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu và dịp cuối năm, Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần.

Đặc biệt chú trọng kiểm tra các kho hàng thực phẩm đông lạnh và trong lưu thông nhằm ngăn chặn việc buôn bán các loại thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc.

Mời xem thêm:

Siêu thị phát phiếu hẹn giờ để giảm cảnh chen lấn

TPHCM nỗ lực cung cấp đủ hàng hóa, giá cả ổn định

Công bố đường dây nóng, tiếp nhận thông tin tố giác đầu cơ, tăng giá

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới